Phù hiệu xe được hiểu là một trong những loại giấy tờ pháp lý bắt buộc phải có để xe ô tô tải và xe taxi được sử dụng với hoạt động kinh doanh. Trường hợp nào bị thu hồi phù hiệu, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
- 1 1. Trường hợp bị thu hồi phù hiệu của đơn vị kinh doanh vận tải:
- 2 2. Hồ sơ, thủ tục xin cấp lại phù hiệu xe khi bị thu hồi:
- 3 3. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh khi bị thu hồi phù hiệu:
- 4 4. Các loại xe bắt buộc phải dán phù hiệu xe:
- 5 5. Xe không thực hiện kinh doanh vận tải có phải có phù hiệu?
- 6 6. Mẫu đơn đề nghị cấp lại phù hiệu xe:
1. Trường hợp bị thu hồi phù hiệu của đơn vị kinh doanh vận tải:
Căn cứ khoản 10 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu bao gồm:
Thứ nhất, đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải:
Nếu rơi vào trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải thì tất cả phương tiện dùng để kinh doanh vận tải của đơn vị đó đều bị thu hồi phù hiệu.
Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải từ 01 đến 03 tháng nếu thực hiện các hành vi sau:
– Không bố trí người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải hoặc có bố trí nhưng không đáp ứng đủ điều kiện.
– Không xây dựng quy trình bảo đảm an toàn giao thông.
– Xây dựng quy trình bảo đảm an toàn giao thông tuy nhiên không đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc không thực hiện đúng theo quy định.
– Không có bộ phận quản lý, theo dõi điều kiện về an toàn giao thông.
– Có bộ phận quản lý, theo dõi điều kiện về an toàn giao thông tuy nhiên không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ.
– Vi phạm quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng trở lên.
– Không thực hiện đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong Giấy phép kinh doanh vận tải.
(căn cứ điểm b khoản 10 Điều 28
Thứ hai, xe ô tô có hành vi vi phạm lỗi tốc độ quá nhiều lần, đặc biệt là trong 01 tháng cho thấy có từ 05 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy khi thực hiện trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Thứ ba, trong vòng 60 ngày liên tục, doanh nghiệp và hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến, khi đó các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định của doanh nghiệp, hợp tác xã đó sẽ bị thu hồi phù hiệu.
2. Hồ sơ, thủ tục xin cấp lại phù hiệu xe khi bị thu hồi:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, với những xe kinh doanh vận tải nếu như bị thu hồi phù hiệu thì sau đó vẫn có thể thực hiện cấp lại được sau khi thời hạn bị thu hồi phù hiệu.
Hồ sơ xin cấp lại phù hiệu xe khi bị thu hồi bao gồm:
– Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định.
– Giấy đăng ký xe ô tô (bản sao). Hoặc giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký (bản sao).
– Nếu như xe không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau:
+ Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân.
+ Hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
– Tài liệu chứng minh việc khắc phục vi phạm là nguyên nhân bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng biển hiệu.
Trình tự, thủ tục cấp lại phù hiệu thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
Đơn vị kinh doanh có nhu cầu nộp hồ sơ cho Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh.
Nếu hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Sở Giao thông vận tải thông báo nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi cho đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Cơ quan cấp phù hiệu thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải đối với những hồ sơ cần sửa đổi.
Thời hạn thông báo là 01 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được hồ sơ của đơn vị kinh doanh.
Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải. Thời gian cấp là trong vòng 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định.
Nếu như Sở Giao thông vận tải từ chối cấp hồ sơ thì phải tiến hành ra thông báo bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Bước 3: Hoàn thiện và nhận phù hiệu:
Nhận phù hiệu được cấp lại bởi Sở Giao thông vận tải. Thời hạn cấp: 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
3. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh khi bị thu hồi phù hiệu:
Căn cứ khoản 12 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP, khi bị thu hồi phù hiệu, đơn vị kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm bao gồm:
– Khi nhận được quyết định thu hồi phù hiệu phải nộp lại phù hiệu cho Sở Giao thông vận tải.
– Trong thời gian xe ô tô bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng phù hiệu hoặc bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì sẽ không được sử dụng xe ô tô để kinh doanh vận tải.
4. Các loại xe bắt buộc phải dán phù hiệu xe:
Phù hiệu xe được hiểu là một trong những loại giấy tờ pháp lý bắt buộc phải có để xe ô tô tải và xe taxi được sử dụng với hoạt động kinh doanh. Theo quy định, hiện nay những loại xe sau đây bắt buộc phải làm thủ tục cấp phù hiệu xe, bao gồm:
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định: Dán phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH”.
– Xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách: Dán phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN”.
– Xe taxi: Dán phù hiệu “XE TAXI”.
– Xe buýt: Dán phù hiệu “XE BUÝT”.
– Xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng: Dán phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”.
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa:
+ Với xe Công-ten-nơ phải dán phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”.
+ Với xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc: Dán phù hiệu “XE ĐẦU KÉO”.
+ Với xe ô tô tải và xe taxi tải: Dán phù hiệu “XE TẢI”.
Lưu ý:
– Kích thước tối thiểu của các loại phù hiệu là 9 x 10 cm.
– Mỗi xe chỉ được cấp và sử dụng một loại phù hiệu hoặc biển hiệu tương ứng với một loại hình kinh doanh vận tải tại một thời điểm.
– Thời hạn sử dụng của phù hiệu sẽ tùy từng loại xe, cụ thể:
+ Xe ô tô kinh doanh vận tải, xe trung chuyển: giá trị sử dụng là 07 năm.
+ Giá trị sử dụng không quá 30 ngày đối với phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong các dịp Tết Nguyên đán.
5. Xe không thực hiện kinh doanh vận tải có phải có phù hiệu?
Việc làm phù hiệu xe chỉ bắt buộc đối với các đối tượng có hoạt động kinh doanh vận tải. Theo quy định tại khoản 1,2, 3 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP phù hiệu xe được cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trường hợp cá nhân, tổ chức không sử dụng xe tải với mục đích kinh doanh thì không cần làm giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải.
6. Mẫu đơn đề nghị cấp lại phù hiệu xe:
PHỤ LỤC V
MẪU GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP (CẤP LẠI) PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU
(Kèm theo Nghị định số: 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ
TÊN ĐƠN VỊ KDVT:………. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ……./…… | ………, ngày …… tháng ….. năm …….. |
GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP (CẤP LẠI) PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU
Kính gửi:………(Sở Giao thông vận tải)……
1. Tên đơn vị KDVT: ………..
2. Địa chỉ:……….
3. Số điện thoại (Fax): ………..
4. Số Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ……….ngày…….tháng….năm…., nơi cấp………
Số lượng phù hiệu, biển hiệu nộp lại: …………
Đề nghị được cấp: (1)………..
Danh sách xe đề nghị cấp phù hiệu như sau:
TT | Biển kiểm soát | Sức chứa | Nhãn hiệu xe | Nước sản xuất | Năm sản xuất | Loại phù hiệu (Tuyến CĐ, HĐ, DL, taxi, xe tải…) | (*) Xe taxi (sử dụng đồng hồ hoặc sử dụng phần mềm) |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
|
| ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ KDVT |
Hướng dẫn cách ghi:
(1) Ghi số lượng phù hiệu, biển hiệu đơn vị xin cấp.
(*) áp dụng trong trường hợp đơn vị đề nghị cấp phù hiệu xe taxi.
Ghi chú: Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải thực hiện kê khai các thông tin trên theo hướng dẫn trên hệ thống dịch vụ công.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.