Trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam mới nhất. Đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam cần làm như thế nào?
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam mở cửa cho nhiều quốc gia vào đầu tư để phát triển kinh tế đất nước. Khi các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư thì hoạt động kinh doanh thương mại được thực hiện dưới nhiều hình thức như thành lập công ty con, văn phòng đại diện, chi nhánh hay góp vốn. Việt Nam có những quy định được ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài trong đó bao gồm quy định về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Như vậy doanh nghiệp nước ngoài có thể được bảo hộ nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam nếu đảm bảo đủ các điều kiện, hồ sơ hợp lệ theo quy định của luật.
Mục lục bài viết
1. Nhãn hiệu quốc tế là gì?
– Một là, khái niệm nhãn hiệu:
Nhãn hiệu theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được xác định là một trong những dấu hiệu hữu hình dùng để phân biệt các loại hàng hoá, dịch vụ giống nhau của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại khác nhau. Nhãn hiệu bao gồm hai loại là nhãn hiệu dịch vụ và nhãn hiệu hàng hóa, có thể là các hình ảnh, chữ viết, biểu tượng hoặc là sự kết hợp của các yếu tố trên được thể hiện bằng màu sắc (một hoặc nhiều màu sắc khác nhau). Như vậy, mỗi cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại sẽ có nhãn hiệu riêng của mình và những nhãn hiệu này được xác định là một trong những tài sản sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
– Hai là, đăng ký nhãn hiệu quốc tế:
Nguyên tắc khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được Việt Nam và đa số các quốc gia trên thế giới ghi nhận là đăng ký bảo hộ dựa theo lãnh thổ. Nguyên tắc lãnh thổ này được hiểu rằng cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại tại quốc gia nào thì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở quốc gia đó và chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Theo đó khi nhãn hiệu của một cá nhân, tổ chức muốn được bảo hộ vượt ra khỏi lãnh thổ ban đầu, ở quốc gia khác, khu vực lãnh thổ khác hay trên phạm vi quốc tế thì phải làm thủ tục đăng ký bảo hộ tại nước muốn được bảo hộ hoặc tại cơ quan có thẩm quyền về đăng ký bảo hộ quốc tế.
Tương tự như trên, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thương mại nước ngoài muốn được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam thì phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
2. Điều kiện đăng ký nhãn hiệu quốc tế tai Việt Nam:
Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu muốn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thì phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
– Nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại đó phải được đăng ký bảo hộ tại quốc gia của họ;
– Nhãn hiệu này chưa được bất kỳ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc nước ngoài khác nào thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam trừ trường hợp chứng minh được đây là nhãn hiệu nổi tiếng hoặc nhãn hiệu đã được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi quốc tế hoặc trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
3. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam:
Để làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế bao gồm:
– Mẫu của nhãn hiệu cần đăng ký;
– Các thông tin cơ bản của chủ đơn đăng ký nhãn hiệu;
– Danh mục các sản phẩm/hàng hóa chứa nhãn hiệu cần đăng ký bảo hộ;
– Các tài liệu, giấy tờ chứng minh quyền ưu tiên của cá nhân, tổ chức (nếu có);
– Tờ khai đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam (áp dụng theo mẫu số 04-NH được ban hành tại Phụ lục A kèm theo Thông tư 01/2007/TT-BKHCN);
– Bản sao của chứng từ chứng minh việc đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (các khoản phí và lệ phí).
Ngoài ra nếu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không thể thực hiện hoặc không muốn tự bản thân thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế tại Việt Nam thì có thể ủy quyền cho các đơn vị dịch vụ như
4. Trình tự – thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế Việt Nam:
– Bước 1, chuẩn bị hồ sơ:
Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu nêu trên.
– Bước 2, nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu:
Cá nhân, tổ chức muốn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế của mình và các tài liệu kèm theo trong hồ sơ tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam hoặc tại các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội có thể nộp hồ sơ tại Sở Khoa học và Công nghệ.
– Bước 2, thẩm định hình thức nhãn hiệu:
Cục Sở hữu trí tuệ sau khi tiếp nhận đơn và hồ sơ phải tiến hành thẩm định về mặt hình thức của nhãn hiệu, bao gồm thẩm định về mẫu mã, màu sắc của nhãn hiệu, thẩm định quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký, tính hợp lệ của đơn đăng ký bảo hộ,…
+ Nếu đơn đăng ký hợp lệ, đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì sẽ tiếp nhận đơn và tiến hành đăng công bố đơn đăng ký nhãn hiệu.
Việc công bố công khai đơn đăng ký nhãn hiệu được thực hiện trong vòng thời hạn hai tháng tính từ thời điểm Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận đơn đăng ký hợp lệ. Nội dung công bố công khai bao gồm các thông tin về nhãn hiệu, mẫu mã, màu sắc, các dnah mục hàng hóa, dịch vụ chứa nhãn hiệu kèm theo đơn đã được ghi nhận trong Thông báo chấp nhận đơn.
+ Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế không hợp lệ, chủ đơn đăng ký sẽ nhận được Thông báo không tiếp nhận đơn và Cục sở hữu trí tuệ hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân sửa đổi lại đơn cho hợp lệ trong Công văn sửa đổi.
– Bước 3, thẩm định nội dung nhãn hiệu:
09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Cục Sở hữu trí tuệ xem xét, xét duyệt các điều kiện đăng ký nhãn hiệu của cá nhân, doanh nghiệp và ban hành Thông báo dự định cấp văn bằng cho nhãn hiệu. Nếu về mặt nội dung của nhãn hiệu không đảm bảo quy định của pháp luật thì Thông báo không cấp văn bằng bảo hộ và cá nhân, doanh nghiệp đăng ký có quyền phúc đáp hoặc khiếu nại thông báo trên.
– Bước 4, hoàn thành nghĩa vụ tài chính:
Sau khi nhận được Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ thì chủ thể đăng ký phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về phí và lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
– Bước 5, cấp văn bằng bảo hộ:
Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế của mình tại Việt Nam trong thời hạn từ hai đến ba tháng kể từ thời điểm thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Cá nhân, tổ chức có thể đến trực tiếp Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam để nhận Giấy chứng nhận hoặc nhận qua đường bưu điện hoặc ủy quyền cho đơn vị đại diện nhận thay.
5. Lưu ý khi xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam:
– Mặc dù cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhưng do làm việc với cơ quan hành chính Việt Nam nên các văn bản, tài liệu, giấy tờ nêu trên ngôn ngữ phải là Tiếng Việt hoặc được dịch ra Tiếng Việt;
– Trước khi làm thủ tục, hồ sơ xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì cá nhân, tổ chức nên kiểm tra, tra cứu về nội dung nhãn hiệu đó tại Việt Nam hay nghiên cứu, xem xét các quy định của pháp luật Việt Nam về đăng ký nhãn hiệu quốc tế;
– Trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì có thể bị phản đối bởi cá nhân, tổ chức khác nếu họ xét thấy nhãn hiệu bị trùng, ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của họ;
– Thời hạn để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế có thể kéo dài đến 12 tháng.