Có bị cắt hộ khẩu khi không sống tại nơi đăng ký không? Thời hạn giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu? Điều kiện, thủ tục tách hộ khẩu riêng? Quy định thời hạn cắt và nhập hộ khẩu? Cắt hộ khẩu thường trú của thành viên khi không còn cư trú?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về trình tự, thủ tục, hồ sơ và các bước tiến hành xin cắt hộ khẩu theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật cư trú khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Có thể nói, tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013. Điều này đã được cụ thể hóa tại Luật cư trú năm 2006, theo đó công dân có thể lựa chọn nơi mình sinh sống dưới hình thức đăng ký thường trú lâu dài hay tạm trú với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc người dân khi thay đổi nơi cư trú phải thực hiện đăng ký thường trú là quy định nhằm mục đích kiểm soát trật tự xã hội và quản lý dân cư, nhất là trước tình hình đô thị hóa, phát triển của xã hội khiến cho việc di cư, thay đổi nơi sinh sống của người dân diễn ra ngày càng nhiều. Như vậy, để thực hiện theo đúng quy định này, khi thay đổi nơi thường xuyên sinh sống, người dân trước hết cần phải tiến hành xin đăng ký thường trú tại nơi ở mới và cắt hộ khẩu ở nơi cũ. Vậy, việc cắt hộ khẩu phải được thực hiện theo trình tự và cần hồ sơ như thế nào?
Luật sư
Qua bài viết này, Luật Dương Gia sẽ cùng bạn tìm hiểu những quy định mới nhất hiện hành về vấn đề này để bạn có thể chuẩn bị được hồ sơ và thực hiện trình tự, thủ tục khi tiến hành cắt khẩu một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Thứ nhất, về cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục cắt hộ khẩu
Theo quy định tại Luật cư trú năm 2006, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục cắt hộ khẩu được xác định như sau:
– Đối với các tỉnh, việc thực hiện thủ tục cắt hộ khẩu do Công an cấp xã thuộc các huyện và công an cấp huyện (chỉ đối với công dân tại các thị xã hay thành phố thuộc tỉnh).
– Đối với thành phố trực thuộc trung ương, thẩm quyền thực hiện thủ tục cắt hộ khẩu cho công dân được giao cho công an cấp huyện.
Thứ hai, các bước trình tự, thủ tục cắt hộ khẩu cho công dân
Theo quy định tại Luật cư trú năm 2006, sổ hộ khẩu là hình thức quản lý về công dân đã đăng ký thường trú tại nơi mà người đó sinh sống. Khi công dân có nhu cầu chuyển đến nơi ở mới, bên cạnh việc đăng ký thường trú tại nơi ở mới, họ phải thực hiện cắt hộ khẩu tại nơi ở cũ. Theo đó, thủ tục cắt hộ khẩu của công dân được thực hiện theo trình tự các bước và hồ sơ như sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục tách sổ hộ khẩu tại nơi ở cũ
Theo quy định tại Điều 27 Luật cư trú năm 2006, hướng dẫn tại Thông tư 80/2011/TT-BCA để được cắt khẩu, người có nhu cầu trước hết cần thực hiện thủ tục tách sổ hộ khẩu tại địa phương nơi đăng ký thường trú cũ theo trình tự sau:
– Nộp hồ sơ theo quy định đến cơ quan có thẩm quyền.
– Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, giấy tờ và thực hiện giải quyết việc tách sổ hộ khẩu cho công dân trong thời hạn 7 ngày làm việc tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu công dân rơi vào trường hợp không được tách sổ hộ khẩu, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời rõ lý do bằng văn bản cho họ.
Bước 2: Thực hiện thủ tục để được cấp giấy chuyển hộ khẩu trong trường hợp có quy định
Giấy chuyển hộ khẩu là một trong những loại giấy tờ bắt buộc phải có khi công dân đến đăng ký thường trú tại nơi ở mới mà nơi đó nằm ngoài phạm vi của xã, thị trấn của huyện, ngoài thị xã, thành phố của tỉnh hay ngoài huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương là nơi ở cũ trước đó (Theo quy định tại Điều 28 Luật cư trú năm 2006)
Do đó, nếu việc chuyển nơi ở cũ thuộc vào trường hợp trên, công dân cần thực hiện thủ tục để được cấp giấy chuyển hộ khẩu tại cơ quan công an có thẩm quyền.
Lưu ý:
Công dân khi làm thủ tục tách sổ hộ khẩu để chuyển đến nơi ở mới có thể không cần thực hiện thủ tục để cấp giấy chuyển hộ khẩu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Nơi chuyển đến đăng ký thường trú nằm trong phạm vi địa giới hành chính theo quy định (Ví dụ: Nơi chuyển đi và nơi chuyển đến đều cùng xã, thị trấn của một huyện hay thị xã, thành phố trong tỉnh; cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương).
– Việc chuyển đến nơi ở mới trong các trường hợp như:
+ Học tại các trường, cơ sở giáo dục của học sinh, sinh viên
+ Tham gia nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an
+ Ở tập trung tại doanh trại, tập thể khi được tuyển dụng vào Công an, Quân đội
+ Người trong thời gian chấp hành phạt tù, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.
Bước 3: Đăng ký thường trú tại nơi ở mới
Sau khi hoàn tất thủ tục tách sổ hộ khẩu tại nơi ở cũ, công dân cần phải đến nơi ở mới để thực hiện thủ tục đăng ký thường trú với cơ quan có thẩm quyền.
Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho người yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, trừ trường hơp nếu không đủ điều kiện thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. (Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật cư trú năm 2006)
Bước 4: Thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú ở nơi thường trú cũ
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 35/2014/TT-BCA, sau khi công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú ở nơi ở mới, cơ quan có thẩm quyền nơi công dân chuyển đến cần liên hệ nơi ở cũ để hoàn tất thủ tục cắt hộ khẩu theo trình tự như sau:
– Gửi thông báo đến nơi đăng ký thường trú cũ của công dân về việc họ đã hoàn tất thủ tục đăng ký ở nơi chuyển đến.
– Sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền nơi chuyển đến, cơ quan nơi thường trú cũ cần phải thông báo cho người chuyển đi hoặc cho đại diện hộ gia đình đến thực hiện thủ tuc xóa tên trong sổ hộ khẩu tại nơi ở cũ, cụ thể:
+ Trường hợp nơi chuyển đi là các xã, thị trấn thuộc cùng một huyện của tỉnh, thì thời gian thông báo cho công dân là 5 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan nhận được thông báo từ cơ quan đăng ký thường trú của nơi công dân chuyển đến.
+ Thời hạn thông báo này được xác định là 10 ngày nếu nơi chuyển đi là các huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Sau khi nhận được thông báo từ cơ quan có thẩm quyền, người chuyển đi hoặc đại diện của hộ gia đình họ sẽ phải đến để hoàn tất thủ tục cắt hộ khẩu tại nơi ở cũ.
Thứ ba, hồ sơ thực hiện thủ tục cắt hộ khẩu được quy định như sau:
Theo quy định của Luật cư trú năm 2006, trong các bước thực hiện thủ tục cắt khẩu, công dân cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu như sau:
– Phiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp để ghi rõ những thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu và bản khai về nhân khẩu của hộ khẩu nơi sẽ tách để chuyển đi.
– Sổ hộ khẩu
– Giấy chuyển hộ khẩu (nếu có ) khi công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú ở nơi ở mới
Lưu ý:
– Ngoài các giấy tờ như đã quy định ở trên, tại giai đoạn thực hiện thủ tục tách sổ hộ khẩu, người có yêu cầu cần phải có văn bản thể hiện sự đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu như trước đó họ được ghi nhận là thành viên trong sổ hộ khẩu qua việc nhập hộ khẩu theo quy định tại Điều 27 của Luật cư trú năm 2006.
Mục lục bài viết
1. Có bị cắt hộ khẩu khi không sống tại nơi đăng ký không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có hộ khẩu Hà Nội nhưng hiện nay lấy chồng và sinh sống ở Ninh Bình. Xin hỏi tôi có bị cắt hộ khẩu ở Hà nội không? Tôi không muốn cắt khẩu Hà nội thì phải làm sao?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào Điều 3 Luật Cư trú quy định: Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.
Pháp luật hiện hành không bắt buộc vợ chồng phải chuyển hộ khẩu về chung một nhà nên hai người có thể đăng ký thường trú ở những nơi khác nhau.
Như vậy, về nguyên tắc, pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc hai vợ chồng phải chuyển hộ khẩu về chung một nhà nên bạn và vợ bạn có thể có nơi đăng ký thường trú khác nhau. Tuy nhiên, nếu muốn chuyển hộ khẩu về chung một nhà, các bạn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
2. Thời hạn giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi đăng kí Sổ KT3 từ ngày 19/6/2014. Hiện tôi đang có việc cần gấp sổ hộ khẩu, xin hỏi Luật sư tôi có thể làm thủ tục nhập khẩu sớm nhất là ngày nào? Xin cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 24 Luật cư trú 2006 thì:
“- Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
– Sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại.
– Bộ Công an phát hành mẫu sổ hộ khẩu và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, đổi, sử dụng, quản lý sổ hộ khẩu thống nhất trong toàn quốc.”
Trong trường hợp của bạn, bạn không nêu là cấp sổ hộ khẩu lần đầu hay cấp lại.
Đối với cấp sổ hộ khẩu lần đầu bạn cần thực hiện những thủ tục sau:
– Cấp sổ hộ khẩu cá nhân:
Đăng ký nơi thường trú:
+ Tại tỉnh: Có chỗ ở hợp pháp tại một tỉnh, nếu chỗ ở đó là do thuê, mượn…thì phải được sự đồng ý của người cho thuê, cho mượn…
+ Tại thành phố trực thuộc trung ương:
– Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương;
– Có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc trung ương từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; từ hai năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
Trường hợp tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau thì thời gian tạm trú liên tục được tính bằng tổng thời gian tạm trú tại các chỗ ở đó;
– Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. (khoản 1 Điều 8 Nghị định 31/2014/NĐ-CP).
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA thì hồ sơ đăng ký nơi thường trú gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
– Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú 2006);
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú 2006 (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2014/NĐ-CP). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên.
Ngoài ra, khi rơi vào một số trường hợp cụ thể hồ sơ đăng ký thường trú cần một số giấy tờ cụ thể theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA
– Bạn cũng có thể xin nhập hộ khẩu vào hộ gia đình hoặc cá nhân nơi bạn đang ở chung khi được sự đồng ý của chủ hộ hoặc của cá nhân và không rơi vào các trường hợp ở cùng ông bà, cha mẹ.
Hồ sơ này nộp tại Công an huyện, quận, thị xã (trường hợp đăng ký tại thành phố trưc thuộc trung ương); Công an xã, phường, thị trấn (thuộc tỉnh).
Trường hợp bạn không muốn cấp sổ hộ khẩu cá nhân mà muốn nhập khẩu vào một hộ gia đình nào đó thì phải có văn bản đồng ý của hộ gia đình đó.
– Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu do mất, hư hỏng:
Bạn về nơi bạn được cấp sổ hộ khẩu xin cấp lại sổ hộ khẩu. Căn cứ vào khoản 2 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA thì hồ sơ yêu cầu cấp lại sổ hộ khẩu bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu tại thành phố, thị xã thuộc tỉnh và quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp đổi sổ hộ khẩu do bị hư hỏng) hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với trường hợp đổi từ mẫu sổ cũ đổi sang mẫu số mới).
– Cơ quan đăng ký cư trú thu lại sổ hộ khẩu bị hư hỏng hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và đóng dấu hủy để lưu hồ sơ hộ khẩu.
Để được cấp sớm nhất bạn phải có đầy đủ điều kiệ, giấy tờ, hồ sơ thực hiên nêu trên thì sẽ được giải quyết nhanh.
3. Điều kiện, thủ tục tách hộ khẩu riêng
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, em hiện tại đang sống chung với cha mẹ ruột. Em có 3 đứa con trai, tất cả là 4 nhân khẩu trong 1 sổ hộ khẩu của bà ruột em cùng sống chung 1 nhà. Giờ em muốn tách riêng hộ khẩu có được hay không? Và cần những giấy tờ nào? Dạ em xin cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 27 Luật cư trú 2006:
“Điều 27. Tách sổ hộ khẩu
1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
Trường hợp của gia đình bạn, nếu cả 3 con của bạn là người đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì gia đình bạn sẽ đủ điều kiện để tách riêng sổ hộ khẩu.
Và cũng theo quy định tại
“5. Người có nhu cầu tách sổ hộ khẩu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật cư trú 2006thì chủ hộ phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu đồng ý cho tách sổ hộ khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm. Khi tách sổ hộ khẩu không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở hợp pháp.”
Như vậy, bạn muốn tách sổ hộ khẩu thì cần phải chuẩn bị những thủ tục sau :
– Sổ hộ khẩu bản chính;
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
– Ý kiến đồng ý của chủ hộ cho vợ chồng bạn tách hộ khẩu.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tách sổ hộ khẩu đến:
– Cơ quan công an quận, huyện, đối với thành phố trực thuộc Trung Ương.
– Công an xã, phường, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh – đối với tỉnh.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả cho bạn; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bạn bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, để được tách riêng hộ khẩu, bạn cần phải chuẩn bị những thủ tục đã nêu trên.
4. Quy định thời hạn cắt và nhập hộ khẩu
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi vừa mới cắt khẩu ngày 09/09/2016 nhưng chưa nhập về nhà chồng. Nay tôi muốn nhập lại về hộ khẩu bên ngoại có được không? Nếu được thì tôi cần phải làm những gì?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Khoản 3 Điều 11 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định xóa đăng ký thường trú như sau:
“3. Thủ tục xóa tên đối với các trường hợp thuộc điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú:
a) Đối với các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh
– Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đã đăng ký thường trú của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân chuyển đến, phải thông báo cho người bị xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu (đối với trường hợp không chuyển cả hộ), thông báo việc đã xóa đăng ký thường trú cho Công an huyện;
– Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo việc xóa đăng ký thường trú của Công an xã, thị trấn; Công an huyện phải chuyển hồ sơ đăng ký thường trú cho Công an cùng cấp nơi công dân chuyển đến và thông báo cho tàng thư căn cước công dân;
b) Đối với các huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đã đăng ký thường trú của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân chuyển đến, phải thông báo cho người bị xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu (đối với trường hợp không chuyển cả hộ), thông báo việc đã xóa đăng ký thường trú cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, phải chuyển hồ sơ đăng ký thường trú cho Công an cùng cấp nơi công dân chuyển đến.”
Theo như bạn trình bày, bạn đã xin cấp giấy chuyển khẩu tuy nhiên chưa nhập hộ khẩu vào nhà chồng, như vậy hộ khẩu thường trú của bạn tại nhà ngoại chưa bị xóa theo quy định trên.
Nay bạn muốn nhập hộ khẩu về nhà ngoại thì bạn thực hiện thủ tục đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 21 Luật cư trú 2006 như sau:
– Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
+Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;bản khai nhân khẩu;
+ Văn bản đồng ý của chủ hộ cho bạn nhập hộ khẩu thường trú;
– Nơi thực hiện thủ tục hành chính:
+ Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
+ Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Thời gian giải quyết: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
5. Cắt hộ khẩu thường trú của thành viên khi không còn cư trú
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa Luật sư: trước đây vợ chồng tôi có hộ khẩu chung với mẹ ruột tôi. Hiện nay chúng tôi đã li dị hơn 6 năm. Chồng tôi đã đi ở chỗ khác từ lúc đó. Gia đình tôi đã yêu cầu cắt hộ khẩu đi, vì ông ấy thường về kiếm cớ để mượn hộ khẩu và làm đơn vay tiền mà ông ấy không chịu cắt mà còn thách thức: “Tao không cắt đó thằng nào làm gì được tao”. Cứ mỗi lần như vậy là xảy ra cãi vã. Gia đình chúng tôi vô cùng mệt mỏi. Bây giờ có quy định nào hay là làm cách nào để có thể cắt được hộ khẩu ông ấy ra khỏi gia đình tôi không? Bởi vì tòa án xử ông ấy không còn dính líu gì với gia đình tôi nữa. Mong Luật Sư giúp đỡ. Tôi và gia đình vô cùng cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, trước đây, vợ chồng bạn có chung hộ khẩu với mẹ bạn, nay, vợ chồng bạn đã ly dị được hơn 6 năm, chồng bạn đã ở chỗ khác từ khi ly dị, gia đình bạn đã có yêu cầu cắt khẩu nhưng chồng cũ của bạn không cắt và thường xuyên về gây phiền nhiễu với hộ khẩu của gia đình bạn. Trong trường hợp này, việc xử lý hộ khẩu thường trú của chồng cũ của bạn có thể giải quyết theo cách thức sau:
Điều 22 Luật Cư trú 2006 quy định:
“Điều 22. Xoá đăng ký thường trú
1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:
a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;
b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;
c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;
d) Ra nước ngoài để định cư;
đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.
2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì cũng có thẩm quyền xoá đăng ký thường trú.
3. Thủ tục cụ thể xoá đăng ký thường trú và điều chỉnh hồ sơ, tài liệu, sổ sách có liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.”
Như vậy, theo quy định một trong những trường hợp cá nhân bị xóa đăng ký thường trú là trường hợp công dân đã đăng ký thường trú tại nơi cư trú tại nơi cư trú mới, thì cơ quan đã đăng ký ở nơi mới có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đã đăng ký thường trú cấp giấy chuyển khẩu để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.
Mặt khác, theo Điều 23
Vì vậy, trong trường hợp này, chồng cũ của bạn đã chuyển đi chỗ khác cách đây 06 năm, nếu tại chỗ ở mới đủ điều kiện làm thủ tục đăng ký thường trú mới thì phải thực hiện thay đổi nơi đăng ký thường trú. Khi thay đổi nơi đăng ký thường trú, thì phải thực hiện xóa đăng ký thường trú ở chỗ ở cũ của gia đình bạn hiện nay.
Luật sư tư vấn pháp luật về thủ tục xóa đăng ký thường trú:1900.6568
Theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 11 Thông tư 35/2014/TT-BCA thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì đại diện của hộ gia đình thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú tại cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ bao gồm:
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
+ Sổ hộ khẩu;
+ Giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp xóa đăng ký thường trú
Trường hợp nếu chồng bạn đã chuyển đến sinh sống tại nơi ở mới, nhưng không có chỗ ở hợp pháp, và không đủ điều kiện để đăng ký thường trú tại nơi ở mới.
Trong trường hợp này, cho dù chồng bạn đã chuyển đến sinh sống tại nơi ở mới đã lâu nhưng nếu không có chỗ ở hợp pháp hoặc không đủ điều kiện đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo những quy định của pháp luật hiện hành, thì chồng bạn sẽ không thể tiến hành thủ tục đăng ký thường trú tại nơi ở mới. Và do vậy, bạn và gia đình bạn không thể thực hiện được việc xóa đăng ký thường trú của chồng bạn ra khỏi hộ khẩu chung của gia đình, cho dù bây giờ bạn và chồng bạn không còn mối quan hệ gì nữa.