Xóa nợ tiền thuế là việc cơ quan thuế thực hiện thủ tục xóa nợ cho người có nghĩa vụ nộp thuế tuy nhiên người đó rơi vào hoàn cảnh không có đủ khả năng để trả nợ thuế. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì những trường hợp nào sẽ được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về những trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt. Căn cứ theo quy định tại Điều 85 của Luật quản lý thuế năm 2019 có quy định về những trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp. Bao gồm:
– Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản, tuy nhiên trên thực tế không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt;
– Cá nhân đã chết hoặc cá nhân bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, tuy nhiên không có tài sản, trong đó bao gồm cả tài sản được thừa kế để thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt còn nợ;
– Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế không thuộc một trong những trường hợp nêu trên, được cơ quan quản lý thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế căn cứ theo quy định tại Điều 125 của Luật quản lý thuế năm 2019, và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt này đã vượt quá thời gian 10 năm được tính kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế tuy nhiên vẫn không có đủ khả năng để thu hồi. Người nộp thuế là cá nhân, cá nhân kinh doanh, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân, loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã được xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quy định của pháp luật khi quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế hoặc thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới thì bắt buộc phải hoàn trả cho nhà nước khoản tiền nợ thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt đã được xóa trước đó;
– Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét để miễn tiền chậm nộp căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 59 của Luật quản lý thuế năm 2019, đồng thời đã được gia hạn nộp thuế căn cứ theo quy định tại Điều 62 của Luật quản lý thuế năm 2019, tuy nhiên vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt đó.
Theo đó, những trường hợp trên đây sẽ được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp.
Đồng thời, Chính phủ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể về việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương để đảm bảo các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa bắt buộc phải hoàn trả vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật trước khi tiến hành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:
Căn cứ theo quy định tại Điều 86 của Luật quản lý thuế năm 2019 có quy định về thành phần hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt. Theo đó:
– Cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt lập và gửi thành phần hồ sơ yêu cầu xóa nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp và tiền phạt đến cơ quan có thẩm quyền/người có thẩm quyền;
– Thành phần hồ sơ xóa nợ thuế, xóa tiền chậm nộp và tiền phạt sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau đây:
+ Văn bản đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thuộc diện được xóa tiền nợ thuế/tiền nộp chậm và tiền phạt;
+ Quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp doanh nghiệp/hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật;
+ Các văn bản giấy tờ, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc đề nghị xóa tiền nợ thuế/tiền chậm nộp và tiền phạt.
– Bộ trưởng Bộ tài chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể về thành phần hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền nộp chậm và tiền phạt.
Đồng thời, tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Luật quản lý thuế năm 2019 có quy định về trách nhiệm giải quyết hồ sơ xóa nợ thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt. Theo đó:
– Cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền đã nhận thành phần hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền phạt bắt buộc phải thông báo cho cơ quan đã gửi hồ sơ để điều chỉnh khi hồ sơ chưa đầy đủ trong khoảng thời gian 10 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ;
– Người có quyền phải ra quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt hoặc thông báo không thuộc diện được xóa nợ thuế, xóa nợ tiền chậm nộp hoặc tiền phạt cho cơ quan đã gửi thành phần hồ sơ trong khoảng thời gian 60 ngày được tính kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ.
3. Thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:
Thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 87 của Luật quản lý thuế năm 2019. Theo đó:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp sau đây:
+ Các trường hợp được quy định cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 Điều 85 của Luật quản lý thuế năm 2019;
+ Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cá nhân được quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật quản lý thuế năm 2019;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật quản lý thuế năm 2019, có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp hoặc tiền phạt với mức dưới 5.000.000.000 đồng.
– Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, tổng cục trưởng Tổng cục hải quan là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xóa nợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 85 của Luật quản lý thuế năm 2019, có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt với mức từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;
– Bộ trưởng Bộ tài chính là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng;
– Thủ tướng Chính phủ là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định xóa nợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 15.000.000.000 đồng trở lên;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tình hình kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho hội đồng nhân dân cùng cấp và kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ tài chính là chủ thể có thẩm quyền tổng hợp đầy đủ tình hình xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để cơ quan có thẩm quyền đó là Chính phủ báo cáo về Quốc Hội trong quá trình quyết định ngân sách nhà nước.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật quản lý thuế 2019;
– Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế;
– Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
– Chỉ thị 03/CT-BTC của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước;
– Thông tư 06/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
THAM KHẢO THÊM: