Với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là công cụ kiểm tra tài chính có hiệu lực nhất của Nhà nước đối với mọi cơ quan, tổ chức, ... Cùng tìm hiểu về trưởng Đoàn kiểm toán là gì? Tiêu chuẩn và nhiệm vụ cụ thể?
Mục lục bài viết
1. Trưởng Đoàn kiểm toán là gì?
Khái niệm về Trưởng Đoàn kiểm toán không được giải thích trong bất kỳ văn bản pháp luật nào, vị trí này chỉ có thể được hiểu thông qua nghiên cứu các khái niệm liên quan, trong đó:
– Đoàn kiểm toán là nhóm các cá nhân được Tổng kiểm toán nhà nước quyết định thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Thành phần Đoàn kiểm toán bao gồm: (1) Trưởng Đoàn kiểm toán; (2) Các Phó trưởng Đoàn kiểm toán; (3) Các Tổ trưởng Tổ kiểm toán, nếu Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán; (4) Các thành viên. (Điều 37 Luật Kiểm toán Nhà nước).
– Trưởng, theo cách hiểu về ngôn ngữ là người đứng đầu, người chỉ huy, người lãnh đạo, người định hướng, người quyết định đối với những người cấp dưới.
Như vậy, từ hai định nghĩa trên, có thể hiểu Trưởng Đoàn kiểm toán là một trong các thành phần thuộc Đoàn kiểm toán, là người đứng đầu, điều phối, chỉ đạo Đoàn kiểm toán thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nhà nước khi đáp ứng các tiêu chuẩn luật định. Trưởng Đoàn kiểm toán do Tổng kiểm toán nhà nước chỉ định theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.
2. Tiêu chuẩn Trưởng Đoàn kiểm toán:
Tiêu chuẩn của Trưởng Đoàn kiểm toán và Phó trưởng đoàn kiểm toán là như nhau, theo đó, tại Điều 38 Luật Kiểm toán nhà nước quy định Trưởng Đoàn kiểm toán phải đảm bảo 02 tiêu chuẩn, cụ thể:
Thứ nhất, có đủ trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm công tác phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Việc đánh giá tiêu chuẩn này thông thường dựa trên các tài liệu, giấy tờ chứng minh về trình độ chuyên môn của cá nhân, đối với năng lực lãnh đạo thì thường dựa vào vị trí mà họ đang nắm giữ; còn đối với kinh nghiệm công tác thì dựa vào thời gian mà cá nhân đã thực hiện hoạt động kiểm toán, thời gian càng dài thì chứng tỏ người đó có kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời cũng một phần phản ánh trình độ chuyên môn của người này. Tiêu chuẩn này dường như mang tính nền tảng quyết định đến “chất lượng” của Trưởng Đoàn kiểm toán và cũng là yếu tố quyết định đến hoạt động kiểm toán có thực sự hiệu quả hay không.
Thứ hai, là Kiểm toán viên chính giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng trở lên hoặc Kiểm toán viên giữ chức vụ từ Trưởng phòng trở lên.
Đây là tiêu chuẩn mang tính hình thức để cụ thể hóa cho tiêu chuẩn 1, thực tế, những kiểm toán viên đang đảm nhận các chức vụ được nêu trong tiêu chuẩn này chắc chắn phải đáp ứng tiêu chuẩn 1 đã nêu ở trên. Kiểm toán viên chính hay Kiểm toán viên là thuật ngữ để chỉ ngạch kiểm toán nhà nước, là cá nhân đáp ứng các điều kiện luật định và được xác định là kiểm toán viên chính hay kiểm toán viên. Kiểm toán viên chính là ngạch cao hơn so với kiểm toán viên, do đó, khi xác định tiêu chuẩn làm trưởng đoàn kiểm toán thì kiểm toán viên chính chỉ cần giữ chức vụ từ Phóng trưởng phòng trở lên, trong khi đó, kiểm toán viên phải giữ chức vụ Trưởng phòng trở lên. Việc xác định giữ chức vụ Trưởng phòng hay Phó trưởng phòng cũng một phần thể hiện năng lực lãnh đạo của cá nhân.
3. Nhiệm vụ của Trưởng Đoàn kiểm toán:
Trưởng Đoàn kiểm toán là chức danh quan trọng, do đó, chủ thể này phải được trao các nhiệm vụ cụ thể, để hiệu quả hoạt động kiểm toán nhà nước, cũng như là nền tảng để quy định về quyền hạn, trách nhiệm của chủ thể này. Tại khoản 1 Điều 39 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015; Điểm a Khoản 6 Điều 1 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 quy định Trưởng Đoàn kiểm toán có 04 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo quyết định kiểm toán.
Quyết định kiểm toán là văn bản pháp lý làm phát sinh nhiệm vụ của Đoàn kiểm toán do Tổng kiểm toán nhà nước ban hành, trong đó xác định rõ các nội dung được quy định tại Khoản 1, Điều 30 Luật Kiểm toán nhà nước, tại văn bản này cũng xác định về Trưởng Đoàn kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán. Với tư cách là người lãnh đạo trong Đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán phải là người sắp xếp, bố trí, tiến hành các hoạt động cụ thể để thực hiện các nội dung kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động) đối với một đơn vị cụ thể. Nhiệm vụ này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định đến hiệu quả của hoạt động kiểm toán trên thực tế và cũng là nội dung để xác định trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán khi không thực hiện nhiệm vụ hoặc thực hiện không tốt.
Thứ hai, duyệt kế hoạch kiểm tra, đối chiếu tại cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, báo cáo Kiểm toán trưởng trước khi thực hiện; duyệt biên bản kiểm toán của các Tổ kiểm toán; lập báo cáo kiểm toán,
Nhiệm vụ của Trưởng đoàn kiểm toán ở đây tập trung vào việc “duyệt, báo cáo, lập, thông báo, giải trình” đối với mỗi đối tượng nhất định. Kiểm toán trưởng là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán nhà nước khu vực. (Khoản 1, Điều 17 Luật Kiểm toán nhà nước), hơn nữa, Đoàn kiểm toán được thành lập dựa trên đề nghị của Kiểm toán trưởng, do đó, Trưởng đoàn kiểm toán có nhiệm vụ báo cáo trước khi thực hiện; Tổ kiểm toán là một phần trong Đoàn kiểm toán (tùy thuộc vào quy mô cuộc kiểm toán), do đó trưởng đoàn kiểm toán có quyền duyệt biên bản kiểm toán của bộ phận này.
Kết quả kiểm toán là nội dụng trọng tâm nhất khi nhắc đến kiểm toán, mọi hoạt động đều để đi đến kết quả kiểm toán, do đó, nhiệm vụ của Trưởng đoàn kiểm toán cũng tập trung xoay quanh loại tài liệu này mà chủ yếu là thông báo và giải trình.
Thứ ba, quản lý thành viên Đoàn kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Thành viên Đoàn kiểm toán gồm: Thành viên là Kiểm toán viên nhà nước và thành viên không phải Kiểm toán viên nhà nước. Việc quản lý thành viên chỉ diễn ra trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán ( được tính từ ngày công bố quyết định kiểm toán đến khi kết thúc việc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán). Hoạt động quản lý cho phép Trưởng đoàn kiểm toán được phân công, chi phối, tác động ý chí tới các thành viên Đoàn kiểm toán nhằm đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
Thứ tư, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Kiểm toán trưởng về tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán, tình hình và kết quả hoạt động kiểm toán.
Đây là nhiệm vụ phát sinh dựa trên chế độ quản lý của “cấp trên-cấp dưới” nhằm đảm bảo hoạt động kiểm toán, kết quả hoạt động kiểm toán phải luôn được quan tâm, chú trọng, theo dõi sát sao, tránh tình trạng vi phạm pháp luật. Báo cáo định kỳ có thể diễn ra thường diễn ra theo tháng, quý, còn báo cáo đột xuất xảy ra khi có các sự kiện làm tác động và cần phải thực hiện việc báo cáo để Kiểm toán trưởng nắm bắt thông tin hoạt động.
Ngoài các nhiệm vụ kể trên, tại Khoản 1 Điều 12 Quyết định 03/2020/QĐ-KTNN về Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành còn quy định thêm các nhiệm vụ khác đối với Trưởng Đoàn kiểm toán, ví dụ: “Tổ chức, kiểm tra việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước, chuẩn mực kiểm toán, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán, ghi chép và lưu trữ, bảo quản hồ sơ kiểm toán và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, soát xét của lãnh đạo Đoàn kiểm toán theo quy định của Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước“. Với sự ra đời của Quyết định này, nhiệm vụ của Trưởng Đoàn kiểm toán được mở rộng hơn, chi phối mạnh mẽ tới hoạt động chức trách của cá nhân năm giữ vị trí này, đồng thời, cho phép Trưởng đoàn kiểm toán thực hiện quyền, nghĩa vụ, làm hiệu quả hơn công tác kiểm toán nhà nước.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019.
Quyết định 03/2020/QĐ-KTNN về Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành.