Đề bài: Qua các văn bản đọc ở bài Gõ cửa trái tim, em đã cảm nhận được ý nghĩa của gia đình đối với tất cả chúng ta. Nhưng trong thực tế, đời sống gia đình còn nhiều vấn đề khác, cả tích cực lẫn tiêu cực, khiến chúng ta phải suy nghĩ. Sau đây, em hãy chia sẻ về một vấn đề trong đời sống gia đình khiến em quan tâm và suy nghĩ.
Mục lục bài viết
1. Cách trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình:
1.1. Trước khi nói:
a. Chuẩn bị nội dung nói
– Dựa vào chính trải nghiệm của em để chọn một đề tài phù hợp. Ví dụ:
+ Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình
+ Việc chăm sóc, lắng nghe, thấu hiểu của cha mẹ đối với con cái
+ Thái độ cư xử của con cái đối với cha mẹ
+ Những việc cần làm để gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương
+ Sự tôn trọng sở thích và mong muốn của từng người,..
– Có thể đọc lại các văn bản đã học trong bài để được gợi ý thêm về ý tưởng.
Ví dụ:
+ Hình ảnh em bé và sự chăm sóc của người thân trong “Chuyện cổ tích về loài người”
+ Tình cảm gắn bó của con đối với mẹ trong “Mây và sóng”
+ Tình yêu thương của anh chị em trong “ Bức tranh của em gái tôi”…
– Tìm thêm thông tin liên quan từ sách báo hoặc các phương tiện nghe nhìn để có được cái nhìn toàn diện hơn về đề tài muốn nói.
– Chuẩn bị tranh ảnh, bài hát,… về gia đình để minh họa cho bài nói (nếu có).
– Ghi ra giấy những ý chính cần nói và sắp xếp theo trật tự phù hợp.
Ví dụ:
+ Nêu vấn đề và các biểu hiện cụ thể của vấn đề
+ Nêu tác động của vấn đề đổi với các thành viên trong gia đình
+ Trình bày mong muốn của em và cách em đã làm để giải quyết vấn đề;…
b. Tập luyện
– Để trình bày tốt, em hãy tập luyện trước.
+ Tập luyện một mình
+ Trình bày trước bạn bè, người thân và nhờ họ nhận xét, góp ý.
– Chọn cách nói tự nhiên, gần gũi, gần với kiểu tâm tình, chia sẻ, giãi bày.
1.2. Trình bày bài nói:
– Trình bày bài nói theo các ý chính đã chuẩn bị.
+ Mở đầu, nên cho người nghe cảm nhận được điều em sắp nói là điều em đã thực sự chứng kiến, có nhiều cảm xúc và suy nghĩ.
+ Ở phần nội dung chính, cần chú ý đề không sa vào việc liệt kê bằng chứng hay kể chuyện; tập trung nêu được nội dung cốt lõi, mang tính tiêu biểu cho vấn đề.
+ Kết thúc bài nói cân nhân mạnh vào cách ứng xử thích hợp mà em đã lựa chọn.
– Trong khi nói, cần tập trung vào vấn đề mà em đã chọn. Những liên hệ với trải nghiệm của bản thân em sẽ làm cho nội dung bài nói thêm sinh động.
– Chú ý kết hợp trình bày ý kiến với việc sử dụng tranh ảnh, bài hát đề làm tăng sức hấp dẫn cho bài nói.
2. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình Mẫu 1:
Qua tác phẩm Bức tranh của em gái tôi, em cảm nhận được tình anh em sâu sắc.
Tình anh em là một tình cảm thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Những người anh chị em trong một gia đình luôn được gắn kết với nhau chặt chẽ bởi một sợi dây vô hình. Người anh, người chị có thể vừa là anh chị, vừa là bạn bè, vừa là thầy cô. Họ chăm sóc, vui chơi và dạy cho em của mình những điều tốt đẹp. Tình cảm ấy xuất phát từ chính trái tim chứ không vì một ràng buộc nào cả. Sự cao cả ấy khiến cho tình anh em trở nên vô giá.
Qua hình ảnh bé Mèo, em thấy được tình yêu và ngưỡng mộ anh trai của một cô bé mới lớn. Dù có lúc anh cáu gắt vô cớ, mặc kệ cô không quan tâm. Nhưng sau tất cả, anh vẫn là người mà cô luôn yêu quý nhất. Cũng từ người anh trai ấy, em thấy được mọi người đều có một sai lầm trong cuộc sống gia đình. Chính là mặc nhiên đón nhận tình cảm từ người thân yêu mà đối xử khắt khe, lạnh lùng với họ. Chúng ta thường tử tế với người ngoài và nóng nảy với người thân. Hiện tượng ấy thật kì lạ nhưng vẫn đang xảy ra mỗi ngày trong xã hội. Có lẽ, chính bởi vì biết rằng những người anh em của ta sẽ mãi luôn yêu quý và ở bên bao dung cho ta, nên mới có điều đó xảy ra.
Nhưng cuối cùng, như bé Mèo vẫn luôn yêu quý anh trai, và anh trai cũng nhận ra tình cảm ấy. Chúng ta cũng cần phải luôn biết trân trọng và yêu quý tình cảm gia đình.
3. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình Mẫu 2:
Gia đình là hai tiếng thiêng liêng và ấm áp. Đó là nơi nuôi dưỡng, vun vén cho hạnh phúc của mỗi người. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, mà không phải gia đình nào cũng tồn tại đúng với ý nghĩa của nó.
Những gia đình mà tôi muốn nói đến, chính là những gia đình đã và đang đè nặng áp lực tinh thần lên vai con cái của mình. Bố mẹ luôn là người yêu thương, quan tâm, hi sinh cho con của mình vô điều kiện. Bao nhiêu vất vả, khó khăn, họ đều gồng gánh, chỉ mong con cái mình được hạnh phúc, đủ đầy. Chỉ vậy thôi là đã vui lắm rồi. Tuy nhiên, tấm lòng ấy nhiều khi lại không được thể hiện đúng cách, đúng trường hợp, vô tình tạo nên khối áp lực nặng nề đè lên vai những đứa trẻ.
Nhiều bậc phụ huynh gò ép, bắt buộc con mình phải học tập thật nhiều, suốt cả ngày đến không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Những đứa trẻ ấy cả ngày ngồi bên sách vở, với những giờ học mãi chẳng kết thúc. Từ học văn hóa, đến các môn năng khiếu, thể thao… Các em cứ phải học mãi. Không chỉ thế, những phụ huynh ấy, còn tìm cách “triệt tiêu” những thứ có nguy cơ ảnh hưởng đến thành tích học tập của con em mình. Như cấm không cho đọc truyện, chơi game, không được đi chơi với bạn bè… Họ buộc con mình vào một không gian nhỏ bé, chật chội. Hơn thế nữa, các phụ huynh còn thường xuyên đè nặng thành tích lên người các con. Thành tích cao thì được thưởng, nhưng nếu có điểm thấp, không có giấy khen… thì sẽ bị mắng, bị đánh. Điều đó, khiến tâm lý các em luôn trong trạng thái bị đè nén bởi sự sợ hãi, lo lắng, áp lực.
Chúng ta đều biết rằng cha mẹ làm những điều đó đều vì yêu thương con cái. Những đứa con đau khổ, thì họ cũng mệt mỏi, buồn bã lắm chứ. Tuy nhiên, chính cái cách thức hành động sai lầm, đã khiến những người bố, người mẹ ngày càng xa rời con cái mình hơn. Vậy nên, để gắn chặt tình cảm gia đình, chúng ta cần nhiều hơn những giây phút chia sẻ, đồng điệu với nhau. Con cái tâm sự với bố mẹ những mong mỏi, nguyện vọng của mình. Bố mẹ gửi gắm đến con những kì vọng, và yêu thương. Cả hai phía sẵn sàng thấu hiểu nhau, có như thế, tình cảm gia đình mới ấm êm và thuần túy nhất.
Trên đây là một vấn đề không hề mới, nhưng vẫn đã và đang rất nhức nhối trong xã hội. Nó mang tính tiêu cực, dù xuất phát điểm lại từ thứ tình cảm tích cực. Mong sao, mọi thành viên trong gia đình sẽ luôn yêu thương, chia sẻ cho nhau, đê tô âm luôn là nơi hạnh phúc khi trở về.
4. Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình Mẫu 3:
Trong cuộc sống, gia đình có một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vậy mà chúng ta cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình.
Trước hết, có thể hiểu rằng gia đình là một cộng đồng người cùng chung sống, gắn bó với nhau bằng các mối quan hệ huyết thống, hôn nhân và tình cảm, cũng có thể là quan hệ nuôi dưỡng hay giáo dục. Và tình cảm gia đình là sự yêu thương, gắn bó của các thành viên trong gia đình. Tình cảm gia đình vô cùng thiêng liêng. Nó giống như ngọn đèn chiếu sáng tâm hồn con người giữa đêm dài tăm tối. Những người thân trong gia đình luôn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Họ yêu thương, chăm sóc và bảo vệ chúng ta giữa cuộc đời nhiều giông bão. Nhờ có tình cảm gia đình, con người được sống trong hạnh phúc, được phát triển một cách toàn diện và chắc chắn trong tương lai sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Ngược lại, những người phải sống trong một gia đình bất hạnh thường sẽ gặp lại những chấn thương về tinh thần. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần phải phải bảo vệ tình cảm gia đình.
Nhưng cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình. Điều đó phải được xuất phát từ sự cố gắng của tất cả các thành viên: từ ông bà, cha mẹ đến con cháu. Ông bà là những người lớn tuổi, giống như một tấm gương để con cháu noi theo. Còn cha mẹ là người đã ban cho chúng ta sự sống. Rồi nuôi dưỡng, dạy bảo chúng ta từ khi còn thơ bé đến lúc trưởng thành. Họ còn là điểm tựa vững chắc cho mỗi người. Dù cuộc đời có nhiều cay đắng, bão giông, nhưng khi trở về bên tình yêu những người thân sẽ luôn thấy bình yên, hạnh phúc. Cha mẹ cũng luôn bao dung cho những đứa con của mình. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái.
Ngược lại con cái cần phải có tấm lòng yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ. Điều đó đôi khi xuất phát từ những lời nói, hành động vô cùng nhỏ bé. Đôi khi chỉ là một lời chào mỗi khi đi học hay khi về nhà. Hoặc ý thức giúp đỡ cha mẹ những công việc nhỏ trong nhà: nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Hay tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng học tập chăm chỉ, rèn luyện đạo đức. Đó là “đạo hiếu” mà mỗi người cần phải ghi nhớ và thực hiện. Chỉ khi con người biết hiếu thảo với cha mẹ – những người có công ơn sinh thành dưỡng dục, thì mới biết trân trọng những người xung quanh. Hay anh chị em trong nhà cũng phải biết sống hòa thuận, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Có thể khẳng định rằng, gia đình là điểm tựa của mỗi người. Muốn xây dựng tình cảm gia đình tốt đẹp, mỗi thành viên trong gia đình cần phải cố gắng từng ngày.