Trường hợp nào là mang thai hộ hợp pháp? Mang thai hộ bất hợp pháp? Điều kiện để mang thai hộ hợp pháp. Hồ sơ hợp lệ chuẩn bị mang thai hộ.
Mang thai hộ hiện nay đã được pháp luật công nhận tuy nhiên trường hợp nào là mang thai hộ hợp pháp? Trường hợp nào là mang thai hộ bất hợp pháp? Bài viết dưới đây xin trình bày về vấn đề này
Căn cứ pháp lý:
Nghị định 10/2015/NĐ-CP Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Thông tư 57/2015/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Nội dung tư vấn
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về mang thai hộ
Việc mang thai hộ hiện nay được chia thành mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.
– Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
– Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Và bản chất của hai mục đích này cũng khác nhau
Tiêu chí | Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo | Mang thai hộ vì mục đích thương mại |
Căn cứ pháp lý | Bộ luật Hình sự 2015, Luật hôn nhân và gia đình 2014 | |
Mục đích | Dựa trên cơ sở tự nguyện của các bên, không vì mục đích thương mại và được lập thành văn bản | Để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác |
Điều kiện người mang thai hộ | – Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng; – Đã từng sinh con – Chỉ được mang thai hộ một lần – Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ – Nếu người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng – Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý | Do hai bên thỏa thuận, không bao gồm điều kiện nào |
Trách nhiệm | – Do hai bên thỏa thuận, phải được lập thành văn bản có công chứng. – Nếu vi phạm thì Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp | – Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng – Bị phạt tù cao nhất là 05 năm tù – Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm |
Theo quy định tại Điểm g khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định cấm hành vi:
“Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
Từ đó ta có thể thây việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hợp pháp, còn mang thai hộ vì mục đích thương mại là bất hợp pháp thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
“Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo quy định pháp luật ranh giới để phân biệt được trường hợp mang thai vì mục đích nhân đạo với trường hợp mang thai vì mục đích thương mại là việc các bên có hoặc không có các thỏa thuận liên quan đến việc bên mang thai hộ sẽ được hưởng lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác. Nói một cách khác thì việc mang thai hộ không có yếu tố vật chất thì có thể goi là “mang thai hộ không vì mục đích thương mại”.
Tuy nhiên, theo quan điểm tác giả để xác định chính xác vấn đề này không phải là vấn đề đơn giản bởi pháp luật khó có thể kiểm soát được các vấn đề phát sinh trên thực tiễn.
Chẳng hạn phải hiểu thế nào là “hưởng lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác” cho chính xác, liệu lợi ích kinh tế có bao gồm một số trường hợp như bên nhờ mang thai hộ cung cấp một số tiền để bên mang thai hộ trang trải chi phí an dưỡng thai, hoặc một số tiền để sau khi người mang thai hộ sinh con thành công để phục hồi sức khỏe.
Có thể trong một số trường hợp số tiền này là rất lớn và không đơn thuần là để bồi dưỡng sức khỏe mà là tiền thù lao cho việc mang thai hộ.
Bởi vậy, để phân biệt chính xác hơn mục đích của việc mang thai hộ thì cần thiết phải có những quy định cụ thể liên quan đến việc đưa ra các tiêu chí chi tiết đến việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, từ đó có các cơ chế rõ ràng nhằm hạn chế được việc biến tướng của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trên thực tế.
2. Quy định của pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
2.1 Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
– Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
– Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Ngoài ra, Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo còn phải đảm bảo các quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP sau:
1. Điều kiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
a) Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này;
b) Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
a) Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gồm:
– Công văn đề nghị Bộ Y tế công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 3a tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
– Tài liệu chứng minh đã thực hiện tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
b) Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo lập thành 01 bộ và gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về Bộ Y tế.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Y tế phải xem xét hồ sơ và ra quyết định công nhận cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Bộ Y tế phải có văn bản thông báo, nêu rõ lý do gửi cơ sở đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để hoàn chỉnh hồ sơ.
3. Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại khoản 2 Điều 13
2.2 Hồ sơ đề nghị mang thai hộ
Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, bao gồm:
– Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ (theo mẫu);
– Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (theo mẫu);
– Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
– Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
– Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
– Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi và đã từng sinh con;
– Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
– Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
– Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.
2.3. Thời gian: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.