Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ: Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng, Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại,...
Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ
Trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là một loại trách nhiệm pháp lý mà khi chủ thể có hành vi trái pháp luật xâm hại đến người khác gây thiệt hại thì phải bồi thường, và việc bồi thường này được tính bằng tiền. Như vậy, có thể hiểu loại trừ trách nhiệm bồi thường là khi chủ thể có hành vi xâm phạm đến người khác, gây ra thiệt hại nhưng không có trách nhiệm phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Khoản 2 Điều 584 và Điều 594 BLDS 2015 quy định: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại”; “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”. Bên cạnh đó, Điều 595 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại”; như vậy, mặc nhiên trong trường hợp không vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì chủ thể gây thiệt hại được loại trừ trách nhiệm bồi thường.
Như vậy, chế định pháp luật về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng của BLDS 2015 ghi nhận những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác đó là trường hợp “do sự kiện bất khả kháng”, “hoàn toàn có lỗi của bị bị thiệt hại”, “phòng vệ chính đáng” và “trong tình thế cấp thiết”.
Mục lục bài viết
1. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng:
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng.
Sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện xảy ra một cách “khách quan”, nghĩa là không phụ thuộc vào ý thức của chủ thể gây thiệt hại và mang tính “không lường trước được”; đó có thể là thiên tại, dịch bệnh hoặc hành vi của chủ thể khác dẫn đến chủ thể gây thiệt hại không thể lựa chọn được cách xử sự mong muốn. Đồng thời, để được xác định là sự kiện bất khả kháng, chủ thể gây thiệt hại đã áp dụng mọi biện pháp có thể thực hiện nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và không thể khắc phục được.
Tóm lại, yếu tố quan trọng nhất quyết định đến việc loại trừ trách nhiệm BTTH trong trường hợp này là xác định đúng đắn “sự kiện bất khả kháng”. Pháp luật dân sự đã định nghĩa về khái niệm “sự kiện bất khả kháng” nhưng dường như khái niệm này chưa thực sự rõ ràng, tất yếu dẫn đến sự tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật của những người có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp. Đây là vấn đề cần lưu ý trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong tương lai.
2. Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại:
Khoản 4 Điều 585 BLDS 2015 quy định: Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra; đồng thời khoản 2 Điều 584 của bộ luật cũng quy định “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.”
BLDS 2015 mặc dù không xem yếu tố “lỗi” là căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nhưng về lý luận pháp luật nói chung và về trách nhiệm bồi thường nói riêng thì yếu tố “lỗi” là một yếu tố không thể bỏ qua khi xác định trách nhiệm pháp lý của chủ thể. BLDS 2015 được xây dựng với tinh thần coi mức độ lỗi là căn cứ cho việc xác định thiệt hại trong những tranh chấp cụ thể; và khi người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi thì người gây ra thiệt hại được “loại trừ trách nhiệm bồi thường” chứ không đồng nghĩa với việc trách nhiệm BTTH không phát sinh.
Theo quan điểm của tác giả, quy định của BLDS 2015 về việc loại trừ trách nhiệm bồi thường khi người bị xâm phạm hoàn toàn có lỗi; và yếu tố “lỗi” là căn cứ quyết định mức độ BTTH, là phù hợp cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn áp dụng pháp luật.
3. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp phòng vệ chính đáng:
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Mọi hành vi trái pháp luật của các chủ thể gây thiệt hại cho các đối tượng được pháp luật bảo vệ đều không được pháp luật chấp nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền của cá nhân tự bảo vệ mình cũng như chủ động ngăn chặn các hành vi trái pháp luật làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, thì pháp luật coi việc chống trả lại các hành vi xâm phạm đó trong một chừng mực cho phép là hành vi phòng vệ chính đáng.
Để một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng thì hành vi đó phải “vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích Nhà nước, của cơ quan, tổ chức” khi có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến những “quyền hoặc lợi ích chính đáng” này. Và kết quả của hành vi phòng vệ chính đáng là gây thiệt hại cho chính chủ thể có hành vi xâm hại. Đồng thời, hành vi phòng vệ phải nhằm “chống trả lại một cách cần thiết” đối với chủ thể có hành vi xâm hại, nếu hành vi phòng vệ là không cần thiết, thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Điều 594 BLDS 2015 quy định: Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại; người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Về mặt lý luận, việc loại trừ trách nhiệm BTTH của chủ thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác do phòng vệ chính đáng là hoàn toàn phù hợp khi bất kì ai đều được quyền phản vệ, thực hiện những hành vi phù hợp để ngăn chặn những nguy hại có thể xâm phạm đến bản thân và những lợi ích công cộng. Vấn đề tồn tại nằm ở việc phản ánh tư duy lý luận thông qua các quy phạm pháp luật thực định, đó là tính khái quát quá cao của định nghĩa về khái niệm “phòng vệ chính đáng”. Chính vì điều này mà việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên thực tế gặp không ít khó khăn khi phải xác định chính xác tính “chính đáng” của những hành vi phòng vệ. Đây cũng là một lưu ý cho những nhà làm luật khi xây dựng pháp luật trong tương lai.
4. Thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết:
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.”
Điều 595 BLDS 2015 quy định: Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại; người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Để một hành vi gây thiệt hại được xem là “trong tình thế cấp thiết” thì hành vi đó phải nhằm tránh gây thiệt hại cho bản thân, cho lợi ích chung và khi không thể lựa chọn một cách xử sự nào khác thì chủ thể gây ra thiệt hại mới phải thực hiện hành vi gây thiệt hại. Đồng thời, hành vi của chủ thể xâm hại phải gây ra thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại mà họ muốn tránh.
Nhìn chung, quy định của pháp luật về tình thế cấp thiết có nội hàm rộng, chủ yếu mang tính chất xây dựng định nghĩa về khái niệm một cách chung chung. Trên thực tế xảy ra tranh chấp, việc xác định tình thế cấp thiết dường như phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người áp dụng pháp luật.