Hệ thống giáo dục ở nước ta hiện nay được chia thành hệ thống giáo dịch chính quy và hệ thống giáo dục thường xuyên. Hệ thống giáo dục thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục ở nước ta. Vậy trung tâm giáo dục thường xuyên là gì và pháp luật có những quy định gì về loại hình trung tâm này.
Mục lục bài viết
1. Về cơ sở giáo dục thường xuyên:
Tại Khoản 1 Điều 44
” Giáo dục thường xuyên được thực hiện tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện khác.”
Như vậy chúng ta có thể thấy giáo dục thường xuyên có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Khác với việc giáo dục chính quy được tổ chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học thì giáo dục phổ thông có thể được thực hiện tại nhiều hình thức đa dạng hơn như tại nơi làm việc, tại cộng đồng dân cư.
Việc pháp luật quy định như vậy hoàn toàn hợp lý vì giáo dục thường xuyên phục vụ những đối tượng là thành niên, người lớn tuổi không có điều kiện tiếp cận với giáo dục chính quy, hoặc đã bỏ học giữa chừng khi tham gia trong hệ thống nhà trường chính quy do nhiều nguyên nhân khác nhau (những người mù chữ, tái mù chữ, những người có nhu cầu học tiếp các chương trình tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông… ) và nhóm người có nhu cầu học tập suốt đời để thỏa mãn những yêu cầu khác nhau theo các mục tiêu: học để biết, học để làm, học để chung sống với cộng đồng, học để hoàn thiện nhân cách. Có thể nhận thấy, những nhóm đối tượng này đang có một công việc nhất định, khó có thể nghỉ học để tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục chính quy, mà họ chỉ có thể tham gia học tập vào những khoảng thời gian khác như buổi tối, ngày nghỉ,…. Nên việc quy định linh động về cơ sở giáo dục thường xuyên tạo điều kiện cho các cá nhân thực hiện nhu cầu học tập của mình dễ dàng hơn.
2. Những loại hình cơ sở giáo dục thường xuyên:
Khoản 2 Điều 44 Luật Giáo dục năm 2019 liệt kê những cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm:
– Trung tâm giáo dục thường xuyên;
– Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên;
– Trung tâm học tập cộng đồng;
– Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. Trung tâm khác được đề cập đến ở đây có thể là cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học
Mỗi mô hình cơ sở giáo dục thường xuyên lại có một cơ cấu khác nhau. Như Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vừa là cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, vừa thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề. Hay Trung tâm học tập cộng đồng là mô hình cơ sở giáo dục thường xuyên được tổ chức trên địa bàn xã, phường, thị trấn,… Như vậy, các mô hình tổ chức này chính là hiện thân của tính linh động, dễ dàng tổ chức của giáo dục thường xuyên.
Tương tự như việc có cơ cấu tổ chức khác nhau, thì các cơ sở giáo dục thường xuyên cũng thực hiện việc giáo dục khác nhau. Cụ thể được quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Giáo dục năm 2019:
– Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên chung, bao gồm: chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân trừ chương trình giáo dục để lấy bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân.
– Đối với trung tâm học tập cộng đồng thực hiện chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học; cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ
– Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.
Việc quy định về nhiệm vụ chương trình giáo dục phổ thông khác nhau trong các cơ sở giáo dục phổ thông do sự khác biệt về trình độ đào tạo của các cơ sở giáo dục phổ thông. Ví dụ như trung tâm học tập cộng đồng thì không thể đạt được trình độ cao để có thể cấp các văn bằng trung cấp, cao đẳng,… bởi việc cấp các văn bằng trung cấp, cao đẳng cần phải trải qua quá trình tuyển sinh, có hệ thống chương trình môn học được xây dựng chi tiết,… mà các trung tâm giáo dục cộng đồng lại được tổ chức tại các xã, phường, thị trấn thì hầu như không có khả năng đào tạo được chương trình đào tạo này.
Tại Khoản 4 Điều 44 Luật Giáo dục năm 2019 quy định đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên phải bảo đảm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của mình, và các cơ sở này chỉ thực hiện chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. khi được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thẩm quyền cho phép. Bản thân các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học là các cơ sở được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo riêng, việc giáo dục thường xuyên phát sinh khi các cơ sở giáo dục này nhận thấy cần thiết tiến hành giáo dục để phục vụ nhu cầu học tập của mọi người. Do vậy, các cơ sở này chỉ tiến hành khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiến hành hoạt động giáo dục này.
Việc liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học trong giáo dục thường xuyên được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
3. Về Trung tâm giáo dục thường xuyên:
Trung tâm giáo dục thường xuyên là một trong các cơ sở giáo dục thường xuyên. Hiện nay, việc tổ chức về trung tâm giáo dục thường xuyên được quy định tại Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 04 năm 2021 do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Trung tâm giáo dục thường xuyên được thành lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc quản lý, chỉ đạo bởi Sở Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, ở các tỉnh đề có Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các huyện và tỉnh.
Trung tâm giáo dục thường xuyên bao gồm: giám đốc, các phó giám đốc; các phòng chức năng, phòng chuyên môn, nghiệp vụ; lớp học; tổ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo (nếu có); hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng kỷ luật; hội đồng khoa học, hội đồng tư vấn (khi cần thiết). (Điều 5 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên được ban hành theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 04 năm 2021).
Trung tâm giáo dục thường xuyên có nhiệm vụ chung của cơ sở giáo dục thường xuyên và có nhiệm vụ chương trình xóa mù chữ là chương trình giáo dục được đặt lên hàng đầu; bên cạnh đó là thực hiện nhiệm vụ giảng dạy để cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho những đối tượng luật định. Bên cạnh đó là việc thực hiện các chương trình giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của người học; giáo dục bồi dưỡng, nâng cao trình độ,…
Việc học tập tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tuân theo chương trình, sách giáo khoa và tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tương tự như các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm giáo dục phổ thông có thể tuyển sinh học sinh trung học cơ sở hoặc học sinh trung học phổ thông hoặc người dân theo quy mô và năng lực đào tạo của trung tâm.
Như các cơ sở giáo dục thường xuyên khác, trung tâm giáo dục thường xuyên có thể thực hiện theo các hình thức luật định như đào tạo trực tiếp, vừa học vừa làm,… Sau khi hoàn thành xong các chương trình đào tạo, thì người học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ được cấp bằng, văn bằng, chứng chỉ, … theo quy định như: công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ; bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông,…
Hiện nay, các trung tâm giáo dục thường xuyên đang được lựa chọn học tập ngày một nhiều, khẳng định vị thế của trung tâm này. Các trung tâm giáo dục thường xuyên nói riêng và cơ sở giáo dục nói chung đã góp phần xóa mù chữ, nâng cao kiến thức, năng lực, chuyên môn của con người để đáp ứng môi trường công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Giáo dục năm 2019;
– Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 04 năm 2021 do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên