Tuyển dụng viên chức là quá trình lựa chọn người có đầy đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng nhu cầu công việc, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy những trường hợp nào được tiếp nhận viên chức không qua thi tuyển?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp được tiếp nhận viên chức không qua thi tuyển:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập (sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định 85/2023/NĐ-CP), theo đó căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và căn cứ vào yêu cầu của từng vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức sẽ ra quyết định tiếp nhận vào viên chức đối với những trường hợp đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm mà không cần phải thông qua thi tuyển, cụ thể bao gồm các trường hợp sau:
-
Cá nhân có đủ thời gian 05 năm công tác trở lên đang công tác, làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận tại các tổ chức, cơ quan, đơn vị được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thời gian công tác trong trường hợp này là thời gian làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật về viên chức, có thực hiện chế độ đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó không bao gồm thời gian tập sự căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Trường hợp thời gian tập sự, thời gian thử việc tại công việc đang làm theo quy định của pháp luật ít hơn so với thời gian tập sự của công việc được tiếp nhận căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì thời gian chênh lệch ít hơn này sẽ được tính vào thời gian tập sự. Bên cạnh đó, trường hợp có thời gian công tác không liên tục tuy nhiên chưa được nhận chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được cộng dồn;
-
Các cán bộ, công chức cấp xã đang làm công việc phù hợp với vị trí công việc dự kiến tiếp nhận;
-
Những người từng là cán bộ, viên chức, công chức, tuy nhiên sau đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bằng văn bản về việc điều chuyển công tác đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác tuy nhiên vẫn làm công việc phù hợp với vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận;
-
Cá nhân là người tốt nghiệp trình độ tiến sĩ trở lên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật, cá nhân đó đang làm việc và công tác tại cơ quan, tổ chức có trụ sở hoặc có chi nhánh được thành lập ở nước ngoài hoặc làm việc tại cơ quan, tổ chức nước ngoài có đặt trụ sở/chi nhánh trên lãnh thổ của Việt Nam, có chuyên ngành đào tạo hoàn toàn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng, đồng thời cá nhân có đủ thời gian 03 năm công tác trở lên làm công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận;
-
Cá nhân là người có tài năng, có năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, lĩnh vực thể dục thể thao, các nghề truyền thống theo quy định của Bộ quản lý ngành nghề, lĩnh vực;
-
Cá nhân là người học theo chế độ cử tuyển phù hợp với quy định của pháp luật, sau khi tốt nghiệp quay trở về công tác tại địa phương nơi cử đi học. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng hoặc cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng sẽ căn cứ vào đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình để có thể quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn so với các trường hợp tiếp nhận.
Như vậy, có thể tiếp nhận viên chức không thông qua thi tuyển khi thuộc một trong những trường hợp nêu trên.
2. Quy trình xem xét tiếp nhận vào viên chức như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, có quy định về quy trình xem xét tiếp nhận vào viên chức. Theo đó:
-
Khi xem xét tiếp nhận vào viên chức không giữ chức vụ quản lý đối với trường hợp: Cá nhân là người có đủ thời gian 05 năm công tác trở lên đang làm công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc ở vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận tại các cơ quan, đơn vị được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; hoặc cá nhân từng là cán bộ, công chức, viên chức; tuy nhiên sau đó được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bằng văn bản về việc điều chuyển công tác đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức khác nhưng vẫn làm công việc phù hợp với vị trí việc làm dự kiến tiếp nhận; hoặc người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp quay trở về công tác tại địa phương nơi cử đi học, thì người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyển dụng cần phải thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch. Thành phần Hội đồng sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP;
-
Sau khi được thành lập, Hội đồng kiểm tra sát hạch sẽ thực hiện một số chức năng và nhiệm vụ như sau:
+ Kiểm tra về điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng;
+ Tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Hội đồng kiểm tra sát hạch cần phải có báo cáo gửi về người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, thống nhất về hình thức sát hạch và nội dung sát hạch trước khi thực hiện trên thực tế;
+ Hội đồng kiểm tra sát hạch sẽ làm việc theo nguyên tắc tập thể, và quyết định theo đa số. Trong trường hợp hội đồng có số phiếu biểu quyết ngang nhau thì sẽ thực hiện theo ý kiến mà chủ tịch Hội đồng kiểm tra sát hạch đưa ra; Hội đồng kiểm tra sát hạch sẽ quyết định thành lập Ban thư ký, giữ vai trò giúp việc cho hội đồng trong trường hợp cần thiết;
+ Trường hợp vị trí việc làm không yêu cầu về trình độ ngoại ngữ thì hội đồng sẽ không tiến hành thủ tục sát hạch ngoại ngữ;
+ Thực hiện nghĩa vụ báo cáo lên người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và kết quả kiểm tra sát hạch;
+ Hội đồng sát hạch sẽ tự giải thể sau khi đã hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ của mình.
-
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng ra quyết định tuyển dụng theo chức năng, quyền hạn của mình.
3. Hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào viên chức gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP, có quy định về thành phần hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào viên chức. Bao gồm các giấy tờ, tài liệu như sau:
-
Sơ yếu lý lịch cá nhân theo quy định của pháp luật hiện hành, sơ yếu lý lịch đó được lập trong khoảng thời gian 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, sơ yếu lý lịch cần phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
-
Các loại văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;
-
Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp quận, huyện trở lên cung cấp trong khoảng thời gian 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ;
-
Văn bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận liên quan đến phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, quá trình công tác, văn bản đó cần phải có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi công tác (nếu có).
THAM KHẢO THÊM: