Tranh chấp quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn. Không có đăng ký kết hôn thì ai là người có quyền trực tiếp nuôi con. Đòi quyền nuôi con, giành quyền nuôi con khi chưa đăng ký kết hôn? Giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn?
Mục lục bài viết
- 1 1. Chưa đăng ký kết hôn thì quyền nuôi con thuộc về ai?
- 2 2. Giành quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn
- 3 3. Giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn
- 4 4. Thủ tục tranh chấp quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn
- 5 5. Không có đăng ký kết hôn có đòi quyền nuôi con được không?
- 6 6. Giải quyết quyền nuôi con khi bố mẹ không đăng ký kết hôn
1. Chưa đăng ký kết hôn thì quyền nuôi con thuộc về ai?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi tên Nghiêm 23 tuổi. Tôi lập gia đình năm 2015, tháng 3 năm 2015 tôi có thai đến tháng 11 năm 2015 thì sinh non. Chồng tôi chỉ lo tiền viện phí, khi xuất viện về hàng tháng tôi phải đi tái khám cho con nhưng chồng tôi không lo. Tôi và chồng tôi chưa đăng ký kết hôn, giờ tôi không sống với chồng tôi nữa. Vậy chồng tôi có nghĩa vụ phải cấp dưỡng tiền để tôi nuôi con không? Nếu chồng tôi muốn giành quyền nuôi con với tôi thì chồng tôi có giành được không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi. Xin cám ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình chị và chồng chị chung sống như sau:
“Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con
…
Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Như vậy, quyền, nghĩa vụ giữa chồng và con chị phát sinh không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân giữa hai người. Theo đó, chồng chị sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chị theo quy định như sau:
“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Luật sư
Tuy nhiên, một điểm quan trọng cần xác định rõ ở đây là: mối quan hệ giữa chồng chị và con chị có được pháp luật thừa nhận? Điều đó phụ thuộc vào việc khai sinh cho con chị. Nếu trong Giấy khai sinh của con có tên chồng chị, chồng chị sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con đồng thời cũng có quyền giành quyền nuôi con. Tuy nhiên, con chị sinh tháng 11/2015 đến nay vẫn chưa đủ 36 tháng tuổi nên chắc chắn sẽ do chị nuôi theo quy định tại Luật hôn nhân gia định 2014 (trừ trường hợp chị không đủ điều kiện nuôi con):
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
(trường hợp của chị xử lý như sau khi ly hôn)
Nếu trong Giấy khai sinh của con chị không có tên chồng chị, nghĩa là mối quan hệ giữa chồng và con chị không được pháp luật thừa nhận. Do đó, chồng chị không có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không có quyền giành quyền nuôi con.
2. Giành quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi 29 tuổi, công việc ổn định, chưa kết hôn. Tôi có 1 con trai 17 tháng, cháu đã được làm giấy khai sinh có tên cha đẻ. Nhưng tôi không sống cùng với cha đẻ cháu.
Cha cháu đã có vợ nhưng trong thời gian chờ giải quyết ly hôn. Cha là người sống lăng nhăng, không cố định, trong thời gian có con cũng không thể hiện trách nhiệm là cha, như nuôi dưỡng hay dạy bảo. Hiện nay, tôi đang sống cùng ông bà nội cháu, còn cha cháu lại đang sống cùng với một vài người ở một vài nơi khác nhau. Tôi và cha cháu cùng làm 1 đơn vị. Cha cháu doạ rằng sẽ bắt con tôi đi.
Vậy xin cho hỏi tôi cần làm gì để cha cháu không làm được điều đó theo đúng pháp luật.
Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Chào bạn! Vấn đề của bạn tôi có thể tư vấn như sau:
Thứ nhất, bạn có thể khởi kiện ra tòa án để Tòa án tuyên không công nhận quan hệ vợ chồng của bạn của cha đứa trẻ.
Theo Điều 14
“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.
Như vậy, trường hợp của bạn là không có đăng ký kết hôn nên khi khởi kiện thì tòa án sẽ tuyên không công nhận quan hệ vợ chồng của hai bạn. Khi đó quyền nuôi con sẽ giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.
Thứ hai, về quyền nuôi con.
Trường hợp của bạn quyền nuôi con sẽ giải quyết như trường hợp bố mẹ ly hôn nên sẽ theo quy định tại Điều 81
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, trong trường hợp này, con của bạn mới 17 tháng tuổi nên bạn sẽ được ưu tiên quyền nuôi con theo quy định trên. Hơn nữa, bạn hoàn toàn giành được ưu thế nuôi con bởi bạn chứng minh được khả năng tài chính và các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn cha đứa trẻ.
3. Giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi không có đăng ký kết hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có một thắc mắc rất mong được sự giải đáp của luật sư:
Tôi và chồng tôi cưới nhau mà không có đăng ký kết hôn, do cuộc sống vợ chồng có nhiều bất đồng và tôi bị bạo hành nên tôi muốn ly hôn. Chúng tôi có một con chung hiện nay tròn 26 tháng tuổi. Cả tôi và chồng đều muốn nuôi con, cả hai đều có công việc ổn định, vậy trong trường hợp này quyền nuôi con sẽ thuộc về ai? Trình tự giải quyết thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.
Như vậy, trường hợp của bạn là không có đăng ký kết hôn nên khi khởi kiện thì tòa án sẽ tuyên không công nhận quan hệ vợ chồng của hai bạn. Khi đó quyền nuôi con sẽ giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.
Về quyền nuôi con.
Trường hợp của bạn quyền nuôi con sẽ giải quyết như trường hợp bố mẹ ly hôn nên sẽ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu mẹ đủ điều kiện và các bên không có thoả thuận khác.
Theo đó, trong trường hợp của chị, con chị 26 tháng tuổi (dưới 36 tháng tuổi) về nguyên tắc quyền nuôi con sẽ thuộc về chị, hơn nữa chị có công việc ổn định, đó là một trong những điều kiện để chị có thể nuôi dạy con tốt. Do vậy nếu khởi kiện, chị có thể dành được quyền nuôi con, nếu chị có nguyện vọng.
4. Thủ tục tranh chấp quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi, em muốn giải quyết vấn đề ly hôn nhưng không có giấy đăng ký kết hôn (không đăng ký) thì tòa án có giải quyết không? Em sống chung với chồng từ năm 2001, giờ muốn ly hôn, chia tài sản và quyền nuôi con thì gồm thủ tục gì? Em xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Đối với trường hợp của bạn, do trước đây bạn không thực hiên việc đăng ký kết hôn nên không được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp; khi có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng.
– Nếu hai vợ chồng thỏa thuận được với nhau về các vấn đề chia tài sản chung và quyền nuôi con thì vợ hoặc chồng làm hồ sơ gửi tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng đang cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết:
+ Đơn yêu cầu giải quyết chia tài sản chung và quyền nuôi con
+ Giấy khai sinh của con
+ Các giấy tờ liên quan đến tài sản chung ( Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…)
+ Chứng minh thư nhân dân của cả hai vợ chồng (Bản sao có chứng thực)
+ Sổ hộ khẩu gia đình (Bản sao có chứng thực)
– Nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được về vấn đề chia tài sản chung hoặc quyền nuôi con thì vợ hoặc chồng làm hồ sơ khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú:
+ Đơn khởi kiện.
+ Giấy khai sinh của con (Bản chính)
+ Giấy tờ liên quan đến tài sản chung (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…)
+ Chứng minh thư nhân dân của người khởi kiện (Bản sao có chứng thực)
+ Sổ hộ khẩu gia đình của người khởi kiện (Bản sao có chứng thực)
– Việc chia tài sản chung và quyền nuôi con được thực hiện như sau:
+ Về việc chia tài sản, Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.
Như vậy, tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.
+ Về quyền nuôi con, Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.
Theo đó, vợ, chồng bạn tự thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau đối với con. Nếu không thoả thuận được thì Toà án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
5. Không có đăng ký kết hôn có đòi quyền nuôi con được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Gửi luật sư, Tôi năm nay 31 tuổi, con trai tôi hiện được 22 tháng tuổi. Tôi và chồng có tổ chức đám cưới nhưng không có đăng ký kết hôn. Khi tôi mang thai được 5 tháng, chúng tôi quyết định chia tay. Nên hiện nay tình trạng của tôi là mẹ đơn thân. Khi con tôi chào đời, tôi đồng ý làm giấy xác nhận nhận con để cha bé có tên trong khai sinh và bé theo hộ cha nhưng nhập hộ khẩu theo gia đình bên mẹ. Tôi muốn hỏi nếu gia đình bên cha bé muốn giành quyền nuôi con thì sẽ như thế nào? Làm thế nào để tôi có toàn quyền nuôi con? Nếu tôi kết hôn và đem con đi nước ngoài thì có được không? Nếu cha bé không đồng ý thì sẽ như thế nào? Xin vui lòng hỗ trợ tôi. Chân thành cảm ơn ?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, quyền nuôi con
Như đã nói, hai bạn tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn nên giữa hai bạn không phát sinh quyền quan hệ vợ chồng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì :
“Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”
Như vậy, theo quy định trên thì giữa hai bạn mặc dù không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa và và chồng nhưng về quyền và nghĩa vụ giữa hai bạn đối với con cái vẫn được giải quyết theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Hiện tại con trai bạn được 22 tháng tuổi thì theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bạn sẽ có toàn quyền nuôi con ( trừ trường hợp hai bạn thỏa thuận khác). Đối với con từ 36 tháng tuổi trở lên mà có tranh chấp về quyền nuôi con thì Tòa án sẽ giao con cho bố hoặc mẹ nuôi dưỡng trên cơ sở đảm bảo quyền lợi mọi mặt của con: phát triển tốt về thể chất, tinh thần và điều kiện học tập…
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Làm thế nào để có toàn quyền nuôi con?
Bạn có thể toàn quyền nuôi con nếu chứng minh được những vấn đề sau:
Thứ nhất, điều kiện về vật chất của bạn: ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập của con…;
Thứ hai, điều kiện về tinh thần của con : thời gian bạn dành cho con, tình cảm bạn dành cho từ trước đến nay…;
Thứ ba, nguyện vọng của con( khi đủ 07 tuổi trở lên).
Thứ 2, việc đem con đi nước ngoài
Về việc bạn kết hôn và mang con đi nước ngoài là hoàn toàn có thể khi bạn giành được quyền nuôi con. Tuy nhiên thì bạn cũng lưu ý là không được ngăn cản việc cha của con trai bạn thăm nom con trai bạn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm về các vấn đề sau:
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
6. Giải quyết quyền nuôi con khi bố mẹ không đăng ký kết hôn
Tóm tắt câu hỏi:
Em và chồng em có tổ chức lễ cưới nhưng chúng em chưa đăng ký kết hôn. Hiện tại thì chúng em sắp có con. Cho em hỏi nếu chúng em không sống chung với nhau nữa thì em có được quyền nuôi con hay không? Xét về công việc thì khả năng kinh tế của anh khá hơn em. Do chưa đăng ký kết hôn nên con sẽ mang họ của mẹ phải không ạ? Xin các luật sư tư vấn giúp em, em cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
Theo thông tin của bạn thì bạn và chồng bạn chỉ mới tổ chức lễ cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn. Như vậy, hôn nhân giữa bạn và chồng bạn không được pháp luật thừa nhận, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng chưa phát sinh. Tuy nhiên, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con vẫn phát sinh theo quy định tại Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền và nghĩa vụ đối với con cái được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Nếu bạn và chồng không còn chung sống với nhau thì bạn vẫn có quyền nuôi con. Điều này được quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, trong trường hợp hai vợ chồng bạn không chung sống với nhau nữa thì cả bạn và chồng bạn vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Về việc xác định người trực tiếp nuôi con, hai bên có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; hoặc yêu cầu Tòa án có thẩm quyền quyết định giao con cho ai nuôi dựa theo nguyên tắc sau:
– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện nuôi con;
– Con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên: căn cứ vào điều kiện và khả năng chăm sóc con của bố mẹ sẽ giao con cho người có điều kiện tốt hơn nuôi. Nếu con từ tủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Bạn có nêu hiện tại các bạn sắp có con. Đối chiếu với quy định trên thì bạn sẽ có sự ưu tiên khi giành quyền nuôi con khi con bạn dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, khi giành quyền nuôi con bạn phải chứng minh được các điều kiện để nuôi con như: kinh tế, nhân thân, chỗ ở,… Ví dụ: Kinh tế: có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho con. Có nhân thân tốt, chưa từng phạm tội, không có hành vi vi phạm pháp luật, có lối sống lành mạnh,… Ngoài ra, Tòa án còn xem xét các vấn đề khác như chỗ ở, nơi học tập…
Luật sư tư vấn pháp luật về quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn:1900.6568
Về việc đăng ký khai sinh cho con: do hai bạn chưa đăng ký kết hôn do đó khi đi đăng ký khai sinh, chỉ để thông tin của người mẹ theo giấy chứng sinh, thông tin của người cha sẽ để trống. Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn việc đăng ký khai sinh cho trẻ khi chưa xác định được cha, mẹ như sau:
“Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống
….”
Theo quy định trên, khi bạn đi đăng ký khai sinh cho con và chưa xác định được cha thì thông tin của con bạn sẽ được xác định theo thông tin của mẹ. Điều này có nghĩa là họ của con bạn sẽ được xác định theo họ của bạn.