Khi tiếp nhận người bị bắt, cán bộ trực ban hình sự tiến hành lập biên bản giao nhận người bị bắt theo đúng mẫu quy định thống nhất. Khi lập biên bản giao nhận cần phải ghi rõ việc bàn giao đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khỏe của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận người bị bắt.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm, yêu cầu của bắt:
1.1. Khái niệm:
Bắt là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự của Nhà nước, nhằm chặn đứng hành vi phạm tội và hành vi trốn tránh pháp luật của người phạm tội, phục vụ cho công tác điều tra làm rõ tội phạm.
Bắt bọn phạm tội là vấn đề rất phức tạp và hệ trọng. Bắt đúng, bắt kịp thời có tác dụng chặn đứng mọi âm mưu và hoạt động chống đối của chúng, không để cho chúng tiếp tục phạm tội, che giấu, trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc xác định sự thật của vụ án, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra vạch trần tội phạm.
Ngược lại, bắt nhầm người vô tội sẽ gây tác hại lớn, ảnh hưởng xấu trong nhân dân, gây thiệt hại cho bản thân và gia đình họ.
Vì vậy, điều tra viên phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này trong quá trình điều tra hình sự.
1.2. Yêu cầu:
a/ Yêu cầu về Pháp luật:
Yêu cầu về pháp luật trong công tác bắt là khi quyết định bắt ai phải có đủ chứng cứ cần thiết làm căn cứ để xác định người đó phạm vào các trường hợp quy định ở các Điều 62, 63, 64 trong chương V của Bộ luật TTHS ; Tuyệt đối không được dựa vào lời khai hay tài liệu chưa xác minh làm căn cứ để bắt người.
Khi xét quyết định cũng như khi tiến hành bắt, phải tuân thủ đúng các quyền hạn, thủ tục mà pháp luật đã qui định ở các điều (61, 62, 63, 64, 65, 66, 67) ; Không được lạm dụng để bắt bừa, bắt ẩu ; Không được xâm phạm đến nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người bị bắt.
b/ Yêu cầu về nghiệp vụ:
Đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ có nghĩa là đảm bảo tuyệt đối bí mật mọi chủ trương, kế hoạch hành động chỉ khi nào cơ quan điều tra đến bắt thì đối tượng mới biết là bị bắt.
Bắt nhanh, gọn, bắt sống, bắt hết các đối tượng định bắt có nghĩa là: Việc triển khai công tác bắt phải được tiến hành khẩn trương, nhanh chóng. Không để một đối tượng nào định bắt có thể chạy trốn, tự sát hoặc chống lại, gây thiệt hại đối với cán bộ thi hành lệnh bắt.
c/ Yêu cầu về chính trị: Bắt người phải phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng địa phương, từng thời kỳ.
2. Phương pháp bắt:
2.1. Trình tự chung khi bắt người:
a/ Tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tình hình khác có liên quan để đề xuất bắt:
– Bắt phải đảm bảo làm phân rã bọn tội phạm.
– Bắt phải nâng cao được uy thế chính trị của chính quyền, nâng cao được tinh thần cảnh giác của nhân dân.
Trong công tác điều tra, vấn đề tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ là công việc thuộc giai đoạn khởi tố của hoạt động tố tụng hình sự. Đơn vị sẽ thụ lý điều tra vụ án có trách nhiệm tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ.
Việc tiếp nhận hồ sơ của cơ quan điều tra có thể do: các đơn vị công an, các đoàn thể quần chúng, cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyển đến; Quần chúng tố giác; Bản thân cơ quan điều tra phát kiện sự việc phạm tội.
Nghiên cứu những tài liệu có trong hồ sơ để xác định chứng cứ quyết định việc bắt. Nếu còn thiếu chứng cứ thì phải có kế hoạch cụ thể điều tra xác minh bổ sung, củng cố cho vững chắc.
Nghiên cứu các tình hình khác có liên quan: Tình hình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương; Tình hình hoạt động của bọn tội phạm; Dư luận, nguyện vọng chính đáng của quần chúng xung quanh vấn đề đấu tranh chống tội phạm;
Sau khi nghiên cứu vấn đề trên cán bộ được phân công thụ lý điều tra vụ án phải báo cáo với cán bộ lãnh đạo về nhận định và nêu, đề xuất việc bắt…
b/ Nghiên cứu nhân thân và chỗ ở của đối tượng.
Bắt đối tượng tại nhà hay ở nơi khác đều phải nghiên cứu nắm vững nhân thân và chỗ ở hay nơi ẩn náu của đối tượng để có chiến thuật bắt cho phù hợp.
Nghiên cứu nhân thân của đối tượng là nghiên cứu: Hoạt động chính trị qua các thời kỳ ; Quan hệ gia đình và xã hội; Nghề nghiệp; Thành phần giai cấp, địa vị xã hội ; Tiền án, tiền sự ; Đặc điểm tâm lý, cá tính ; Điều kiện, thói quen sinh hoạt, làm việc đi lại.
Nếu định bắt tại nhà, phải vẽ sơ đồ cụ thể chỗ ở của đối tượng để có kế hoạch chủ động triển khai và bố trí lực lượng. đảm bảo cho việc bắt đạt kết quả tốt.
Nếu định bắt đối tượng ở ngoài đường hay một nơi khác thì cũng trên cơ sở nắm được tình hình chỗ ở đối tượng và về bản thân đối tượng để có kế hoạch điều chuyển cho sát hợp.
c/ Vạch kế hoạch và chuẩn bị bắt.
Khi đã có quyết định bắt và nắm vững nhân thân, chỗ ở của đối tượng, cần vạch kế hoạch bắt và tích cực chuẩn bị việc bắt với nội dung sau:
Quy định hình thức, địa điểm thời gian, trường hợp bắt cho sát hợp.
Quy định thành phần và lực lượng tham gia bắt.
Phải căn cứ vào những yêu cầu bắt đối với từng đối tượng cụ thể trong từng vụ án mà quy định thành phần của lực lượng tham gia bắt cho sát hợp.
Thông thường, thành phần và lực lượng tham gia bắt gồm có: người chủ trì cuộc bắt, lực lượng trực tiếp bắt đối tượng và lập biên bản, lực lượng giám sát bao vây bố trí vòng ngoài và những người phục vụ cho cuộc bắt. Đặc biệt trong một số trường hợp còn cần phải bố trí cả y sĩ, bác sĩ để cấp cứu khi cần thiết. Có khi phải bố trí cán bộ có trình độ vũ thuật cao và sử dụng chó nghiệp vụ trong cuộc bắt.
Phải phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng người tham gia bắt.
– Chuẩn bị giấy tờ, phương tiện: Phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và phương tiện bắt như: Lệnh bắt, giấy tờ, biên bản, khóa tay hoặc dây trói, vũ khí, ô tô, đèn pin và phương tiện thông tin, y tế, camera nếu xét thấy cần thiết…
Việc chuẩn bị các giấy tờ, phương tiện cần phải căn cứ vào tình hình từng đối tượng cụ thể mà lo cho thật chu đáo. Nếu không chuẩn bị đầy đủ thì sẽ gây trở ngại trong khi bắt, thậm chí có thể xảy ra thương vong cho ta hoặc dẫn đến thất bại.
– Chuẩn bị dẫn giải:
Dẫn giải là việc làm tiếp theo sau khi bắt đối tượng. Nó có vị trí quan trọng đối với kết quả cuộc bắt và có ảnh hưởng đến quá trình điều tra tiếp đó. Bắt được đối tượng, nhưng nếu không có kế hoạch dẫn giải tốt, mà đối tượng trốn chạy, tự sát, thông cung hoặc gây thêm tội mới trên đường đi..v.v… đều có thể xảy ra rất phức tạp.
Tùy tính chất của đối tượng, tùy từng vụ án mà ta chủ trương bắt nhiều hay ít đối tượng, có bắt cùng một lúc không, tùy hoàn cảnh không gian, thời gian mà đề ra kế hoạch dẫn giải.
– Chuẩn bị nội dung và phương pháp giáo dục gia đình kẻ bị bắt và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng ở địa phương:
Khi định bắt công khai đối tượng, nói chung phải chú ý chuẩn bị giáo dục thuyết phục gia đình họ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng ở địa phương. Qua đó phát huy tinh thần đấu tranh chống tội phạm của quần chúng.
– Dự kiến cách giải quyết các tình huống bất trắc có thể xảy ra:
Bọn tội phạm luôn tìm cách đối phó cơ quan điều tra. Vì vậy, phải căn cứ vào tình hình thực tế của vụ án, của đối tượng và tình hình thực tế ở nơi bắt… mà dự kiến các tình huống bất trắc có thể xảy ra (như đối tượng chạy trốn, tự sát, hành hung cán bộ, tiêu hủy vật chứng, gia đình đối tượng gây khó khăn, quần chúng không đồng tình…) để chủ động có kế hoạch giải quyết, bảo đảm thắng lợi cho cuộc bắt trong mọi tình huống.
Kế hoạch được phê duyệt sẽ triển khai khâu chuẩn bị.
d/ Bố trí giám sát bí mật đối tượng.
Công việc này phải được tiến hành ngay sau khi quyết định bắt đến sau khi đã bắt được đối tượng. Thời gian giám sát kéo dài đến bao lâu là tùy thuộc vào yêu cầu bắt của cơ quan điều tra.
Vị trí của tổ giám sát phải là nơi có thể bao quát rộng. đảm bảo bí mật và chủ động tiến công.
Nhiệm vụ giám sát là nắm chắc mọi tình hình diễn biến tại chỗ ở của đối tượng để đảm bảo cho bắt thuận lợi và theo kịp các tình huống.
e/ Tiến hành bắt.
Khi đã làm tốt việc chuẩn bị bắt, đúng thời hạn qui định trong kế hoạch bắt, người chủ trì tập trung toàn tổ đi bắt phổ biến lại kế hoạch, nhắc nhở từng người về nhiệm vụ của mình khi đi bắt.
– Triển khai đến địa điểm bắt: Triển khai nhanh đội hình, bao vây chặt toàn bộ nơi sẽ bắt đối tượng.
– Lực lượng đi bắt và lực lượng giám sát bí mật, lực lượng bao vây hỗ trợ vòng ngoài phải phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau ; phải có ám hiệu, tín hiệu và cách liên lạc với nhau thật chu đáo.
– Kiểm tra xác định chắc chắn đúng đối tượng mới bắt.
– Giới thiệu thành phần bắt : Cán bộ điều tra, đại diện cơ quan hoặc chính quyền cơ sở, người chứng kiến…
– Đọc lệnh bắt : Khi đọc lệnh bắt phải có thái độ nghiêm chỉnh, lời nói dõng dạc, dứt khoát, rõ ràng, thể hiện rõ uy thế chính quyền và phải giải thích lệnh cho người bị bắt.
– Sau khi công bố lệnh bắt, phải khám sơ bộ người của đối tượng để soát xem có vũ khí, chất nổ, chất độc …, rồi nhanh chóng trói hoặc khóa tay đối tượng. Đối tượng thuộc loại hung hãn hoặc có thể chống trả thì phải nhanh chóng trói hoặc khóa tay đối tượng, rồi mới khám sơ bộ và đọc lệnh bắt.
Tuy vậy, không phải bất cứ đối tượng nào cũng đều trói hoặc khóa tay khi bắt, áp dụng với đối tượng mà xét thấy cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc cảm hóa giáo dục trong quá trình điều tra xét hỏi sau này hoặc xét thấy họ là người già yếu, phụ nữ không có khả năng chống cự được thì ta không cần trói hoặc khóa tay, nhưng vẫn phải có biện pháp giám sát và cảnh giác trong khi dẫn giải họ.
f/ Kết thúc bắt và những việc làm sau khi bắt.
Lập biên bản bắt: Bắt đối tượng dưới hình thức và trong trường hợp nào thì cũng phải lập biên bản theo thủ tục pháp luật.
– Dẫn giải kẻ bị bắt:
– Dẫn giải kẻ bị bắt từ nơi bắt về nơi giam giữ để xét hỏi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để cho đối tượng chạy trốn, chống cự, tự sát, thông cung hay gây thêm tội mới.
+ Trước khi xuất phát phải công bố rõ kỷ luật đi đường
+ Trong khi dẫn giải, phải chú ý quan sát kỹ thái độ của đối tượng để đề phòng những diễn biến đột xuất có thể xảy ra. Tuyệt đối không cho đối tượng tiếp xúc với bất kỳ ai trên đường dẫn giải và phải giám sát chặt đối tượng, nhất là trong lúc ăn uống, nghỉ ngơi, lúc đại tiện, tiểu tiện, vệ sinh cá nhân.
+ Nếu dẫn giải bằng đi bộ : Không mang, vác súng đi ngang hàng hoặc đi trước đối tượng, phải để đối tượng đi trước, cán bộ dẫn giải đi sau.
+ Nếu dẫn giải bằng phương tiện cơ giới : Không được để đối tượng ngồi sau lưng hoặc cạnh lái xe ; Không để đổi tượng ngồi gần cửa lên xuống hoặc gần cửa sổ. Phải để đổi tượng ngồi giữa, hai cán bộ áp giải ngồi hai bên; Không để vũ khi gần đối tượng.
Chú ý:
+ Nghiêm cấm : Dẫn giải đối tượng bằng mô tô, xe đạp có những hành động vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức khi dẫn giải.
+ Khi dẫn giải nữ thì phải có cán bộ là nữ dẫn giải.
+ Khi đối tượng chạy trốn, trước hết phải tự mình nỗ lực truy bắt đồng thời báo ngay cho công an địa phương hoặc phối hợp lực lượng vũ trang đóng nơi gần nhất truy lùng. Mặt khác, phải tìm mọi cách để báo cáo gấp tới người phụ trách cơ quan điều tra biết để xin chỉ thị.
Công tác giáo dục gia đình đối tượng, tranh thủ sự đồng tình của quần chúng và nắm tình hình sau khi bắt:
+ Với gia đình đối tượng cần làm cho họ thấy rõ trách nhiệm phải nghiêm chỉnh chấp hành lệnh bắt, thấy rõ tội của người bị bắt và yêu cầu họ động viên đối tượng thành khẩn khai báo, cải tạo. Tuyệt đối không coi họ như kẻ bị bắt.
+ Đối với nhân dân địa phương, cơ sở phải dựa vào tình hình phong trào và tình hình hoạt động của các đối tượng ở nơi đó mà có kế hoạch giải thích giáo dục cho sát hợp nhằm tranh thủ được sự đồng tình của quần chúng.
+ Phải nắm được diễn biến hoạt động và phản ứng của đồng bọn hay của bọn tội phạm khác để có kế hoạch đấu tranh tiếp, mau chóng làm tan rã chúng về tư tưởng và tổ chức.
2.2. Chiến thuật bắt cụ thể:
Các chiến thuật bắt cụ thể đều phải tuân theo trình tự bắt. Tùy theo từng yêu cầu, trường hợp bắt cụ thể mà vận dụng nội dung trình tự bắt cho phù hợp.
a/ Bắt đối tượng tại chỗ ở, nơi làm việc:
– Có thể bắt đối tượng tại chỗ ở hay tại nơi làm việc của đối tượng hoặc bắt đối tượng tại chỗ ở hay nơi làm việc của đồng bọn, bạn bè, họ hàng thân thích của đối tượng.
– Khi bắt đối tượng tại chỗ ở: phải triển khai giám sát đối tượng ngay sau khi có chủ trương bắt, nắm chắc diễn biến của đối tượng và bảo đảm khi đến bắt là có đối tượng.
– Trước khi đột nhập vào chỗ ở, phải triển khai lực lượng bao vây chặt vòng ngoài để để hỗ trợ cho lực lượng vào bắt, không để cho người trong, ra ngoài vào lúc ta đang bát đối tượng.
Khi đột nhập vào nhà, phải đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, nhanh chóng triển khai đội hình, tạo thế bao vây chặt đối tượng, không để đối tượng chạy trốn, chống cự hoặc tự sát. Tuyên bố cho đối tượng và mọi người đang có mặt trong nhà biết rõ lý do về sự có mặt của ta, yêu cầu mọi người phải ở nguyên tại chỗ, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của cán bộ điều tra và buộc đối tượng đứng im để nghe công bố lệnh bắt.
Với người nhà của đối tượng hoặc người lạ mặt đang . có mặt ở trong nhà, phải xem xét giấy tờ tùy thân và hỏi kỹ về mối quan hệ của họ, yêu cầu họ ngồi tại một nơi quy định. Nếu cần gì họ phải xin phép người chủ trì và không được nói chuyện hay làm ám hiệu với đối tượng. Nếu phát hiện trong đó có đối tượng của vụ án hay là người có liên quan đến hoạt động phạm tội của đối tượng thi cử ngay cán bộ xin chủ trương của lãnh đạo để giải quyết. Trường hợp không thể có cách nào khác để báo cáo được thì mời họ về cơ quan điều tra để giải quyết tiếp. Với người đang có mặt ở trong nhà đối tượng mà xét thấy họ không có liên quan gì đến vụ án và nếu họ ra khỏi nơi đó cũng không làm ảnh hưởng xấu đối đến cuộc điều tra thì có thể cho họ về, nhưng phải yêu cầu họ giữ bí mật.
Lúc đang bắt mà có người lạ đến nhà đối tượng thì cũng phải xem kỹ giấy tờ tùy thân. Nếu xác định là người tốt thì giải thích cho họ về, nhưng nếu phát hiện đó là đối tượng của vụ án đang có lệnh bắt thì phải bắt ngay. Với người đến nhà đối tượng mà ta đang còn nghi vấn thì phải kịp thời báo cáo xin chủ trương của lãnh đạo giải quyết.
Sau khi bắt xong, phải lập biên bản tại chỗ, theo đúng thủ tục pháp luật đã quy định.
– Nói chung, trước khi đến bắt, ta phải giám sát đối tượng để đảm bảo lúc bắt là có đối tượng ở nhà, nhưng có thể vẫn còn trường hợp xảy ra ngoài dự kiến, như khi đến bắt mà không thấy đối tượng ở nhà, hoặc gia đình đang có ma chay, cưới xin, thì phải tùy tình hình cụ thể để giải quyết.
b/ Bắt đối tượng ở ngoài đường hoặc ở một nơi khác.
Trong trường hợp cần thiết, có thể còn bố trí bắt đối tượng đang đi trên đường hoặc đang ở một nơi khác như : trên tàu xe, nhà ga, bến cảng, cửa khẩu…
Cách bắt này thường được áp dụng với các đối tượng như : những tên ám sát, phá hoại, gián điệp biệt kích… những tên côn đồ hung hãn dễ manh động và với những đối tượng xét thấy nên bắt tại nhà sẽ không có lợi về chính trị.
Việc bắt đối tượng ở những nơi này phải tiến hành hết sức bất ngờ, nhanh gọn, bí mật. Muốn vậy, phải làm tốt công tác điều tra nắm vững tình hình đối tượng. Có thể lợi dụng ngay qui luật làm ăn, sinh hoạt, đi lại của đối tượng mà bố trí bắt cho sát, hoặc có kế hoạch điều chuyển đối tượng một cách hợp lý để bát.v.v…
Phải có đủ lực lượng, theo dõi chặt chẽ cho tới khi đối tượng đến địa điểm mà ta bố trí bắt, nhanh chóng triển khai đội hình, bao vây chặt, rồi công bố lệnh bắt, không để cho đối tượng chạy trốn, tự sát chống cự hoặc tưởng là bị bắt cóc, tống tiền mà kêu cứu. Tiếp đó khám sơ bộ để tước vũ khí, chất độc, chất nổ, trói hoặc khóa tay đối tượng rồi đưa ngày về nơi đã định để đọc lệnh và lập biên bản theo thủ tục pháp luật.
Trường hợp cần thiết phải sử dụng nhiều lực lượng tham gia bắt thì những người đó đều phải biết mặt đối tượng.
Không nên chọn địa điểm bắt đối tượng ở những nơi dễ gây rung động không cần thiết, gây ảnh hưởng chính trị xấu (như ở địa bàn phức tạp về chính trị, vùng tôn giáo, dân tộc mà phong trào quần chúng còn yếu kém), hay ở những nơi dễ gây sơ hở mà đối tượng chạy trốn, tự sát, chống cự (như ở nơi rừng núi hiểm trở, trên sông ngòi, nơi đầu mối giao thông phức tạp, chợ hoặc nơi tập trung đông người…).
3. Trình tự giải quyết việc bắt giữ người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã:
Trong các trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thường do công dân hoặc lực lượng bảo vệ cơ quan doanh nghiệp bắt đưa đến trụ sở trực ban hình sự của các cấp công an để tiếp tục giải quyết. Vì vậy cán bộ làm công tác trực ban hình sự phải tiến hành những công việc sau đây:
3.1. Khám xét sơ bộ người bị bắt giữ:
Tiến hành khám xét sơ bộ người bị bắt để tước vũ khí, chất độc hoặc thu giữ các vật chứng dễ tìm khác. Khi phát hiện tài liệu, vật chứng phải tiến hành lập biên bản đúng thủ tục pháp luật.
3.2. Lấy lời khai của người bắt giữ:
Nội dung cần hỏi là:
– Họ, tên, tuổi, địa chỉ.
– Tiền án, tiền sự.
– Lý do và hoàn cảnh bị bắt.
– Yêu cầu họ xác nhận lời khai của người bị bắt giữ họ.
Nếu vụ phạm tội quả tang xảy ra có nhiều người cùng biết và cùng người bắt giữ dẫn kẻ bị bắt giữ đến thì phải tiến hành lấy lời khai của nhân chứng, yêu cầu họ trình bày lại sự việc mà chính họ đã trông thấy.
3.3. Lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang hoặc biên bản bắt người đang bị truy nã:
Khi làm các việc trên thì tiến hành lập biên bản theo đúng mẫu qui định thống nhất và đúng thủ tục tố tụng hình sự. Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản. Nội dung sự việc xảy ra : Những vật chứng đồ vật bị tạm giữ ; lời khai của người bị hại, người làm chứng và người bị bắt. Nếu người bị bắt khiếu nại thì những khiếu nại của họ cũng phải được thể hiện vào biên bản. Trường hợp người bị hại bị tội phạm xâm hại về tính mạng sức khỏe… Có thể sơ bộ xem xét dấu vết thương tích trên thân thể họ, cần thiết đưa họ đi cấp cứu giám định thương tích. Các nội dung này cũng phải được phản ánh vào biên bản.
Sau khi đã làm xong các việc trên thì phải có sự phân tích, đánh giá, tổng hợp tình hình, rút ra nhận xét đề xuất với lãnh đạo xin chủ trương.
Báo cáo lãnh đạo xin chủ trương :
Trình bày lại sự việc phạm tội theo lời khai của các bên hữu quan.
Nêu nhận xét và đề xuất biện pháp giải quyết: Tạm giữ hoặc trả lại tự do cho người bị bắt giữ.
Làm các thủ tục tiếp theo :
Sau khi lãnh đạo cho chủ trương cụ thể thì phải làm các việc sau đây:
– Đối với người bắt giữ và nhân chứng:
+ Tuyên bố kết quả cho họ biết. Yêu cầu họ tiếp tục giúp đỡ cơ quan điều tra khi cần thiết để làm rõ sự việc.
+ Cảm ơn… và đề nghị họ phản ánh tình hình.
– Đối với người bị bắt giữ:
+ Nếu sự việc đã được xác định rõ ràng là họ không có hành vi phạm tội thì giải thích và trả lại tự do cho họ.
+ Nếu những người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả sang mà tính chất ít nghiêm trọng, sự việc phạm tội đơn giản, người bị bắt không có hành động gì cản trở điều tra thì không cần thiết phải ra lệnh tạm giữ. Tuyên bố cho họ biết khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải có mặt để giải quyết tiếp.
– Nếu xác định họ là người cần tạm giữ thì : làm thủ tục tạm giữ và tuyên bố cho họ biết là họ đã bị tạm giữ.
3.4. Bàn giao người bị bắt cho cán bộ quản lý nhà tạm giữ để đưa họ vào nhà tạm giữ:
Tiến hành khám xét người lần cuối trước khi đưa người bị bắt vào nhà tạm giữ. Việc khám xét phải làm đúng thủ tục luật định đối với trường hợp khám xét người.
Những việc cần làm ngay sau khi có quyết định tạm giữ người bị bắt:
– Đối với người bị truy nã, cơ quan điều tra cần
Cơ quan điều tra
Trường hợp cơ quan nơi người bị bắt làm việc hoặc chính quyền cơ sở nơi người bị bắt cư trú đã cử đại diện tham gia việc bắt thì chỉ cần thông báo cho gia đình người bị bắt biết.
Kiểm tra đối tượng bị bắt giữa cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra đối tượng bị bắt giữ bằng cách lập và sử dụng phiếu yêu cầu điều tra người gửi đến cơ quan quản lý hồ sơ chuyên trách. Trên cơ sở thông tin do cơ quan quản lý hồ sơ trả lời giúp cơ quan điều tra nắm bắt chính xác về nhân thân đối tượng bị bắt giữ.
Chú ý:
Khi tiếp nhận người bị bắt, cán bộ trực ban hình sự tiến hành lập biên bản giao nhận người bị bắt theo đúng mẫu quy định thống nhất. Khi lập biên bản giao nhận cần phải ghi rõ việc bàn giao đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khỏe của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận người bị bắt. Làm như vậy nhằm đảm bảo cho các tài liệu, vật đã thu được khỏi bị thất lạc và giúp cho việc xác định trách nhiệm trong những trường hợp có tra tấn, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm người bị bắt.