Bình Tây Đại Nguyên Soái chính là người anh hùng dân tộc Trương Định. Với những đóng góp to lớn trong công cuộc chống thực dân Pháp bảo vệ đất nước. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn trả lời các câu hỏi: Trương Định là ai? Ai được phong Bình Tây đại Nguyên soái? Cùng tham khảo nhé.
Mục lục bài viết
1. Trương Định là ai?
Trương Định sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Ông còn có tên gọi khác là Trương Công Định hay Trương Trường Định, ông chính là hậu duệ của dòng họ Trương khai khoa ở vùng đất Quảng Ngãi xưa. Cha của ông là Lãnh binh Trương Cầm, cha ông từng là Hữu thuỷ Vệ uý ở Gia Định, dưới thời của vua Thiệu Trị. Theo sử sách triều đình nhà Nguyễn chép lại, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh giá, lại sống ở vùng đất hiếu học nên Trương Định được học hành tử tế, am hiểu quân sự và võ thuật, đặc biệt có năng khiếu bắn cung.
Thời vua Thiệu Trị, năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam và trở thành người tiên phong mở mang vùng đất Tân An – ĐỊnh Tường. Sau khi cha mất, ông ở lại Gò Công và lấy bà Lê Thị Thưởng làm vợ (là con gái một người giàu có ở huyện Tân Hoà). Vào năm 1854, để hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình Huế do Nguyễn Tri Phương thực hiện, ông đã dùng tài sản của mình để chiêu mộ những người dân nghèo ở Quảng Nam – Quảng Ngãi vào khai hoang đất đai và lập ruộng đất ở Gia Thuận (nay là Gò Công Đông). Với thành tích đó, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm nên dân chúng thường gọi ông là Quản Định.
Ngay khi quân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, Trương Định đã nảy sinh ý định kháng chiến chống Pháp nên đã tập hợp lực lượng, xây dựng sách lược đánh quân Pháp và tiến hành nhiều hoạt động khác để xây dựng nguồn lực lâu dài. Trong thời gian này, ông còn lấy thêm một người vợ thứ hai là bà Trần Thị Sanh – bà là em họ của Từ Dũ Thái Hậu.
Sau khi mất ngày 20 tháng 8 năm 1864 do hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vua Tự Đức đã truy tặng Trương Định phẩm hàm và lập đền thờ tại quê nhà. Lăng mộ của ông được người vợ thứ dựng tại Gò Công, Tiền Giang. Ngoài ra, để tưởng nhớ những đóng góp của ông, nhân dân còn dựng tượng ông tại huyện Gò Công Đông – nơi ông cùng quân đội dùng làm căn cứ chống Pháp để thờ cúng ông. Hàng năm vào ngày 19 và 20 tháng 8 âm lịch đều có lễ hội tưởng nhớ ông. Ngày nay, tên Trương Định được dùng để đặt tên cho nhiều đường phố tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Tiền Giang như một cách để ghi nhớ những đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
2. Ai được phong Bình Tây đại Nguyên soái?
Tháng 4 năm 1861, thực dân Pháp chiếm thành Định Tường, tháng 11 năm 1861 chiếm thành Biên Hòa, tháng 3 năm 1862, thực dân Pháp tấn công và chiếm thành Vĩnh Long. Triều đình ký hòa ước “Nhâm Tuất” và ra lệnh cho Trương Định rút quân, bổ nhiệm ông làm Lãnh binh An Hà, đồng thời lệnh cho lực lượng này phải rút quân ở Tân Hoà và gấp rút nhận chức mới ở An Giang.
Tuy nhiên, nhân dân và nghĩa quân không chịu. Trong lúc ông đang phân vân giữa ý nguyện của nhân dân và lệnh của vua, không biết nên theo hướng nào, Trương Định nhận được một bức thư của nghĩa hào huyện Tân Long (Chợ Lớn), bày tỏ mong muốn cử ông làm chủ soái 3 tỉnh để giết giặc. Cảm động trước lòng tin của những người yêu nước và nhân dân, ông đã từ chối lệnh của triều đình và nhận danh hiệu “Bình Tây Đại Nguyên Soái” do nhân dân phong tặng, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp.
3. Cuộc khởi nghĩa của Bình Tây Đại Nguyên Soái:
Hưởng ứng phong trào chống Pháp cứu nước, trong giai đoạn này có rất nhiều nhân vật đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Trong số đó, phải kể đến Bình Tây Đại Nguyên Soái với cuộc khởi nghĩa Trương Định năm 1859 – 1864 – cuộc khởi nghĩa lớn nhất và để lại hậu quả nghiêm trọng nhất đối với người Pháp.
Năm 1859, giặc Pháp phái quân đến tiến hành đánh chiếm Gia Định. Trương Định đã chỉ huy nghĩa quân lên đóng chiếm ở Thuận Kiều, Gia Định để phòng thủ và lập vô số chiến công trên tuyến phòng thủ từ Gò Cây Mai đến Thị Nghè và các trận đánh tại đây.
Năm 1860, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương, Trương Định được triều đình bổ nhiệm làm Phó lãnh binh tham gia giữ đồn Kỳ Hoà. Đến đầu năm 1861, đồn Kỳ Hoà thất thủ và Trương Định rút quân về Gò Công với quyết tâm kháng chiến trường kỳ. Khi đó, ông mua thêm vũ khí, chiêu mộ thêm quân lính để xây dựng căn cứ vững chắc cho cuộc chiến. Trong thời gian này, ông cũng tổ chức nhiều cuộc tấn công và giành được lợi ích ở Gò Công, Tân An và Mĩ Tho, Chợ Lớn kéo dài đến hai nhánh sông Vàm Cỏ và đến tận biên giới Campuchia. Dưới sự chỉ huy của ông, quân số đã vượt lên một ngàn người và danh tiếng của ông lan truyền xa rộng. Ông đã lôi kéo được một bộ phận nhân dân hưởng ứng.
Phan Thanh Giản đã từng nhận lệnh của vua Tự Đức dẫn dụ Trương Định với mục đích khiến ông ngừng bắn, tuy nhiên chỉ nhận lại được câu trả lời từ Trương Định rằng: “Nhân dân ba tỉnh muốn như xưa nên họ suy tôn chúng tôi đứng đầu. Chúng tôi không thể làm khác hơn điều mà chúng tôi đang làm. Cho nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng kháng chiến ở cả miền Đông và miền Tây. Chúng tôi chống địch, đánh địch và cuối cùng sẽ thắng địch. Nếu ngài còn nói tới hoà nghị với giặc thì chúng tôi phản đối mệnh lệnh của triều đình”.
Tháng 3 năm 1862, khi hầu hết các quận Gia Định và Định Tường đã được giải phóng, quân Pháp đã rút khỏi nhiều đồn, vì sợ quân ta sẽ tấn công và tiêu diệt chúng. Một số khác bị cô lập đến mức hoảng loạn. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Nhâm Tuất đồng ý trao ba tỉnh Đông Nam Kỳ cho thực dân Pháp và phải đàn áp với các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Vì vậy, triều đình ra lệnh cho Trương Định phải ngừng chiến đấu và giải tán nghĩa quân. Trước sự yếu thế của triều đình, Trương Định càng kiên quyết hơn, đứng lên chống và cùng nhân dân tiếp tục kháng chiến chống Pháp ở Gò Công. Nhờ lòng yêu nước và sự dũng cảm, ông được nhân dân tôn thờ và phong làm Bình Tây Đại Nguyên Soái. Lúc này, nghĩa quân theo ông có 6 nghìn người và được nhân dân ủng hộ rất nhiều.
Ngày 26 tháng 2 năm 1863, quân Pháp mở cuộc tấn công vào căn cứ Tuy Hòa của nghĩa quân ở Gò Công. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt trong ba ngày. Ngày 28 tháng 2 năm 1863, căn cứ Tuy Hòa bị mất, Trương Định phải rút về Biên Hòa, đưa một số nghĩa quân về Thủ Dầu Một tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, do sự tương quan lực lượng giữa ta và địch ngày càng có sự chênh lệch lớn nên cuộc khởi nghĩa của Trương Định cũng bị dập tắt.
Về có rất nhiều giai thoại xoay quanh cái chết của ông. Một trong số đó là ngày 20 tháng 8 năm 1864, trong một trận quyết chiến với địch ở cánh đồng Tuy Hòa, ông đã rơi vào tay quân Pháp do sự phản bội của thuộc hạ làm cho ông bị bắn gãy xương sống. Vì không muốn rơi vào tay giặc, ông đã tự rút gươm quyên sinh để bảo vệ khí tiết. Sự hy sinh của Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định là một sự tổn thất vô cùng to lớn trong phong trào kháng chiến chống Pháp ở nước ta lúc bấy giờ. Sự ra đi của ông cũng khiến nhiều nhà yêu nước và nhân dân thương tiếc.
Hơn năm năm đấu tranh từ ngày Pháp xâm lược nước ta đến khi Trương Định mất không phải là một thời gian dài, nhưng cuộc khởi nghĩa của ông đã để lại những thành tựu vang dội mặc dù khoảng cách giữa thực lực của ta và quân địch rất lớn.
Tóm lại, khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược nước ta. Cuộc khởi nghĩa này tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã để lại nhiều ý nghĩa: về sự tập hợp toàn dân đoàn kết, chung sức cứu nước, về sự độc lập, tự chủ của những người lãnh đạo trong công cuộc vạch đường lối đấu tranh và cả cuộc kháng chiến chống lại triều đình yếu kém, bạc nhược…. Trên cơ sở tiền đề của cuộc khởi nghĩa Trương Định, các cuộc khởi nghĩa sau này đã kế thừa và nâng lên tầm cao hơn.