Ngày nay khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên của các tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại thì đồng thời nhân loại cũng phải đối mặt với những thách thức lớn lao cho sự tồn tại, đó là các yếu tố suy thoái liên quan đến môi trường sống. Nhiều người thắc mắc, trường hợp nào phải nộp và được miễn phí bảo vệ môi trường?
Mục lục bài viết
1. Phí bảo vệ môi trường được hiểu như thế nào?
Nhìn chung thì có thể hiểu rằng, phí bảo vệ môi trường là một khoản tiền mặt do các tổ chức và cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh các tác động xấu tiêu cực đối với môi trường phải nộp nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp dịch vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường. Thông qua khái niệm đó thì có thể nhìn thấy được một số đặc điểm của phí bảo vệ môi trường như sau:
– Phí bảo vệ môi trường là loại phí gắn liền với việc sử dụng dịch vụ liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ thể cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường đó;
– Phí bảo vệ môi trường được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản là người gây ô nhiễm phải trả phí đó cho các chủ thể có thẩm quyền dựa trên hoạt động xả thải của họ.
Quy định việc đóng phí bảo vệ môi trường có vai trò hết sức quan trọng. Phí bảo vệ môi trường có tác động trong việc điều chỉnh hành vi của người gây ô nhiễm theo hướng có lợi cho môi trường đồng thời, phí bảo vệ môi trường còn tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước trong hoạt động bảo vệ môi trường. Nhìn chung thì trên thế giới hiện nay phí bảo vệ môi trường được chia thành ba loại: đó là phí phát thải, phí sử dụng và phí sản phẩm. Còn ở Việt Nam thì phí bảo vệ môi trường bao gồm các loại sau: phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, phí thẩm định báo cáo tác động đánh giá môi trường cùng đề án bảo vệ môi trường chi tiết, phí thẩm định phương pháp cải tạo và phục hồi môi trường cũng như phương pháp cải tạo và phục hồi môi trường bổ sung.
Nhìn chung thì cần phải phân biệt giữa thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường bởi đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Sự khác nhau cơ bản nhất giữa hai khái niệm này đó là bản chất của đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn có sự khác nhau rõ rệt về mục tiêu điều chỉnh của thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường.
2. Trường hợp nào phải nộp phí bảo vệ môi trường?
Căn cứ theo nghị định số 53/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, thì cần phải nộp phí bảo vệ môi trường trong các trường hợp cụ thể sau:
Thứ nhất, các chủ thể là nhà máy hoặc cơ sở sản xuất chế biến gọi chung là các tổ chức và các hộ gia đình, cá nhân sẽ phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp từ chính các địa điểm sản xuất của họ đối với các trường hợp cụ thể sau:
– Có cơ sở sản xuất và chế biến nông nghiệp như nông lâm thủy sản và các loại nước giải khát cũng như thuốc lá hoặc rượu bia;
– Các cơ sở sản xuất đối với gia súc gia cầm hoặc giết mổ gia súc gia cầm có quy mô phù hợp với quy định của pháp luật về chăn nuôi;
– Các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản phù hợp với quy định của pháp luật về môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường;
– Các cơ sở chế biến đồ gia dụng hoặc văn phòng phẩm, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hoặc thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở tái chế may mặc hoặc chế biến khoáng sản…;
– Các nhà máy cung cấp nước và nhà máy điện;
– Các cơ sở sản xuất thủ công trong các làng nghề như thiết bị điện hoặc điện tử, bao gồm cả cơ sở sản xuất về bột giấy hoặc cao su…;
– Các cơ sở sản xuất và chế biến khác trong quá trình sản xuất của mình mà có phát sinh nước thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ cũng phải chịu phí bảo vệ môi trường theo quy định nói trên.
Thứ hai, các chủ thể là hộ gia đình hoặc cá nhân bao gồm cả các cơ sở sản xuất chế biến sẽ phải chịu phí bảo vệ môi trường từ hoạt động xả thải của mình cụ thể như sau:
– Các chủ thể là các cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm cả đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, trụ sở điều hành hoặc chi nhánh văn phòng của các cơ quan tổ chức trên, sẽ phải chịu phí bảo vệ môi trường từ hoạt động sinh hoạt của họ;
– Đối với những cơ sở sửa chữa xe máy hoặc sửa chữa ô tô cũng sẽ phải chịu phí bảo vệ môi trường từ hoạt động xả thải;
– Đối với các cơ sở khám chữa bệnh hoặc nhà hàng khách sạn cũng phải chịu phí bảo vệ nói trên;
– Và bao gồm cả các cơ sở kinh doanh hoặc dịch vụ khác không được liệt kê.
3. Trường hợp nào được miễn phí bảo vệ môi trường?
Căn cứ theo Điều 5 nghị định số 53/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, thì các trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường như sau:
– Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện;
– Nước biển được dùng vào mục đích sản xuất muối xả ra;
– Nước thải từ hoạt động sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sạch; hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh ở các phường, thị trấn đã có hệ thống cấp nước sạch tự khai thác nước sử dụng;
– Nước làm mát nhưng mà không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường;
– Nước thải từ nước mưa tự nhiên chảy tràn cũng được miễn phí bảo vệ môi trường;
– Nước thải từ các phương tiện dùng vào mục đích đi đánh bắt thủy sản của người dân;
– Nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
4. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật phí bảo vệ môi trường:
Thứ nhất, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả. Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả là nguyên tắc được dùng để phân bổ chi phí cho các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nhầm khích lệ việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên môi trường khan hiếm và tránh làm ảnh hưởng tới đầu tư và thương mại quốc tế.
Thứ hai, nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững. Nội dung của nguyên tắc đảm bảo phát triển bền vững của việc áp dụng công cụ phí bảo vệ môi trường tại hiện qua chính sách pháp luật về phí bảo vệ môi trường được xây dựng phù hợp đảm bảo tính thống nhất của chính sách kinh tế xã hội của quốc gia cũng như vùng và địa phương. Phí bảo vệ môi trường được xây dựng để đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường nhưng không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mục tiêu công bằng xã hội.
Thứ ba, nguyên tắc kích thích lợi ích kinh tế. Nội dung của nguyên tắc kích thích lợi ích kinh tế của việc áp dụng công cụ phí bảo vệ môi trường là lợi dụng kinh tế để kích thích các hộ gia đình và cơ sở sản xuất doanh nghiệp trong đời sống và sản xuất thực hiện các hoạt động có lợi ích cho môi trường. Việc kích thích lợi ích kinh tế của phí bảo vệ môi trường thể hiện thông qua mức phí bảo vệ môi trường được quy định sao cho phù hợp, Sao cho mức phí bảo vệ môi trường mà cơ sở sản xuất phải trả cao hơn so với chi phí xử lý ô nhiễm cận biên của doanh nghiệp.
Căn cứ thông dụng mà các quốc gia trên thế giới quy định để tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là dựa vào lượng phát thải và thành phần phát thái tức là khối lượng và chất lượng gây ô nhiễm. Ngoài hai căn cứ cơ bản này thì một số quốc gia trên thế giới còn căn cứ tính phí khác như vị trí tiếp cận nguồn tài và phát thải trong hoặc ngoài hệ thống… việc xác định các căn cứ tính phí phụ thuộc vào thể chế chính trị và điều kiện kinh tế xã hội của từng quốc gia. Đối với các chất gây ô nhiễm tính phí, không có quy định thống nhất về số lượng các chất gây ô nhiễm tính phí. Có những quốc gia thu phí đối với số lượng lớn các chất gây ô nhiễm nhưng cũng có những quốc gia chỉ tập trung tính phí đối với một số chất gây ô nhiễm có tính độc hại cao. Mất phí cao sẽ tạo động lực cho các chủ thể gây ô nhiễm đặc biệt là các doanh nghiệp có Ý thức và trách nhiệm trong việc giảm ô nhiễm nhưng hiệu quả về nguồn thu không đạt được. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy việc áp dụng mức phí cao ngay từ đầu sẽ giúp cho việc cải thiện và bảo vệ môi trường đạt hiệu quả. Trong khi đó mức phí thấp ít tạo áp lực về chi phí cho các doanh nghiệp tại các nước đang phát triển nhưng việc cải thiện chất lượng môi trường đạt hiệu quả rất thấp và thậm chí còn thất bại. Nhìn chung thì kinh nghiệm thế giới cho thấy trong những năm đầu áp dụng phí bảo vệ môi trường thì mức thu phí có thể quy định ở mức thấp sau đó tăng dần trong những năm tiếp theo, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định số 53/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
– Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.