Đăng ký biện pháp bảo đảm là hoạt động pháp lý diễn ra thường xuyên trong thực tiễn đời sống. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm phải tuân thủ đúng theo các trình tự thủ tục nhất định. Dưới đây là trình tự thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm mới nhất.
Mục lục bài viết
1. Một số quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm:
Đăng ký giao dịch đảm bảo là khái niệm quen thuộc trong thực tiễn đời sống. Hoạt động giao dịch này gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cũng như làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý của các giao dịch dân sự này.
– Theo quy định của pháp luật hiện hành, đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm. Tại khái niệm này, ta xét về định nghĩa của “sổ đăng ký” và “cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm”.
+ Theo đó, sổ đăng ký là Sổ địa chính hoặc Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai đối với biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam đối với biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam đối với biện pháp bảo đảm bằng tàu biển hoặc sổ khác theo quy định của pháp luật. Sổ đăng ký được xét như chứng từ pháp lý, chứng minh khả năng đảm bảo cho khoản vay của người dân. Nếu không có sổ đăng ký, yêu cầu đăng ký, thực hiện giao dịch bảo đảm của người dân không được thực hiện.
+ Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm là tập hợp các thông tin về biện pháp bảo đảm đã đăng ký được lưu giữ tại cơ quan đăng ký. Đây là hệ thống cập nhật thông tin, dữ liệu đăng ksy biện pháp bảo đảm của các cá nhân.
– Theo quy định tại Nghị định 99/2022/NĐ-CP, với các trường hợp cụ thể sau đây, người dân phải đăng ký biện pháp bảo đảm:
+ Thế chấp quyền sử dụng đất. Thế chấp quyền sử dụng đất là việc các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình sử dụng quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp, bảo đảm cho khoản vay của mình.
+ Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
+ Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay. Tàu bay là loại tài sản có giá trị lớn, vậy nên, khi tiến hành cầm cố, thế chấp loại tài sản này, người dân cần phải đảm bảo đăng ký biện pháp bảo đảm.
+ Thế chấp tàu biển cũng là một trong những trường hợp phải đăng ký biện pháp bảo đảm.
Các trường hợp nêu trên là các trường hợp bắt buộc phải được đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật. Hay nói cách khác, nếu không đăng ký biện pháp bảo đảm, các hoạt động giao dịch cầm cố, thế chấp này sẽ không được diễn ra.
– Ngoài các trường hợp phải đăng ký biện pháp bảo đảm bắt buộc, thì tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2017/NĐ-CP cũng đưa ra quy định về các trường hợp sẽ được đăng ký biện pháp bảo đảm khi có yêu cầu:
+ Thế chấp tài sản là động sản khác. Các tài sản là động sản khác (không thuộc trường hợp bắt buộc phải đăng ký), nếu người dân vẫn muốn yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm, thì cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn sẽ hỗ trợ đăng ký.
+ Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là một trong những trường hợp được đăng ký biện pháp bảo đảm khi có yêu cầu.
+ Trường hợp bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.
2. Trình tự thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm mới nhất:
Trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định với các bước sau đây:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Người dân có tài sản thế chấp cho khoản vay (thuộc trường hợp phải đăng ký giao dịch đảm bảo) sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
+ Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm
+ Hợp đồng bảo đảm
+ Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm
+ Văn bản ủy quyền nếu người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, tài liệu nêu trên, người dân sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền. Theo đó, nếu tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì giao dịch bảo đảm sẽ được đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên môi trường. Nếu tài sản bảo đảm là tàu biển thì giao dịch bảo đảm sẽ được đăng ký tại Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; nếu tài sản bảo đảm là tàu bay thì giao dịch bảo đảm sẽ được đăng ký tại Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Đối với các tài sản bảo đảm còn lại sẽ được đăng ký giao dịch tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
Phương thức nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm được nộp theo một trong các phương thức sau đây: Nộp trực tiếp; nộp qua hệ thống đăng ký trực tuyến; nộp qua đường bưu điện; qua thư điện tử trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.
– Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiếp nhận hồ sơ mà người dân nộp lên. Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ tiếp nhận và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ hoàn trả hồ sơ về để người dân chỉnh lý và bổ sung. Khi trả hồ sơ về, phải nêu rõ lý do hoàn trả hồ sơ bằng văn bản.
– Bước 3: Hoàn thiện việc đăng ký.
Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ. Đối với trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký thì việc giải quyết đăng ksy giao dịch bảo đảm cho người dân cũng không quá 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Sau khi hoàn tất việc đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ trả kết quả cho người dân.
Trên đây là quy trình, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Việc tuân thủ thực hiện đúng theo quy trình, thủ tục này giúp đảm bảo hoạt động đăng ký diễn ra một cách chuẩn chỉnh, hợp lý và hợp pháp.
3. Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm:
Theo quy định tại Nghị Định 99/2022NĐ-CP, thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm được quy định cụ thể như sau:
– Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký đối với trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển.
– Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm đối với đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác.
– Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản bổ sung hoặc nghĩa vụ bổ sung là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký thay đổi vào sổ đăng ký hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm đối với trường hợp đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm mà các bên không ký kết hợp đồng bảo đảm mới hoặc do bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm và tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm các bên không có thỏa thuận về việc bảo đảm cho các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai.
– Ngoài ra, theo quy định tại điều luật này, đối với trường hợp đăng ký chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai hoặc chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở do nhà ở hình thành trong tương lai đã được hình thành, sẽ không làm thay đổi thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị Định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm.