Trình tự, thủ tục khai sinh được pháp luật quy định như thế nào? Các bước tiến hành được thực hiện ra sao?
1. Trình tự, thủ tục khai sinh
1.1. Thẩm quyền đăng kí khai sinh
Việc đăng kí khai sinh được thực hiện tại UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã), nơi cư trú của người mẹ; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì UBND cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh. Như vậy, việc đăng kí khai sinh cho trẻ có thể được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ, UBND cấp xã nơi người cha cư trú hoặc UBND cấp xã nơi cư trú thực tế của trẻ.
1.2. Thời hạn đăng kí khai sinh
Thời hạn đăng kí khai sinh cho trẻ là 60 ngày, kể từ ngày trẻ được sinh ra, "Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em".
Nếu ngoài thời hạn nêu trên mà không đi đăng kí khai sinh cho trẻ thì phải đăng kí khai sinh theo thủ tục khai sinh quá hạn và người đi đăng kí khai sinh sẽ bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hộ tịch.
1.3. Các loại giấy tờ cần thiết khi đăng kí khai sinh
Khi đi đăng kí khai sinh, người có trách nhiệm phải chuẩn bị những giấy tờ cần thiết sau đây để nộp hoặc xuất trình cho việc đăng kí khai sinh được nhanh, gọn:
Phải nộp:
– Giấy chứng sinh theo mẫu. Trường hợp trẻ em được sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy chứng sinh được thay thế bằng văn bản xác nhận của người làm chứng, trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
– Tờ khai.
Phải xuất trình:
– Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ em có đăng kí kết hôn). Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
– Sổ hộ khẩu gia đình hoặc Giấy đăng ký tạm trú của người mẹ
– Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế của người đi đăng kí khai sinh.
1.4. Trình tự, thủ tục đăng kí khai sinh
Sau khi tiếp nhận và kiểm tra các giấy tờ nêu trên là hợp lệ thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
Trường hợp trẻ em có cha và mẹ có họ, dân tộc khác nhau thì việc xác định họ, dân tộc của trẻ để ghi vào Giấy khai sinh được thực hiện như sau:
Pháp luật không có quy định họ của trẻ phải là họ của người cha hay người mẹ, như vậy trẻ em sinh ra có thể lấy bất kì họ nào đó. Khi đi đăng kí khai sinh, cán bộ Tư pháp hộ tịch sẽ hướng dẫn cho người đi đăng kí khai nên lấy họ của cha hoặc mẹ là họ cho con.
1.5. Trình tự, thủ tục đăng kí khai sinh cho trẻ là con ngoài giá thú
Khi đăng kí khai sinh cán bộ Tư pháp hộ tịch cần lưu ý một số điểm:
– Không tìm hiểu kĩ về tình trạng hôn nhân của mẹ đứa trẻ
– Nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống; tuyệt đối không gạch chéo, viết gì khác vào phần khai này trong Giấy khai sinh và sổ đăng kí khai sinh.
– Nếu vào thời điểm đăng kí khai sinh có người nhận con thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
1.6. Đăng kí khai sinh cho trẻ sơ sinh bị chết
Trẻ em sinh ra sống được 24 giờ trở lên rồi mới chết thì vẫn phải đăng kí khai sinh theo quy định của pháp luật; nếu chết trước khi được sinh ra (chết lưu) hoặc được sinh ra nhưng sống không được 24 giờ thì không phải đăng kí khai sinh.
Khi đăng kí khai sinh cho những trường hợp này cũng tiến hành các bước như các trường hợp đăng kí khai sinh thông thường.
1.7. Đăng kí khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi
• Thẩm quyền đăng kí khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi
Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người phát hiện trẻ có trách nhiệm bảo vệ và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ em đó bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
UBND cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh.
• Những giấy tờ cần thiết khi đăng kí khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi
Thủ tục đăng kí khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi bao gồm: Nộp biên bản xác nhận tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế.
Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi". Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi"; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được, thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi".
Trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, có giấy tờ kèm theo ghi về thông tin của cha, mẹ, nhưng sau khi đã thực hiện việc thông báo theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP mà không tìm được cha, mẹ đẻ, thì những thông tin này chỉ ghi chú trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh; phần ghi về người mẹ và người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con được để trống.