Tranh luận tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự.
Tranh luận tại phiên tòa làm một thủ tục không thể thiếu tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Việc tranh luận tại phiên tòa được quy định nhằm đảm bảo cho vị đại diện Viện kiểm sát và những người tham gia phiên tòa được phân tích, đánh giá chứng cứ của vụ án góp phần đề ra những biện pháp xử lý phù hợp nhất với pháp luật. Việc tranh luận tại phiên tòa cũng là một phương tiện hữu hiệu để người bào chữa hoặc bị cáo tiến hành phân tích lập luận, đưa ra lý lẽ hợp lý, sắc bén, có sức thuyết phục để bảo vệ bị cáo một cách hiệu quả nhất
Việc tranh luận tại phiên tòa được tiến hành như sau:
Trước hết, Kiểm sát viên trình bày lời buộc tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn. Lời luận tội của Viện kiểm sát phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa, ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp không có căn cứ để kết tội thì Kiểm sát viên phải rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội.
Sau khi kiểm sát viên trình bày lời luận tội thì người bào chưa sẽ bào chữa cho bị cáo, bị có có quyền bổ sung ý kiến bào chưa; nếu không có người bào chữa thì bị cáo tự bào chữa cho mình.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền lợi cho mình bảo vệ. Nếu không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tự trình bày ý kiến để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Tiếp theo Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến có liên quan đến vụ án.
Trong trường hợp giữa những người tham gia tranh luận có ý kiến khác nhau thì họ có quyền phản bác lại ý kiến mà mình không đồng ý. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận và phải tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan tới vụ án. Đối với ý kiến có liên quan đến vụ án chưa được Kiểm sát viên tranh luận, chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải tranh luận và đáp lại.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong quá trình tranh luận, nếu xét thấy cần xem xét thêm chứng cứ mới thì Hội đồng xét xử có quyền trở lại việc xét hỏi, xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
Sau khi những người tham gia tranh luận không còn trình bày gì thêm, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc việc tranh luận và bị cáo được nói lời sau cùng. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi.