Hoạt động đào tạo và phát triển nhân tài là một trong các hoạt động được nhà nước quan tâm và chủ trọng hàng đầu. Trong đó, giáo dục nhân tài là nội dung cốt lõi. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về mô hình trường chuyên ở Việt Nam cũng như việc giáo dục cho học sinh tại trường chuyên.
Mục lục bài viết
1. Về trường chuyên trong hệ thống giáo dục:
Tại Khoản 1 Điều 62
“1. Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.”
Quy định này đã xác định trường chuyên chính là một trường trung học phổ thông đặc biệt. Việc ra đời cũng như nhiệm vụ của trường chuyên đó chính là “phát triển năng khiếu của học sinh có kết quả học tập xuất sắc ở một số môn học”. Trí tuệ của con người là vô hạn, và năng lực của con người là khác nhau giữa các cá nhân, không có sự ngang bằng giữa tất cả mọi cá nhân với nhau. Trong toàn thể nhân loại, thì luôn có những cá nhân xuất chúng, với bộ óc, tư duy, trí thông minh phát triển hơn đa số những người còn lại. Nếu các cá nhân này được phát hiện và có điều kiện để học tập, nghiên cứu và rèn luyện thì khả năng phát triển của họ gần như không có giới hạn.
Đặt giả thiết rằng, nếu các cá nhân có sự thông minh, kết quả học tập xuất sắc được học tập trong một môi trường bình thường, thì khả năng phát triển của họ sẽ bị giới hạn, khi họ sẽ tiếp xúc với người có người có năng lực kém hơn mình, sẽ dễ tạo nên sự hài lòng sớm, sẽ giảm đi nhiệt huyết phấn đấu. Ngược lại nếu các cá nhân đó được học tập trong môi trường gồm các cá nhân có kết quả xuất sắc trong lĩnh vực đó, thì sẽ tạo ra sự ganh đua, cạnh tranh để phát triển, đây chính là một trong những yếu tố để thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân.
2. Những điểm nổi trội về trường chuyên:
Để có phát triển cao về một lĩnh vực, thì có nhiều yếu tố khác nhau, trong đó điều kiện học tập là một yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu thầy cô giảng dạy có trình độ cao, cộng thêm là những điều kiện như cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, tài liệu hỗ trợ học tập,… có tác động trực tiếp đến người học. Người học được học trong môi trường có giáo viên trình độ cao, có kinh nghiệm giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập tiên tiến, đầu tư, được tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công trình khoa học nước ngoài,… sẽ có tác động tích cực đến người học hơn là trong môi trường học tập, giảng dạy bình thường.
Những lý do cần thiết trên đã đặt ra vấn đề có trường chuyên để đào tạo chuyên sâu, phát huy năng lực của học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh có cơ hội phát triển, đây chính là nguồn nhân tài của đất nước. Khi đất nước có nhân tài sẽ tạo nên sự phát triển vượt bậc của đất nước.
Hiện nay, trường chuyên được tổ chức gồm Trường chuyên thuộc tỉnh và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. (Khoản 1 Điều 3 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên). Và cũng theo Điều 3 của quy chế thì mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường chuyên với tổng số học sinh các lớp chuyên chiếm tối thiểu 2% số học sinh THPT của tỉnh, thành phố đó. Nhìn nhận từ quy định này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy Nhà nước luôn chú trọng phát triển những học sinh giỏi trên mọi địa phương của Tổ quốc, không phân biệt giữa các địa phương, các khu vực của đất nước, đảm bảo sự đồng đều phát triển trên toàn quốc.
3. Giáo dục tại trường chuyên:
Như ở quy định tại Khoản 1 Điều 62 đã viết: “Trường chuyên được thành lập ở cấp trung học phổ thông dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện” thì việc giáo dục tại trường trung học phổ thông chuyên trước hết là đảm bảo giáo dục toàn diện, sau đó nữa là đào tạo chuyên sâu ở các lĩnh vực mà học sinh có kết quả học tập xuất sắc.
Về đào tạo giáo dục toàn diện cho học sinh tại trường chuyên, thì việc giáo dục đào tạo ở đây được thực hiện như ở các trường trung học phổ thông thông thường. Giáo dục toàn diện chính là việc học sinh được giáo dục ở tất cả các môn học phù hợp với cấp trung học phổ thông theo khung chương trình do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành. Các học sinh tại trường chuyên sẽ được học các môn học với những nội dung cơ bản như các học sinh ở trường trung học phổ thông khác. Việc quy định như vậy bởi nội dung chương trình học tại chương trình trung học phổ thông chính là những nội dung, tri thức cơ bản mà mỗi người cần phải có, các nội dung này bao trùm lên các phạm vi của đời sống xã hội từ các nội dung về khoa học như Toán học, Vật lý, Hóa học,… đến các nội dung xã hội như Văn học, Lịch sử, Địa lý,… hay các nội dung khác về năng khiếu như Ngoại ngữ,…. Và đôi khi những môn học cơ bản này đóng vai trò là nền tảng để phát triển những môn chuyên. Nếu những học sinh của trường chuyên không được đảm bảo những nội dung này mà chỉ tập trung phát triển ở môn chuyên sẽ gây ra sự mất cân bằng về khả năng hiểu biết, từ đó sẽ khó khăn trong việc trở thành một con người toàn diện cả về trí tuệ lẫn kỹ năng. Do đó, trước khi phát triển những môn chuyên thì học sinh phải được đảm bảo giáo dục các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông toàn diện.
Thứ hai, đó chính là chương trình đào tạo các môn chuyên. Từ đầu bài viết chúng ta đã nhìn nhận rằng trường chuyên ra đời nhằm bồi dưỡng những cá nhân có kết quả học tập xuất sắc trong các môn học, nên việc bồi dưỡng môn chuyên là điều không thể thiếu. Việc bồi dưỡng môn chuyên giúp học sinh đi sâu vào nội dung cơ bản, mở rộng hiểu biết về môn học đó. Từ đó giúp phát triển trí tuệ, ứng dụng kiến thức cao cấp vào trong cuộc sống. Các học sinh ở trường chuyên được đào tạo với mục tiêu trở thành nhân tài của Tổ quốc, và việc giảng dạy, đào tạo các môn chuyên để nhằm mục tiêu này.
Học sinh vào trường chuyên sẽ được tuyển sinh ở độ tuổi tương đương như ở cấp trung học phổ thông đó là 15 tuổi. Để được vào học ở trường chuyên thì học sinh phải trải qua đối với thi tuyển. Kết quả trúng tuyển sẽ được dựa trên kết quả thi của học sinh, khi đạt được điểm trúng tuyển sẽ được học tại trường chuyên.
Việc giáo dục môn chuyên ở các lớp chuyên sẽ khác với việc giáo dục môn đó tại các lớp không chuyên. Còn các môn còn lại thì được thực hiện giáo dục như các lớp không chuyên. Việc giáo dục môn chuyên sẽ do giáo viên của môn đó xây dựng khi có sự tham khảo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo và được hiệu trưởng trường chuyên phê duyệt. Bên cạnh việc dạy và học trên lớp, thì các trường chuyên cũng cần tạo điều kiện để học sinh được làm quen với nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội, rèn luyện sức khỏe của học sinh. Việc nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật tạo tiền đề để học sinh được nghiên cứu sâu hơn cũng như ứng dụng tri thức vào thực tiến. Còn việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội, rèn luyện sức khỏe của học sinh chính là nhằm sự phát triển toàn diện của học sinh, học sinh không chỉ được đảm bảo phát triển về tri thức, trí tuệ mà còn được đảm bảo phát triển cả về thể chất, tâm hồn và kỹ năng.
Việc đánh giá, kiểm tra kết quả của học sinh cũng được thực hiện như đánh giá, xếp loại học sinh thông thường, tức cũng bao gồm các bậc đánh giá : Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém đối với học lực và đánh giá Tốt, Khá, Trung bình, Yếu đối với hạnh kiểm. Sau khi hoàn thành chương trình học, thì học sinh trường chuyên cũng được tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như thông thường và tham gia dự thi vào các trường đai học, cao đẳng, trung cấp theo quy chế chung dành cho học sinh trung học phổ thông.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Giáo dục năm 2019;
–
– Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 23 và Điều 24 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.