Trẻ em là gì? Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em? Trẻ em phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Hiện nay, tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng tăng cao, nguyên nhân vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra chủ yếu xuất phát từ nạn bạo lực học đường; tình trạng lập băng, nhóm tụ tập sử dụng hung khí nguy hiểm để đánh nhau khi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tội cố ý gây thương tích, thậm chí giết người. Đặc biệt, nhiều thiếu niên còn sớm bị kẻ xấu lôi kéo, kích động dẫn đến rơi vào vòng lao lý khi còn quá trẻ tuổi. Sự gia tăng tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên ở mọi lĩnh vực với hành vi và thủ đoạn ngày càng xảo quyệt thật sự đáng lo ngại cho toàn xã hội.
Việc trẻ em vi phạm pháp luật liên quan chặt chẽ đến nhiều vấn đề khác nhau và nó được xem như một hệ lụy. Hệ lụy của việc gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc con cái, nhà trường chưa thực sự làm tốt việc giáo dục đạo đức làm người cho lớp trẻ, một số tổ chức có liên quan đến việc giáo dục học sinh vẫn chưa theo kịp những diễn tiến phức tạp về tâm lý nhóm trong sự biến chuyển của xã hội. Vậy đối với trường hợp trẻ em phạm tội thì có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Trẻ em là gì?
Cho đến nay, khi đề cập đến khái niệm trẻ em vẫn có nhiều ý kiến và cách gọi khác nhau, như người chưa thành niên, trẻ vị thành niên, trẻ em. Khái niệm trẻ em được hiểu theo nhiều khía cạnh. Cũng có rất nhiều khái niệm biểu thị vấn đề này.
– Về mặt sinh học, trẻ em là những con người ở giữa giai đoạn sơ sinh và tuổi dật thì. Định nhía pháp lý về một “trẻ em” nói chung biểu thị một đứa trẻ, còn được biết tới là một người chưa trường thành.
– Xét về góc độ pháp lý, khái niệm này cũng được quy ước theo nhiều cách khác nhau. Trong các văn bản pháp lý quốc tế và các chương trình của Liên hiệp quốc (LHQ), tổ chức này sử dụng đồng thời cả hai định nghĩa trẻ em và người chưa thành niên. Điều 1 Công ước quốc tế về Quyền trẻ em quy định: “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Tuy nhiên, trong Luật trẻ em Việt Nam 2016, ở Điều 1 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Có thể khẳng định rằng có sự khác biệt quy định về độ tuổi của trẻ em ở Việt Nam so với Công ước quốc tế.
Như vậy, có thể thấy rằng, khi đưa ra định nghĩa về trẻ em hay người chưa thành niên, pháp luật quốc tế không dựa vào đặc điểm tâm – sinh lý hay sự phát triển thể chất, tinh thần… mà trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc xác định độ tuổi. Theo đó, trẻ em và người chưa thành niên đều giới hạn là dưới 18 tuổi.
2. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em
Pháp luật hình sự của mỗi nước quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em theo những tiêu chí riêng. Tuy nhiên một điều rõ ràng là tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em không nằm ngoài phạm vi tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là độ tuổi được luật hình sự quy định nhằm xác định khi một người phát triển đến độ tuổi đó mới có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc loại trách nhiệm, mức hình phạt về hành vi phạm tội do mình gây ra. Theo đó, tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em là độ tuổi mà trẻ em được coi là đủ tuổi để thực hiện hành vi phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Tham khảo độ tuổi tối thiểu của trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự trong pháp luật hình sự của các nước cho thấy, có sự khác nhau rõ rệt về cách quy định mức tối thiểu về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em cũng như sự phân chia nhóm tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em được xây dựng dựa trên sự phát triển về mặt thể chất và tinh thần của con người; trình độ phát triển về nhận thức xã hội; điều kiện kinh tế – xã hội của từng quốc gia trong từng thời kỳ.
Ở Việt Nam, để quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự dựa vào các tiêu chí sau:
– Căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý, thể chất và khả năng nhận thức của lứa tuổi chưa thành niên.
– Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và chính sách, đường lối xử lý tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.
– Căn cứ trên cơ sở tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ở nước ta nói riêng. Trong đó, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của tội phạm và tính phổ biến của những loại tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện trong những thời điểm cụ thể.
– Căn cứ vào việc tham khảo các quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của các nước trên thế giới.
Ngoài ra, về căn cứ xác định tuổi: Tuổi của một người được xác định từ thời điểm người đó được sinh ra. Căn cứ vào các loại giấy tờ có giá trị pháp lý gắn với nhân thân của người đó (như giấy chứng sinh, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, các loại văn bằng,…) mà các cơ quan tư pháp xác định độ tuổi của một người. Về thời điểm tính tuổi: Ngày xác định độ tuổi của người phạm tội được tính ngay khi thực hiện hành vi phạm tội, bởi về nguyên tắc xác định năng lực của chủ thể là xác định vào thời điểm thực hiện hành vi. Vì vậy, tuổi được xác định vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tức là, hành vi phạm tội đã xảy ra vào thời điểm nào thì sẽ xác nhận độ tuổi của người phạm tội ở thời điểm đó. Trong trường hợp hành vi phạm tội kéo dài và liên tục, có nhiều hành vi được thực hiện ở các thời điểm khác nhau, khi xác định độ tuổi thực hiện hành vi phạm tội có thể gặp trường hợp có hành vi thực hiện khi chưa đủ tuổi, có hành vi thực hiện khi đã đủ tuổi. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ lấy độ tuổi ở hành vi cuối để xem xét TNHS của họ.
Theo đó, quy định pháp luật của Việt Nam về tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em được quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…”
Như vậy, trẻ em từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong
3. Trẻ em phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).”
Như vậy, trẻ em phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp sau:
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên (nhưng chưa đủ 16 tuổi) chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm các tội: Giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
– Người từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi còn phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm những tội sau: Cưỡng dâm, mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy, tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép…
– Ngoài ra, người từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với một số tội như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.