Tranh chấp về việc di dời vị trí mồ mả. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Tự ý di chuyển mồ mả nhà người khác có vi phạm gì không?
Tranh chấp về việc di dời vị trí mồ mả. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Tự ý di chuyển mồ mả nhà người khác có vi phạm gì không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn di dời mộ của ông bà cố trên đất ruộng của tôi vào đất vườn của tôi đã có mộ ông ngoại tôi, nhưng người cậu bà con của tôi gọi ông bà cố tôi là ông bà ngoại không đồng ý cho tôi di dời. Vậy tôi có được tự ý di dời hay không? Nếu tự di dời có vi phạm gì hay không? Xin cảm ơn tư vấn của luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc trê, chuyên viên Đinh Đắc Dương (máy lẻ 116) đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Hiện nay, vấn đề di chuyển mồ mả trên đất ruộng chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Bản chất của sự việc mang tính địa phương và phong tục của từng nơi. Mộ trên đất ruộng nhà bạn được xác định là mộ có người quản lý, không phải là mộ chưa xác định được người quản lý nên bạn không thể tự ý di chuyển.
Khi bạn muốn di chuyển mộ của người thân thích với mình trên đất ruộng nhà bạn, trước hết bạn cần thỏa thuận với thân nhân, tức người thờ cúng, quản lý ngôi mộ, nếu được sự đồng ý của những người này cho việc di chuyển thì bạn có thể tới ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang có mộ để thông báo về việc di chuyển đến đúng địa điểm quy hoạch mồ mả của địa phương hoặc vị trí bạn đã định trước. Chi phí trong việc di chuyển sẽ do các bên tự thỏa thuận.
Nếu không được sự đồng ý của thân nhân của những người mất mà bạn tự ý di chuyển thì bạn phải bồi thường thiệt hại dân sự hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm dân sự đặt ra khi bạn tự ý di chuyển ngôi mộ sang một địa điểm khác mà không xin phép, không thông báo thì thân nhân của người mất có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 607 Bộ luật dân sự 2015:
"1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
>>> Luật sư tư vấn tranh chấp về việc di dời vị trí mồ mả: 1900.6568
Trách nhiệm hình sự đặt ra khi bạn có hành vi tác động như đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những vật để trong hoặc trên mồ mả…thì bạn sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự 1999, hình phạt với tội này là phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm, phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một đến năm năm:
"Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm."
Vì vậy:
– Thứ nhất, bạn không nên tự ý đào bới, di chuyển mồ mả trong trường hợp này vì có thể làm phát sinh các trách nhiệm pháp lý không đáng có đối với bạn!
– Thứ hai, bạn nên giải quyết vấn đề này bằng việc hoà giải thương lượng để tìm ra cách xử lý hài hoà nhất vì vấn đề này vừa mang ý nghĩa pháp lý lại vừa mang ý nghĩa đạo đức tâm linh.