Giấy phép xả thải là gì? Quy trình xin cấp giấy phép xả thải? Trường hợp nào phải xin và không phải xin giấy phép xả thải?
Xã hội, kinh tế ngày càng phát triển đưa đất nước đi lên đã thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kéo theo sự ra đời của các khu công nghiệp, các xí nghiệp là vấn đề ô nhiễm môi trường cho xả thải. Để đảm bảo môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về những trường hợp nào phải xin và không phải xin giấy phép xả thải. Bài viết dưới đây, sẽ phân tích để làm rõ cho bạn đọc về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Giấy phép xả thải là gì?
– Giấy phép xả thải là hồ sơ pháp lý mà các doanh nghiệp phải có trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hay nói cách khác, giấy phép xả thải là cách thức chuyển giao việc xử lý nguồn xả thải từ chủ nguồn tới nơi tiếp nhận, xử lý tạo điều kiện cho các chủ nguồn thải không đủ khả năng tự xử lý.
– Pháp luật đã quy định rõ về các đối tượng phải thực hiện xin giấy phép xả thải. Theo đó, tất cả các cá nhân, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam có lưu lượng xả thải là 10m3/1 ngày đều phải lập hồ sơ báo cáo xả nước thải vào nguồn nước. Đồng thời, với các đơn vị đã được cấp giấy phép xả thải, khi có những thay đổi dưới đây thì phải lập hồ sơ xin cấp phép lại:
+ Chủ giấy phép thay đổi
+ Nguồn nước khai thác và sử dụng thay đổi, nguồn nước tiếp nhận nguồn nước thải thay đổi
+ Lưu lượng khai thác và sử dụng tăng vượt trên 25% theo giấy phép được cấp
+ Lượng nước xả thải tăng vượt trên 25% theo giấy phép được cấp.
Ví dụ: Chị Lê Thị H mở cơ sở sản xuất gỗ. Xưởng sản xuất gỗ chị H mở vào năm 2018. Ngay tại thời điểm đăng ký giấy phép kinh doanh, chị H đã xin giấy phép xả thải tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau khi thực sát và xem xét, cơ quan chức năng đã cấp giấy phép xả thải cho chị. Tuy nhiên, sau 3 năm hoạt động, thấy công việc kinh doanh không thuận lợi, lợi nhuận thu về không nhiều, chị H quyết định sang nhượng lại cho cá nhân khác là chị Đỗ Thị K. Vậy trong trường hợp này, chủ sở hữu trên giấy phép kinh doanh đổi từ chị H sang chị K, do đó, xưởng sản xuất gỗ này vẫn cần xin cấp lại giấy phép xả thải.
2. Quy trình xin cấp phép xả thải:
Khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, muốn đi vào hoạt động buộc phải xin được giấy cấp phép xả thải. Giấy cấp phép xả thải phải tuân thủ theo quy trình cụ thể như sau:
– Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực tế xuống tại địa điểm công trình để khảo sát, thu thập các dữ liệu cơ bản phục vụ việc lập hồ sơ.
– Sau khi xuống địa điểm công trình xây dựng để trực tiếp khảo sát, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành tìm hiểu, xác định các yếu tố gây ô nhiễm tại địa điểm công trình. Từ đó đánh giá mức độ tác động các nguồn ô nhiễm tại dự án tới các yếu tố tài nguyên và môi trường.
– Trên cơ sở các yếu tố dự tính của dự án: nhu cầu sử dụng nước và ước tính mức độ xả thải vào nguồn nước, thực tế nguồn thải nước thải, hệ thống xử lý nước thải, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành lấy mẫu nước về phòng thử nghiệm để phân tích.
– Với các dữ liệu đã được tập hợp, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ đánh giá, đưa ra các biện pháp giảm thiểu nhằm xử lý một cách tối đa các tác nhân gây ô nhiễm vào nguồn nước thải.
– Cuối cùng, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo và nộp lên cơ quan quản lý tiếp nhận, thẩm xét và cấp phép.
Như vậy, để có thể xin được giấy phép xả thải, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, xí nghiệp cần được thông qua các quy trình logic, khoa học theo đúng quy định của pháp luật.
3. Các trường hợp phải xin giấy phép xả thải:
Theo quy định của Nhà nước, các trường hợp phải xin giấy phép xả thải bao gồm:
– Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ phải xin giấy phép xả thải nếu nằm trong các trường hợp cụ thể sau đây:
+ Quy mô xả nước thải của cơ sở đó vượt quá 5m3/ ngày đêm
+ Trong nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ.
+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đó không xả nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đã được cơ quan Nhà nước có thẩm thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, không thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
– Các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải xin cấp giấy phép xả thải nếu nằm trong các trường hợp cụ thể sau đây:
+ Quy mô xả nước thải vượt quá 10000 m3/ngày đêm.
+ Cơ sở đó nuôi trồng thủy sản không phải trên biển, sông, suối, hồ chứa.
– Ngoài ra, với các lĩnh vực cụ thể dưới đây, dù các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ xả nước thải với quy mô dưới 5m3/ ngày đêm nhưng bắt buộc phải làm giấy giấy phép xả thải:
+ dệt nhuộm, may hoặc có công đoạn nhuộm, in hoa; cơ sở giặt là có công đoạn giặt tẩy.
+ Luyện kim, tái chế kim loại, mạ kim loại; sản xuất linh kiện điện tử.
+ Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp; thuộc da và tái chế da.
+ Chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất, lọc hóa dầu; chế biển sản phẩm dầu mỏ.
+ Sản xuất bột giấy, nhựa cao su, chất tẩy rửa, phụ gia, phân bón, hóa chất, dược phẩm, đông dược, hóa mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật,…
+ Khám chữa bệnh có phát sinh nước thải y tế.
+ Thực hiện thí nghiệm có sử dụng hóa chất, phóng xạ.
Như vậy, trên đây là những trường hợp cụ thể phải xin cấp giấy phép xả thải theo quy định của pháp luật. Có thể thấy, các trường hợp phải xin giấy phép xả thải đều là những trường hợp gây ra nguồn ô nhiễm thực tế cao trong công tác sản xuất và vận hành. Khi nước chất thải đưa ra môi trường có yếu tố tác động, gây ô nhiễm chạm đến giới hạn nhất định, chủ doanh nghiệp, lãnh đạo các xí nghiệp, công ty buộc phải xin giấy phép xả thải. Điều này đảm bảo tính khách quan, minh bạch, trật tự trong quá trình thi hành pháp luật giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, đây được xem là nút thắt chặt chẽ, mang tính quyết định trong việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái chung.
4. Các trường hợp không phải xin giấy phép xả thải:
Các trường hợp không phải xin giấy phép xả thải theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ- CP ngày 27/11/2013, bao gồm:
– Xả nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình.
– Xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5m3/ ngày đêm và không chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ.
– Xả nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc trường hợp quy định tại Điểm khoản 3 Điều 16 Nghị định số 201/2013/NĐ- CP ngày 27/11/2013 vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và có thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đó.
Ví dụ: Anh Đỗ Văn B mở cơ sở kinh doanh giặt là. Anh không xin giấy phép xả thải. Hàng xóm của anh là ông Đặng Văn N đã ra ủy ban Nhân dân xã, báo cáo với cán bộ xã, cho rằng anh B kinh doanh, xả chất thải ra môi trường mà không có sự cho phép của Nhà nước. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã đã trực tiếp đến nhà anh B kiểm tra. Sau khi khảo sát, xem xét thực tế, thấy quy mô của cơ sở giặt là nhà anh B không vượt quá 5m3 ngày đêm, đồng thời không chứa chất độc hại, chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho rằng việc kinh doanh của ông B là hợp pháp, và việc ông B không có giấy phép xả thải là được pháp luật cho phép.
Có thể thấy, với những trường hợp xả thải với lượng chất thải ít, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Nhà nước không bắt buộc phải xin giấy phép xả thải. Việc phải xin giấy phép xả thải phụ thuộc rất lớn vào quy mô lượng chất thải thải ra môi trường. Việc quy pháp luật quy định các trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép xả thải và không phải xin giấy phép xả thải tạo ra tính khách quan, công bằng cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Hơn hết, nó được xem là biện pháp pháp lý mà Nhà nước đưa ra để bảo vệ môi trường.