Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều các trò chơi điện tử trên thị trường. Vậy trò chơi điện tử là gì? Phân loại trò chơi điện tử trên mạng?
Mục lục bài viết
1. Trò chơi điện tử là gì?
Trò chơi điện tử là một trò chơi sử dụng những thiết bị điện tử như màn hình, tay cầm điều khiển, loa,… để tạo ra một hệ thống tương tác và kết nối với nhau để những người dùng trải nghiệm.
Trò chơi điện tử đã có những phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, phổ biến nhất là các thể loại trò chơi video. Trò chơi video hiện nay không chỉ gói gọn trong màn hình máy vi tính hay là máy chơi game cầm tay, mà chúng còn phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng Android và IOS.
Tại Sea Games 32 được tổ chức tại Campuchia vừa qua, đã có tới 5 bộ môn liên quan tới trò chơi điện tử được đưa vào thi đấu tranh huy chương. Trong đó, đã có những trò chơi video đó là: PUBG Mobile, Liên Minh Huyền Thoại,...
Trò chơi điện tử các các đặc điểm sau:
– Chủ thể tham gia trò chơi điện tử:
+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (được gọi chung là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử) là doanh nghiệp được thành lập theo pháp Luật Việt Nam cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập các hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi điện tử.
+ Người chơi trò chơi điện tử trên mạng (được gọi chung là người chơi) là cá nhân giao kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoặc là điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng để chơi trò chơi điện tử.
– Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử: Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng là các địa điểm mà tổ chức, cá nhân được toàn quyền sử dụng hợp pháp để cung cấp cho những người chơi khả năng truy cập vào mạng và chơi các trò chơi điện tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị tại địa điểm đó, bao gồm:
+ Điểm truy nhập Internet công cộng có cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử:
++ Đại lý Internet;
++ Điểm truy nhập Internet công cộng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet;
++ Điểm truy nhập Internet công cộng tại khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê và các điểm công cộng khác có hợp đồng đại lý Internet ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet;
+ Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng thông qua mạng máy tính (LAN, WAN) mà không kết nối với Internet
2. Phân loại trò chơi điện tử trên mạng?
Căn cứ Điều 31
2.1. Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ:
Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, bao gồm:
– Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua về hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1);
– Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2);
– Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa những người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3);
– Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4).
Lưu ý rằng:
– Doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 khi có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử (Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng có thời hạn theo đề nghị của doanh nghiệp, nhưng thời hạn tối đa không quá 10 năm) và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với mỗi trò chơi điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có đầy đủ các Điều kiện sau đây:
+ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam,
+ Có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã được đăng tải ở trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia của doanh nghiệp;
+ Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;
+ Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động mà pháp luật quy định;
+ Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.
– Doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G2, G3, G4 khi đã có Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và thông báo cung cấp dịch vụ đối với từng trò chơi điện tử.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho những người sử dụng tại Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam để thực hiện việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng theo quy định của pháp luật và quy định về đầu tư nước ngoài.
2.2. Phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi:
Trò chơi điện tử được phân loại theo các độ tuổi như sau:
– Trò chơi điện tử dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, được ký hiệu là 18+) là trò chơi có hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh khiêu dâm;
-Trò chơi điện tử dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, được ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng:
+ Những hình ảnh vũ khí trong trò chơi không nhìn được cận cảnh, rõ ràng;
+ Tiết chế âm thanh va chạm của những vũ khí khi chiến đấu trong trò chơi;
+ Không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, các nhân vật trong trò chơi mặc hở hang, khiêu dâm hay quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người;
– Trò chơi điện tử dành cho mọi lứa tuổi (được ký hiệu là 00+) là những trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có các hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có các hình ảnh, âm thanh ma quái hay các hình ảnh, âm thanh kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh của các nhân vật trong trò chơi mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm ở trên cơ thể người.
3. Quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trong việc phân loại trò chơi theo độ tuổi:
Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trong việc phân loại trò chơi theo độ tuổi bao gồm:
– Tự phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi đã nêu ở mục trên
– Thể hiện kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi trong ở hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung, kịch bản đối với trò chơi điện tử G1, ở trong hồ sơ thông báo cung cấp các dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 và G4. Việc phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi là một trong những nội dung được thẩm định của trò chơi điện tử G1;
– Thể hiện kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi ở vị trí phía trên, ở góc bên trái của khung quảng cáo và màn hình thiết bị trong khi người chơi sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử.
– Khi có sở cứ kết luận việc phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi của doanh nghiệp đối với những trò chơi điện tử G2, G3, G4 không phù hợp với quy định về phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện Điều chỉnh lại việc phân loại trong thời gian là 10 ngày làm việc. Trong trường hợp doanh nghiệp không Điều chỉnh kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi người chơi thì Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) phải có văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng cung cấp các dịch vụ đối với các trò chơi đó và thực hiện những giải pháp bảo đảm quyền lợi của người chơi. Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản nêu trên đã được ban hành mà doanh nghiệp không dừng phát hành theo yêu cầu thì Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) sẽ tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet;
– Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng.