Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của những người lao động nhằm để đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Trường hợp đình chỉ xét tính hợp pháp của cuộc đình công được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Trường hợp đình chỉ xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
- 2 2. Trình tự, thủ tục yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
- 2.1 2.1. Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
- 2.2 2.2. Gửi hồ sơ yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
- 2.3 2.3. Tòa án nhận đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
- 2.4 2.4. Giải quyết đơn yêu cầu:
- 2.5 2.5. Mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
- 2.6 2.6. Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công:
1. Trường hợp đình chỉ xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
1.1. Quy định về đình công:
Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của những người lao động nhằm để đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do chính tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích hoàn toàn có quyền tiến hành thủ tục đình công để đình công trong trường hợp sau đây:
+ Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải pháp luật quy định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
+ Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc là người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện đúng quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày đã chấm dứt đình công, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động sẽ có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Người yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải làm đơn yêu cầu gửi đến Tòa án. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
– Tên Tòa án có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Tòa án có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công bao gồm:
+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
+ Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết kháng cáo, giải quyết kháng nghị đối với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về tính hợp pháp của cuộc đình công ở trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
– Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
– Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
– Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
– Tên, địa chỉ của tổ chức lãnh đạo cuộc đình công;
– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động nơi tập thể lao động đình công.
Lưu ý rằng, người yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công là:
– Cá nhân: phải ký tên hoặc điểm chỉ;
– Cơ quan, tổ chức: đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.
1.2. Trường hợp đình chỉ xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
Như đã nói ở trên, trong quá trình đình công hoặc sau khi chấm dứt đình công thì người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Sau khi nhận đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công của người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động Tòa án đình chỉ việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công trong các trường hợp sau đây:
– Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;
– Các bên đã thoả thuận được với nhau về giải quyết cuộc đình công và có đơn yêu cầu Tòa án không giải quyết;
– Người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.
2. Trình tự, thủ tục yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
Trình tự, thủ tục yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công được thực hiện như sau:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động có yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công chuẩn bị bộ hồ sơ yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công, hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công (nội dung đơn như đã nêu ở mục trên);
– Quyết định đình công (bản sao);
– Quyết định hoặc biên bản hòa giải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể (bản sao);
– Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công (bản sao).
2.2. Gửi hồ sơ yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
Sau khi người có yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công đã chuẩn bị xong bộ hồ sơ đã nêu trên, người có yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công nộp hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng một trong các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính. Lưu ý, khi gửi hồ sơ có yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công bằng phương thức này, ngày yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công là ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Nếu trong trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu của bưu chính nơi gửi thì ngày có yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công là ngày người yêu cầu gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Người yêu cầu phải chứng minh ngày mình gửi đơn yêu cầu tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp người yêu cầu không chứng minh được thì ngày có yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công là ngày Tòa án nhận được đơn yêu cầu do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.
– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (Người có yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án, sau đó điền đầy đủ các nội dung đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công, ký điện tử và gửi đến Tòa án, kèm theo là những giấy tờ khác trong hồ sơ đã chuẩn bị).
2.3. Tòa án nhận đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
– Nhận đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công và ghi vào sổ nhận đơn:
+ Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công mà người yêu cầu đã nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn.
+ Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công mà người yêu cầu gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.
– Tòa án xác nhận đã nhận đơn yêu xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
+ Khi nhận đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công được nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người yêu cầu.
+ Đối với trường hợp nhận đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày đã nhận đơn yêu cầu, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người yêu cầu.
+ Trường hợp nhận đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người yêu cầu qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
2.4. Giải quyết đơn yêu cầu:
– Ngay sau khi nhận đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công và phải phân công một Thẩm phán chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công thì Thẩm phán được phân công chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu phải ra quyết định mở phiên họp để xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công sẽ phải được gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động, cho người sử dụng lao động, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan, tổ chức liên quan.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công thì Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
2.5. Mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công:
– Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công tiến hành công bố quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công và tóm tắt nội dung đơn yêu cầu.
– Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động và đại diện của người sử dụng lao động trình bày ý kiến của mình.
– Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công có thể yêu cầu bên đại diện cơ quan, tổ chức tham gia phiên họp trình bày ý kiến.
– Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Ngay sau khi kết thúc phiên họp thì Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự.
– Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công thảo luận và quyết định theo đa số.
2.6. Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công:
– Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải nêu rõ các lý do và căn cứ để kết luận tính hợp pháp của cuộc đình công.
– Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải được công bố công khai tại phiên họp và phải gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động, cho Viện kiểm sát cùng cấp. Tập thể lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án nhưng có quyền kháng cáo và Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định đó.
– Sau khi quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công được công bố, nếu như cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;