Khái quát về lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm? Quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm?
Đầu tư công được xem là hoạt động không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, đặc biệt, hoạt động này lại càng trở nên quan trọng hơn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong thời gian qua, tại Việt Nam, đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và cung ứng các dịch vụ công; tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Để hoạt động đầu tư công được diễn ra theo đúng định hướng, mục tiêu thì việc lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công là hoạt động cực kỳ quan trọng, vì vậy trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc thông tin pháp lý về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm, mong rằng có giá trị tham khảo hữu ích.
Cơ sở pháp lý: Luật Đầu tư công năm 2019.
1. Khái quát về lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm?
Kế hoạch đầu tư công hằng năm là một trong hai loại kế hoạch đầu tư công được phân loại dựa theo thời hạn kế hoạch bên cạnh kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khái niệm về kế hoạch đầu tư công hàng năm không được giải thích trong văn bản pháp luật về đầu tư công, mà chỉ có khái niệm về kế hoạch đầu tư công, theo đó, tại Khoản 17, Điều 4 Luật Đầu tư công đưa ra định nghĩa như sau: “Kế hoạch đầu tư công là một tập hợp các mục tiêu, định hướng, danh mục chương trình, dự án đầu tư công; cân đối nguồn vốn đầu tư công, phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện.“.
Dựa trên khái niệm về kế hoạch đầu tư công, có thể hiểu kế hoạch đầu tư công hằng năm là một tập hợp các mục tiêu, định hướng, danh mục chương trình, dự án đầu tư công; cân đối nguồn vốn đầu tư công, phương án phân bổ vốn, các giải pháp huy động nguồn lực và triển khai thực hiện trong một năm.
Mục đích của kế hoạch đầu tư công hằng năm là để “triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm và cân đối vốn đầu tư công hằng năm.” (Điểm b, Khoản 1, Điều 46 Luật Đầu tư công). Với quy định này, chủ thể có thẩm quyền có trách nhiệm phải lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công theo từng năm (dương lịch) để đáp ứng được mục đích cụ thể của kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Lập kế hoạch đầu tư công hằng năm là việc cơ quan có thẩm quyền dựa trên những căn cứ, nguyên tắc luật định để xây dựng kế hoạch đầu tư công hằng năm; còn thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm là việc cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận về kế hoạch đầu tư công hằng năm đã được lập trước đó.
2. Quy định về trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm?
Trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm được quy định tại Điều 56 Luật Đầu tư công. Nội dung được phản ánh trong quy định này chủ yếu là quy định về thời gian và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trước thời gian đó, cụ thể:
– Trước ngày 15 tháng 5 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm sau, bao gồm mục tiêu, định hướng chủ yếu và giao nhiệm vụ triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm sau.
Ngày 15 tháng 5 hằng năm được xem là mốc thời gian cố định, mà trước đó, Thủ tướng Chính phủ- cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công phải ban hành quy định mang tính định hướng, giao nhiệm vụ cụ thể cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công cho năm tiếp theo. Ví dụ: Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2021 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
– Trước ngày 15 tháng 6 hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu, yêu cầu, nội dung, thời gian, tiến độ lập kế hoạch đầu tư công năm sau.
Trên cơ sở quy định được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thời hạn mở rộng hơn 1 tháng có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan khác có liên quan về kế hoạch và các nội dung về lập kế hoạch đầu tư công cho năm sau. Vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn này khá quan trọng, quyết định đến sự hiểu biết và nắm bắt thông tin của các cơ quan khác.
– Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hướng dẫn cơ quan, đơn vị cấp dưới lập kế hoạch đầu tư công năm sau.
Giai đoạn này là lúc trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải thực hiện việc hướng dẫn cấp dưới lập kế hoạch đầu tư công hằng năm. Việc hướng dẫn phải căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và đầu tư, quy định của Luật Đầu tư công và thực tiễn tại địa phương hay lĩnh vực cụ thể.
– Trước ngày 20 tháng 7 hằng năm, các cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tổ chức lập, thẩm định, tổng hợp kế hoạch đầu tư công năm sau trong phạm vi nhiệm vụ được giao và nguồn vốn thuộc cấp mình quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công trong trường hợp này là phòng, ban có chức năng quản lý đầu tư công thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Giai đoạn này trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên, các cơ quan chuyên môn tiến hành lập, thẩm định kế hoạch đầu tư trên thực tế và phải báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp, cần lưu ý các căn cứ và nguyên tắc trong quá trình lập kế hoạch.
– Trước ngày 25 tháng 7 hằng năm, Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau.
Hội đồng nhân dân với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do đó, pháp luật cho phép và hoàn toàn hợp lý khi cơ qua này có thẩm quyền thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau. Điều này cũng nhằm đảm bảo tính quản lý và chi phối giữa các cơ quan giữa các “nhánh” khác nhau, đồng thời một lần nữa, cơ quan có thẩm quyền lại xem xét lại tính hợp lý, hợp pháp của dự kiến kế hoạch đầu tư, đảm bảo kế hoạch được đưa ra phải hiệu quả nhất.
– Trước ngày 31 tháng 7 hằng năm, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Đây là giai đoạn mà các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tổng kết và hoàn thiện về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau của các cơ quan cấp dưới, sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là Bộ chuyên môn và hướng dẫn trực tiếp có trách nhiệm tiếp nhận dự kiến kế hoạch, Bộ Tài chính có trách nhiệm tiếp nhận dự kiến kế hoạch để xem xét về khả năng tài chính được ghi nhận trong đó.
– Trước ngày 15 tháng 8 hằng năm, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến khả năng thu, chi ngân sách nhà nước và chi đầu tư phát triển vốn ngân sách nhà nước kế hoạch năm sau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ở gian đoạn này, vai trò của Bộ Tài chính là quan trọng nhất, là Bộ thực hiện các hoạt động nhằm cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để phân bổ cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương. Đây là giai đoạn quyết định để tính hiệu quả của kế hoạch đầu tư và sử dụng nguồn vốn ngân sách phù hợp với dự toán ngân sách nhà nước đã được thông qua cho năm sau.
– Trước ngày 25 tháng 8 hằng năm, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Đây là giai đoạn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được thông báo số vốn đầu tư phát triển và phân bổ cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, vì vậy, các cơ quan này phải hoàn thiện tổng thẻ dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau và sau đó gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính như phân tích ở trên.
– Trước ngày 31 tháng 8 hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch đầu tư công năm sau của quốc gia báo cáo Chính phủ.
Đây là giai đoạn cuối cùng, kết thúc quá trình lập kế hoạch đàu tư công quốc gia, tạo nên một tổng thể cố định và thống nhất, sau đó gửi cho Chính phủ để thẩm định và quyết định thông qua.
Từ quy định trên có thể thấy, hoạt động của các cơ quan là gối đầu nhau, tức là phải có hoạt động thẩm quyền của cơ quan cấp trên thì cơ quan cấp dưới mới thực hiện được, đồng thời, thời hạn thực hiện trách nhiệm của cơ quan cấp dưới mở rộng hơn so với cơ quan cấp trên.