Thẩm quyền, trình tự thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình. Quy định về báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình. Trình tự thủ tục xin thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình xây dựng?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thẩm quyền thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình:
- 2 2. Trình tự thủ tục thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình:
- 3 3. Thành phần, số lượng hồ sơ bao gồm những gì?
- 4 4. Thời hạn giải quyết mất bao nhiêu lâu?
- 5 5. Các yêu cầu khi thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật:
- 6 6. Mẫu tờ trình Thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng:
1. Thẩm quyền thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình:
Căn cứ Khoản 7 Điều 57 Luật xây dựng 2014 quy định thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng như sau:
“7. Cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định dự án hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng đã được đăng ký trên trang thông tin điện tử về năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của Luật này để thẩm tra dự án làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt dự án. Chi phí thẩm tra, phí thẩm định dự án và thiết kế cơ sở được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.”
Như vậy, trong trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện không đủ chức năng thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật – Thiết kế bản vẽ thi công – Dự toán công trình thì cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện (cơ quan ra quyết định đầu tư) có quyền mời tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng để thẩm tra dự án làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt dự án. Do đó, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền giao cho cơ quan bạn – Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tiến hành chủ trì, tổ chức thẩm định dự án này là đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ Khoản 1 Điều 10 Thông tư 18/2016/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án, và thiết kế, dự toán xây dựng công trình như sau:
“Điều 10. Thẩm tra phục vụ công tác thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình
Thẩm tra phục vụ công tác thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 11 và Điều 30 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Căn cứ yêu cầu thẩm tra của cơ quan thẩm định, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn trực tiếp tổ chức tư vấn có đủ Điều kiện năng lực để thực hiện thẩm tra phục vụ công tác thẩm định.”
Trong trường hợp cần thiết, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện thẩm tra phục vụ công tác thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình xây dựng. Do đó, việc cơ quan bạn thuê đơn vị tư vấn thẩm tra Thiết kế bản vẽ thi công – Dự toán công trình có đủ điều kiện năng lực phù hợp là đúng với quy định của pháp luật.
2. Trình tự thủ tục thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình:
Bước 1: Chủ đầu tư nộp hồ sơ Sở xây dựng
Bước 2: Công chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
+ Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, công chức hướng dẫn bằng phiếu theo mẫu để cá nhân, tổ chức hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Bước 3: Thụ lý hồ sơ: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Xây dựng kiểm tra, xem xét, có văn bản yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu thiếu hoặc không hợp lệ). Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Sở Xây dựng nếu Chủ đầu tư không thực hiện việc bổ sung hồ sơ thì Sở Xây dựng sẽ dừng việc thẩm định; việc thẩm định chỉ được thực hiện khi Chủ đầu tư có yêu cầu trình thẩm định lại.
Cách thức thực hiện:Chủ đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
3. Thành phần, số lượng hồ sơ bao gồm những gì?
*) Thành phần hồ sơ:
– Văn bản pháp lý:
+ Tờ trình thẩm định theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục II của Nghị định
số 59/2015/NĐ-CP;
+ Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình (đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công);
+ Văn bản phê duyệt danh mục tiêu chuẩn nước ngoài (nếu có);
+ Văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
+ Và các văn bản khác có liên quan.
– Tài liệu khảo sát xây dựng, thiết kế, dự toán:
+ Hồ sơ khảo sát xây dựng (nếu có);
+ Nhiệm vụ thiết kế đã được phê duyệt;
+ Thuyết minh Báo cáo kinh tế – kỹ thuật;
+ Báo cáo kết quả thẩm tra (nếu có).
+ Hồ sơ thiết kế thiết kế bản vẽ thi công bao gồm thuyết minh và bản vẽ;
+ Dự toán xây dựng công trình đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách.
– Hồ sơ năng lực của các nhà thầu:
+ Thông tin năng lực của nhà thầu khảo sát, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình;
+ Giấy phép nhà thầu nước ngoài (nếu có);
+ Chứng chỉ hành nghề của các chức danh chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế của nhà thầu thiết kế (bản sao có chứng thực);
*) Số lượng hồ sơ: 01 bộ (sau khi Sở Xây dựng kiểm tra, trường hợp cần lấy ý kiến phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, Sở Xây dựng sẽ yêu cầu bổ sung hồ sơ đối với những nội dung lấy ý kiến).
4. Thời hạn giải quyết mất bao nhiêu lâu?
Không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Sở Xây dựng.
– Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không.
– Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở Xây dựng
– Cơ quan phối hợp: Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:Văn bản thông báo kết quả thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật/Báo cáo kinh tế – kỹ thuật điều chỉnh; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng điều chỉnh (trường hợp thiết kế 1 bước).
Lệ phí:
– Phí thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật/Báo cáo kinh tế – kỹ thuật điều chỉnh tính theo tỷ lệ % theo quy định tại Thông tư số 209/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính.
– Phí thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng điều chỉnh tính theo tỷ lệ % theo quy định tại Thông tư số 75/2014/TT-BTC ngày 12/6/2014 của Bộ Tài chính.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
– Tờ trình thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật (Mẫu số 04, Phụ lục II – Ban hành kèm theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ có kèm theo thủ tục).
– Mẫu Báo cáo kết quả thẩm tra Báo cáo kinh tế – kỹ thuật/ Báo cáo kinh tế – kỹ thuật điều chỉnh quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I của Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016.
5. Các yêu cầu khi thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật:
– Đánh giá về sự cần thiết đầu tư, quy mô; thời gian thực hiện; tổng mức đầu tư, hiệu quả về kinh tế – xã hội;
– Xem xét các yếu tố bảo đảm tính khả thi gồm nhu cầu sử dụng đất, khả năng giải phóng mặt bằng; các yếu tố ảnh hưởng đến công trình như quốc phòng, an ninh, môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Sự hợp lý của các giải pháp thiết kế xây dựng công trình; sự tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng cho công trình; sự hợp lý của việc lựa chọn dây chuyền và thiết bị công nghệ đối với thiết kế công trình có yêu cầu về công nghệ; sự tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ;
– Đánh giá sự phù hợp các giải pháp thiết kế công trình với công năng sử dụng của công trình, mức độ an toàn công trình và bảo đảm an toàn của công trình lân cận;
– Đánh giá sự phù hợp giữa khối lượng chủ yếu của dự toán với khối lượng thiết kế; tính đúng đắn, hợp lý của việc áp dụng, vận dụng định mức, đơn giá xây dựng công trình; xác định giá trị dự toán công trình;
– Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng, lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
6. Mẫu tờ trình Thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
………, ngày ….. tháng ….. năm ….
TỜ TRÌNH
Thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng
Kính gửi: (Cơ quan thẩm định)
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Các căn cứ pháp lý khác có liên quan.
(Tên chủ đầu tư) trình (Cơ quan thẩm định) thẩm định thiết kế (thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công) và dự toán xây dựng công trình
I. THÔNG TIN CHUNG CÔNG TRÌNH
1. Tên công trình: ………..
2. Loại, cấp, quy mô công trình: ………..
3. Tên chủ đầu tư và các thông tin để liên lạc (điện thoại, địa chỉ,….): ..
4. Địa điểm xây dựng: ……….
5. Giá trị dự toán xây dựng công trình: ………..
6. Nguồn vốn đầu tư: ………..
7. Nhà thầu lập thiết kế và dự toán xây dựng: ………
8. Tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng: ……….
9. Các thông tin khác có liên quan: ……….
II. DANH MỤC HỒ SƠ GỬI KÈM BAO GỒM
1. Văn bản pháp lý:
– Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình (đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công);
– Văn bản phê duyệt danh mục tiêu chuẩn nước ngoài (nếu có);
– Văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
– Báo cáo tổng hợp của chủ đầu tư;
– Và các văn bản khác có liên quan.
2. Tài liệu khảo sát xây dựng, thiết kế, dự toán:
– Hồ sơ khảo sát xây dựng;
– Hồ sơ thiết kế thiết kế bản vẽ thi công bao gồm thuyết minh và bản vẽ;
– Dự toán xây dựng công trình đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách.
3. Hồ sơ năng lực của các nhà thầu:
– Thông tin năng lực của nhà thầu khảo sát, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình;
– Giấy phép nhà thầu nước ngoài (nếu có);
– Chứng chỉ hành nghề của các chức danh chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế của nhà thầu thiết kế (bản sao có chứng thực); (Tên tổ chức) trình (Cơ quan thẩm định) thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng công trình…. với các nội dung nêu trên./.
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)
Tên người đại diện
Các văn bản pháp luật áp dụng cho thủ tục hành chính:
– Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ Về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
–
– Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ Về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP;
– Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và
– Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy
– Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình;
– Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng;
– Thông tư số 209/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở.