Bitcoin là gì? Bitcoin dưới góc nhìn của Bộ luật dân sự 2015? Một số loại tranh chấp bitcoin hiện nay? Tranh chấp Bitcoin (Tiền điện tử) được xử lý như thế nào?
13 năm sau ngày tiền ảo Bitcoin xuất hiện, các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng nhận ra những mặt tích cực và tiêu cực tiềm tàng của các đồng tiền ảo.Có thể nói, sự ra đời của Bitcoin đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử về hình thức thanh toán điện tử. Tuy nhiên Bitcoin Là “mảnh đất màu mỡ” thu hút sự chú ý của hacker, tội phạm rửa tiền: Chính bởi hình thức giao dịch không được kiểm soát, cho nên tiền ảo đã được nhiều nhóm đối tượng tội phạm nhắm đến và sử dụng như một phương thức giao dịch. Vậy những tranh chấp trên Bitcoin hiện nay được giải quyết như thế nào ?
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Bitcoin là gì ?
Các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có bất cứ một văn bản nào định nghĩa cũng như quy định cụ thể về đồng tiền ảo Bitcoin. Phân tích theo cách giải nghĩa ngôn ngữ, có thể hiểu Bitcoin chính là tiền ảo, một loại tiền tệ dưới dạng kỹ thuật số được phát hành dưới dạng phần mềm, một loại tiền được những người phát triển phần mềm phát hành và kiểm soát. Bitcoin được sử dụng trong một hệ thống nhất định chứ không lưu hành rộng rãi và cũng vì lý do đó mà tiền ảo rất khó để có thể kiểm soát được.
Theo khái niệm mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu đưa ra thì Bitcoin cũng được định nghĩa là một loại tiền ảo và chỉ được sử dụng trong một cộng đồng nhất định chứ không phát hành rộng rãi trên thị trường. Như vậy Bitcoin chỉ được công nhận và sử dụng trong một số giao dịch nhất định và một số đối tượng nhất định. Công nghệ Blockchain là công nghệ hiện đang được Bitcoin sử dụng để làm nền tảng cho hoạt động của mình, cụ thể công nghệ này sẽ cung cấp cho người trong cộng đồng một cuốn sổ có chứa tất cả thông tin các giao dịch có trong mạng lưới (tuy nhiên chỉ thể hiện thông tin của giao dịch mà không hề công khai thông tin của người thực hiện giao dịch đó). Khi những chủ thể tham gia cộng đồng có phát sinh những giao dịch máy tính sẽ tự xác thực những giao dịch vừa được thực hiện. Khi giao dịch được thực hiện mà hệ thống không thấy có phát sinh bất kỳ một sự gian lận nào trong việc thực hiện giao dịch thì giao dịch sẽ được thể hiện thông tin trên sổ (khi đến bước này sẽ được hiểu là quá trình chuyển tiền của các chủ thể đã thành công).
2. Bitcoin dưới góc nhìn của Bộ luật dân sự 2015 :
Bitcoin có phải là tài sản không?
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản:
– Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
– Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Bitcoin không được coi là tài sản vì:
– Bitcoin không phải là tiền
Theo Điều 16, 17
Điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước quy định về ngoại tệ, bitcoin không được xem là ngoại tệ và cũng không phải là đối tượng của ngoại hối vì bitcoin không phải đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới hiện nay.
Bitcoin không phải là đơn vị tiền của Việt Nam, cũng không phải là ngoại tệ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện tại không có định nghĩa cụ thể về khái niệm “tiền” (tiền là gì?, tiền bao gồm những đối tượng nào) theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.
– Bitcoin không phải là vật
Vật được xem là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và con người có thể chiếm hữu, kiểm soát được; ví dụ như nhà, xe, bàn ghế…Bitcoin không tồn tại dưới dạng này.
– Bitcoin không phải là giấy tờ có giá
Giấy tờ có giá phải do các chủ thể được phép phát hành. Giấy tờ có giá bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, công trái.
– Bitcoin không phải là quyền tài sản
Theo Điều 115 Bộ Luật Dân sự 2015, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Bitcoin tồn tại dưới dạng đồng tiền ảo nên không thể coi là quyền tài sản được.
3. Một số loại tranh chấp bitcoin hiện nay:
Bitcoin mặc dù chưa được pháp luật Việt Nam xem là một loại tài sản nhưng thực tế dạo gần đây những giao dịch liên quan đến bitcoin đã diễn ra rất nhiều. Thậm chí, những giao dịch, mua bán bitcoin được giao kết đến bằng hợp đồng dân sự. Thực tế các bên trong giao dịch xem bitcoin như một loại tiền (tài sản) nên trong quá trình mua bán có thể xảy ra những tranh chấp như:
- Tranh chấp về quyền sở hữu bitcoin;
- Tranh chấp về giá tiền và phương thức thanh toán để sở hữu bitcoin;
- Tranh chấp về lãi suất khi vay bitcoin;
Lưu ý: Những tranh chấp này có thể xảy ra giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân và tổ chức mở sàn giao dịch bitcoin.
Những dạng tranh chấp nêu trên nếu có phát sinh các yếu tố như: dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt bitcoin, ngang nhiên chiếm đoạt bitcoin bằng các việc sử dụng các yếu tố về công nghệ thông tin…thì có thể liên quan đến các tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự. Nếu các nhà đầu tư có căn cứ chứng minh được các cá nhân thuộc công ty kinh doanh tiền ảo đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của mình bằng hình thức hợp đồng hoặc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp theo quy định của pháp luật thì có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” cùng với yêu cầu trả lại tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp từ các bị can đã có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp chiếm đoạt bất hợp pháp tiền hoặc tài sản của mình. Tuy nhiên, cần phải lưu ý trong trường hợp giải quyết bằng pháp luật Hình sự, vì khi tham gia đầu tư tiền ảo theo các hình thức trên, người bị hại (nhà đầu tư) cũng đã lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp, hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu đó thì các các nhà đầu tư này cũng đứng trước nguy cơ là đồng phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự cùng những kẻ lạm dụng, lừa đảo đó.
4. Tranh chấp Bitcoin (Tiền điện tử) được xử lý như thế nào?
Bitcoin mặc dù chưa được pháp luật xem là một loại tài sản nhưng thực tế những giao dịch liên quan đến bitcoin đã diễn ra rất nhiều. Thậm chí, việc mua bán bitcoin được giao kết đến bằng hợp đồng dân sự.
Hiện nay, khung pháp lý về bitcoin chưa được ban hành, vì thế bitcoin không thể được coi là tài sản. Vì vậy, Toà án sẽ không thụ lý những tranh chấp liên quan đến bitcoin mà người khởi kiện yêu cầu giải quyết dưới hình thức tranh chấp tài sản.
Đối với những tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Tại Chỉ thị 10/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an…kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc thực hiện các giao dịch (bao gồm phát hành, giao dịch, môi giới) liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.
Như vậy, giao dịch có đối tượng là bitcoin được xem là trái pháp luật và không được coi là giao dịch dân sự. Từ đó, Tòa án không thể thụ lý những tranh chấp liên quan đến giao dịch dân sự mà có liên quan đến bitcoin.
Ngoài ra, nếu cá nhân, tổ chức có liên quan đến tranh chấp bitcoin mà báo ra cơ quan có thẩm quyền không những không được giải quyết mà còn có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Cụ thể:
Điểm d, khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về vi phạm quy định về hoạt động thanh toán, việc sử dụng bitcoin có thể bị xử phạt như sau:
“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Đồng thời, tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:
“ Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;”
Như vậy, tranh chấp về bitcoin hiện nay sẽ không được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền do bitcoin không phải là một loại tài sản. Vì thế việc đầu tư bitcoin có thể mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.