Trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn? Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn?
Sau khi ly hôn ngoài những vấn đề về tài sản thì việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn cũng rất được sự quan tâm bởi sau ly hôn có rất nhiều tranh chấp và mâu thuẫn xung quanh vân đề này. Vậy pháp luật quy định về trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Bài viết dưới đây công ty Luật Dương Gia chúng tôi xin cung cấp thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp luật: Luật hôn nhân và gia đinh 2014
1. Trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
Căn cứ theo quy định tại điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn Luật hôn nhân và gia đinh 2014 quy định cụ thể:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Hiện nay giành quyền nuôi con là một tranh chấp khá phổ biến, theo đó khi xảy ra tranh chấp Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi, sự phát triển về mọi mặt của người con để quyết định ai là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ. Bên cạnh đó quyền nuôi con sau khi ly hôn có thể bị thay đổi trong những trường hợp cụ thể và có thể thấy trên thực tế có trường hợp các bên yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con, theo đó Tòa án cần xem xét đến những điều kiện thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn.
Như vậy có thể thấy rằng khi hai người không chung sống với nhau nữa thì cha, mẹ vẫn phải thực hiện quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng, giáo dục con, không phải trường hợp nào cha mẹ cũng xảy ra chuyện tranh giành nuôi con. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi con trong các trường hợp sau đây như con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Ngoài ra, nếu đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên thì tòa án phải xem xét nguyện vọng của bản thân đứa trẻ muốn sống với ai. Tuy nhiên qua thực tế xét xử thì nguyện vọng của đứa trẻ thường ít được xem là căn cứ chủ yếu để quyết định người nuôi con, so với các căn cứ khác như nhân thân hoặc hoàn cảnh kinh tế và các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc của hai bên.
Kết luận: pháp luật đã đưa ra những quy định dựa trên tính chất của sự thỏa thuận, theo đó vợ chồng có thể thỏa thuận về trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn hoặc có thể theo quy định của pháp luật. Cả hai bên nên thẳng thắn và để hai bên hiểu rõ hoàn cảnh, suy nghĩ của nhau, biết đặt lợi ích của đứa trẻ lên trên và cùng nhau phối hợp nuôi dưỡng con một cách tốt nhất, vì chỉ có như vậy mới khiến trẻ phát triển toàn diện nhất
2. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Căn cứ theo quy định tại điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
” 1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Tuy pháp luật quy định là người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này nhưng trên thực tế không phải lúc nào họ cũng được tạo điều kiện để thăm nom con, thậm chí nhiều trường hợp còn bị cản trở, gây khó dễ, xuất phát từ tâm lý hẹp hòi, cố chấp và những hành động theo kiểu trả thù cho những mâu thuẫn giữa hai người, mặc cho con cái phải gánh chịu hậu quả, mà không thấy rằng hành động như thế là vi phạm pháp luật.
Ngoài nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi dưỡng thì bố hay mẹ không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định, với mục đích để con có điều kiện phát triển tốt nhất và để san sẻ những khó khăn trong việc chăm sóc nuôi dưỡng con của bố hay mẹ, điều đó không những là sự chia sẻ mà tạo ra sự gắn kết với nhau trong việc cùng nhau chăm sóc nuôi dưỡng con.
Đối với trường hợp này thì người bị cản trở quyền thăm nom có thể khởi kiện về việc yêu cầu Tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con. Bên cạnh đó, việc chứng minh hoàn toàn không dễ dàng, chúng minh cần đòi hỏi bên yêu cầu biết cách thu thập chứng cứ về việc mình đã bị cản trở quyền thăm nom con khi các bên có được những bằng chứng rõ ràng chứng minh quyền thăm nom con bị cản trở một cách hệ thống, có chủ ý thì mới có cơ sở được tòa chấp chận
Bên cạnh đó có thể thấy trên thực tế không ít trường hợp yêu cầu thay đổi quyền nuôi con do bị cản trở quyền thăm nom đã bị Tòa bác bỏ, dù có chứng cứ rõ ràng. Điều 93 Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con…”. Chúng tôi cho rằng việc cản trở quyền thăm nom con tuy có vi phạm pháp luật nhưng quyền lợi của đứa trẻ vẫn được đảm bảo về mặt nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục v.v…. theo đó có những trường hợp Tòa đã bác bỏ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Chúng tôi cho rằng lập luận trên là phiến diện, việc thăm nom con không chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ của cha mẹ mà còn là quyền lơi của đứa trẻ. Nếu cho rằng việc thăm nom con chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ của cha mẹ thì chúng ta đã vô tình hay cố ý tước đi cái quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của trẻ em, đó là quyền được hưởng sự thương yêu, chăm sóc của cả cha và mẹ. Khi người trực tiếp nuôi dưỡng cản trở việc thăm nom của cha mẹ thì cũng đồng nghĩa rằng họ đã không đảm bảo quyền lợi mọi mặt của con, và đây là căn cứ xác đáng để Tòa quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Trái ngược với trường hợp cản trở quyền nuôi con như đã trình bày ở trên, trong thực tế cũng xảy ra không ít trường hợp người không trực tiếp nuôi dưỡng đã lợi dụng quyền thăm nom để đến kiếm chuyện với người đang trực tiếp nuôi dưỡng bằng đủ các chiêu trò, thủ đoạn. Từ việc đến thăm bất kể giờ giấc làm xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt hoặc có những hành vi, lời nói xúc phạm, thô tục, cố tình chọc tức người đang trực tiếp nuôi dưỡng chỉ với mục đích cho …bõ ghét, thậm chí có trường hợp quậy bằng cách cố tình đến thăm nom đủ 7 ngày tuần, 30 ngày tháng và “ngồi thiền” không chịu về cho đến khi gia chủ phải năn nỉ xin phép được … đi ngủ hoặc xin phép được cho con đi học bài v.v…
Kết luận: trên thực tế chúng ta có thể thấy trong tất cả các vụ án ly hôn, người thiệt thòi nhất luôn là những đứa trẻ, khi bị buộc phải sống với chỉ một trong hai người thân yêu nhất thế nên pháp luật quy định về trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn một phần là muốn cha mẹ dù li hôn vân phải thực hiện trách nhiệm đối với con mình và theo đó những đưa trẻ được lớn lên cũng đầy đủ điều kiện vất chất và tinh thần hơn.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn” và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.