Hiện nay công an có nhiều cách để điều tra hành vi trốn thuế. Thực tế đã có nhiều trường hợp bị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế khi khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp hơn so với giá trị thực tế. Vậy trốn thuế khi mua bán nhà đất sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Những biểu hiện của hành vi trốn thuế khi mua bán nhà đất:
Hiện nay, hành vi trốn thuế khi mua bán đất diễn ra vô cùng phổ biến. Hành vi này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Qua tìm hiểu được biết, nhiều người đã thực hiện hoạt động mua bán đất “hai giá”. Đây là hình thức trốn thuế phổ biến nhất, là việc chuyển nhượng một thửa đất bất động sản cho các bên lại lập thành hai hợp đồng chuyển nhượng với hai loại giá khác nhau nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm thuế phải nộp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó khi tiến hành hoạt động chuyển nhượng bất động sản, các bên thường lập thành hai hợp đồng như sau:
– Hợp đồng không có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong hợp đồng này được ghi nhận là giá thực tế mà bên nhận chuyển nhượng phải trả cho bên chuyển nhượng;
– Hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, hợp đồng này được sử dụng để khai thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật và đăng ký biến động đất đai, hay còn gọi là đăng ký sang tên. Giá chuyển nhượng được ghi nhận tại hợp đồng này thường thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế mà các bên đã thỏa thuận với nhau nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm thuế.
Thông qua công tác đấu tranh với những đối tượng trốn thuế, các cơ quan ban ngành đã phát hiện ra nhiều thủ đoạn và chiêu trò cơ bản bên cạnh thủ đoạn nổi bật nêu trên, mà các đối tượng trốn thuế thường sử dụng, cụ thể được ghi nhận với một số hình thức sau:
– Hợp đồng chuyển nhượng là giao dịch dân sự giữa các bên và có thể thỏa thuận bằng văn bản, các bên cũng có thể thỏa thuận bằng lời nói, thực tế hiện nay phát sinh trường hợp chuyển nhượng bất động sản với giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá trị thực tế giao dịch mà các bên thỏa thuận với nhau, khi đó sẽ tồn tại song song hai hợp đồng theo như phân tích ở trên;
– Đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở và các công trình xây dựng hình thành trong tương lai, thì giá trị hợp đồng mua bán nhà ở và công trình xây dựng hình thành trong tương lai của bên thứ hai cho bên thứ ba cũng chỉ đăng bằng giá đã mua của chủ đầu tư hoặc khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người nộp thuế sẵn sàng khai báo với giá thấp hơn giá của chủ đầu tư nhầm mục đích trốn thuế hoặc tránh thuế;
– Hai bên mua và bán chuyển nhượng bất động sản không tiến hành hoạt động ký kết hợp đồng chuyển nhượng, mà chỉ ký kết hợp đồng uỷ quyền, trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu và sử dụng và quyền định đoạt đối với bất động sản đó, nhằm mục đích tránh thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
2. Trốn thuế khi mua bán nhà đất sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập), có ghi nhận về mức xử phạt hành chính đối với hành vi trốn thuế trong quá trình mua bán nhà đất, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền 01 lần số thuế trốn đối với những đối tượng được xác định là người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật sau đây:
– Không nộp hồ sơ đăng ký thuế theo quy định của pháp luật, không tiến hành hoạt động nộp hồ sơ kê khai thuế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày được tính kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật hoặc được tính kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;
– Không ghi chép đầy đủ trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không khai hoặc tiến hành hoạt động khai sai, dẫn đến hậu quả đó là số tiền thuế phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền bị thiếu hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc được giảm, hoặc được miễn;
– Không lập hóa đơn khi bán các loại hàng hóa dịch vụ, trừ những trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với các giá trị của hàng hóa dịch vụ đã bán, người nộp thuế cũng đã cung ứng vào kỳ thuế tương ứng, lập hóa đơn bán hàng hóa và dịch vụ sai số lượng, sai giá trị hàng hóa dịch vụ nhằm mục đích khai thuế thấp hơn giá trị thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Sử dụng các loại hóa đơn chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp các loại hóa đơn để khai thuế nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc tăng số tiền thuế được miễn giảm;
– Sử dụng các loại chứng từ không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp các loại chứng từ, sử dụng chứng từ và tài liệu không phản ánh đúng bản chất của quá trình giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế cần phải nộp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc miễn thuế không đúng quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng và khai thuế với cơ quan thuế;
– Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngưng hoạt động hoặc tạm ngưng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế.
Thứ hai, phạt tiền 1.5 lần số thuế trốn tránh đối với người nộp thuế khi thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ.
Thứ ba, phạt tiền 02 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế khi thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật nêu trên mà có 01 tình tiết tăng nặng.
Thứ tư, phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế đã trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật nêu trên khi có hai tình tiết tăng nặng.
Thứ năm, phạt tiền 3 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế khi thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật nêu trên khi có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên.
Ngoài ra, người có hành vi trốn thuế trong quá trình mua bán nhà đất còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Đó là buộc phải nộp đủ số tiền đã trốn thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Từ đó có thể khái quát mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế khi mua bán nhà đất trong bảng dưới đây:
Số thứ tự | Hành vi | Mức phạt |
1 | Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên | 01 lần số thuế trốn |
2 | Không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ | 1.5 lần số tiền thuế trốn |
3 | Có 01 tình tiết tăng nặng | 2.0 lần số tiền thuế trốn |
4 | Có 02 tình tiết tăng nặng | 2.5 lần số tiền thuế trốn |
5 | Có từ 03 tình tiết tăng nặng trở lên | 3.0 lần số tiền thuế trốn |
3. Trốn thuế khi mua bán nhà đất có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi trốn thuế khi mua bán nhà đất hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội trốn thuế căn cứ theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi trốn thuế xâm phạm trực tiếp đến chính sách thuế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ và làm thất thu ngân sách của nhà nước. Việc quy định tội trốn thuế là biện pháp cần thiết để góp phần ngăn chặn hành vi trốn thuế trên thực tế. Hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý. Hành vi trốn thuế được quy định trong điều luật này có thể là một trong những dạng hành vi sau:
– Không nộp hồ sơ đăng kí thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;
– Sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, sử dụng hành hóa không thuộc diện được miễn thuế, không thuộc diện được xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lí thuế;
– Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hoá trái quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 …
Điều luật quy định 03 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, 01 khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Tóm lại, người có hành vi gian lận nhằm trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt chính là phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn đến 07 năm theo quy định Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;
– Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.