Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường xuyên sinh sống của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú cho họ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cơ quan có thể quyền có thể xóa đăng ký thường trú của cá nhân.
Mục lục bài viết
1. Xóa đăng ký thường trú là gì?
Xóa đăng ký thường trú là một trong những khái niệm trọng tâm và được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 11
“Xóa đăng ký thường trú là việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú xóa tên người đã đăng ký thường trú trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú.”
2. Xóa đăng ký thường trú trong những trường hợp nào?
Căn cứ vào Điều 22 Luật Cư trú 2006 sửa đổi bở sung năm 2013 quy định những trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như sau
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:
a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;
b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;
c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;
d) Ra nước ngoài để định cư;
đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.
2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì cũng có thẩmquyền xoá đăng ký thường trú.
3.Thủ tục cụ thể xoá đăng ký thường trú và điều chỉnh hồ sơ, tài liệu, sổ sách có liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
- Với trường hợp Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;
Tại Khoản 1 Điều 68
Còn trường hợp chết ở đây được hiểu là việc một người chấm dứt mọi tư cách cũng như quan hệ xã hội. Theo đó, có 2 loại cái chết bao gồm cái chết sinh học và cái chết pháp lý (bị Tòa án tuyên bố là đã chết). Cái chết sinh học là cái chết mà tất cả mọi người ai cũng phải trải qua, mặt khác đối với cái chết pháp lý thì theo Khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015 quy định.
Như vậy, nếu một người thuộc các trường hợp theo quy định trên đây và đã có quyết định của Tòa án tuyên bố chết thì người đó đương nhiên cũng bị xóa tên trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú.
- Trường hợp được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và ở tập trung trong doanh trại
Theo quy định tại Điều 16 Luật cư trú 2006 sửa đổi 2013 quy định về nơi cư trú của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Theo đó, nơi cư trú của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân. Do đó, nếu một người được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sinh sống tập trung trong doanh trại thì địa chỉ đăng ký thường trú của họ cũng chính là địa chỉ nơi đơn vị đóng quân.
Như vậy, hộ khẩu thường trú ở địa phương trước đây của chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được tuyển dụng và ở tập trung ở đơn vị sẽ bị xóa.
- Trường hợp đã có quyết định hủy đăng ký thường trú
Điều 37 Luật cư trú 2006 sửa đổi 2013 quy định:
Trường hợp cơ quan, người có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật này thì thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú cấp trên trực tiếp có trách nhiệm hủy bỏ việc đăng ký đó.
Như vậy, đối với các trường hợp đăng ký thường trú trái quy định của pháp luật do có sai phạm về thẩm quyền, đối tượng cũng như điều kiện đăng ký thường trú thì thủ trưởng cơ quan quản lý cư trú cấp trên trực tiếp có trách nhiệm hủy bỏ việc đăng ký đó. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký thường trú đó có trách nhiệm tiến hành việc xóa tên người đăng ký thường trú trong sổ và thực hiện việc đăng ký lại cho công dân.
- Trường hợp ra nước ngoài để định cư
Trường hợp, Người Việt Nam ra nước ngoài định cư được hiểu là công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài (Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 sửa đổi, bổ sung 2014). Trường hợp này, do việc định cư của công dân là lâu dài do đó nếu còn giữ địa chỉ đăng ký thường trú của công dân tại Việt Nam gây khó khăn cho việc quản lý dân cư tại địa phương. Chính vì vậy, nếu công dân thuộc trường hợp định cư tại nước ngoài thì hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi trước đây họ từng cư trú sẽ bị xóa.
- Trường hợp đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới
Tại Khoản 1 Điều 23 Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 quy định:
Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn mười hai tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.
Theo đó, công dân nếu chuyển đến nơi cư trú mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật cư trú 2006 sửa đổi 2013 thì trong vòng 12 tháng phải có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. Trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để gạch tên của họ trong sổ đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.
3. Thủ tục, hồ sơ xóa đăng ký thường trú:
Chuẩn bị hồ sơ xóa đăng ký thường trú
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 11 Thông tư 35/2014/TT-BCA thì hồ sơ xóa hộ khẩu thường trú bao gồm:
- Phiếu báo thau đổi hộ khẩu, nhân khẩu
- Sổ hộ khẩu
- Giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp xóa đăng ký thường trú
- Nộp tại cơ quan có thẩm quyền
Thẩm quyền xóa đăng ký thường trú
Khoản 2 Điều 22 Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi năm 2013 có quy định về thẩm quyền xóa đăng ký thường trú như sau:
“Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì cũng có thẩm quyền xóa đăng ký thường trú.”
Theo đó, chiếu theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi năm 2013 thì những cơ quan sau sẽ có thẩm quyền đăng ký thường trú, cũng đồng thời là những cơ quan có thẩm quyền xóa tên công dân đã đăng ký thường trú:
Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
“Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu xóa đăng ký thường trú”
Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 11 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định như sau:
- Đối với các trường hợp chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết; được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; đã có quyết định hủy đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này; ra nước ngoài để định cư.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa địa chỉ thường trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký thường trú phải xóa tên công dân trong sổ đăng ký thường trú và trong sổ hộ khẩu.
- Đối với trường hợp đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới
Trong thời hạn 05 đến 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đã đăng ký thường trú của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân chuyển đến, phải thông báo cho người bị xóa hoặc đại diện hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu (đối với trường hợp không chuyển cả hộ), thông báo việc đã xóa cho Công an huyện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo việc xóa đăng ký thường trú; Công an có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ đăng ký thường trú cho Công an cùng cấp nơi công dân chuyển đến và thông báo cho tàng thư căn cước công dân.
Quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa mà đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa tên theo quy định thì Công an xã, phường, thị trấn nơi có người thuộc diện xóa lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xóa tên.
Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình vẫn không tiến hành thủ tục xóa tên theo yêu cầu thì Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xóa tên trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú.
4. Xử lý vi phạm về xóa đăng ký thường trú:
Quá thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú mà đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú theo quy định thì Công an xã, phường, thị trấn nơi có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Sau thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xóa đăng ký thường trú.