Nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc? Trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc?
Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xã hội là một điều không thể thiếu, để đảm bảo sự cân bằng, ổn định của đời sống. Và quản lý nhà nước về kiến trúc cũng vậy, đây là nội dung được luật định, để kiến trúc có thể ổn định, phát triển lâu dài cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý: Luật Kiến trúc năm 2019
1. Nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc
Nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc được quy định chi tiết tại Điều 36 Luật Kiến trúc năm 2019, cụ thể bao gồm các nội dung sau:
– Ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kiến trúc. (Khoản 1)
Văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kiến trúc ở đây chính là Luật Kiến trúc, các Nghị định hướng dẫn Luật Kiến trúc hoặc hướng dẫn một số vấn đề trong hoạt động kiến trúc, các văn bản hướng dẫn như thông tư, quyết định. Căn cứ vào thẩm quyền của từng cơ quan thì các văn bản này sẽ do cơ quan đó ban hành hoặc trình lên cơ quan có thẩm quyền ban hành, như văn bản Luật thì phải được trình lên Quốc hội để ban hành,…. Các văn bản quy phạm pháp luật chính là nền tảng, định hướng của hoạt động kiến trúc. Do đó, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kiến trúc này phải được thực hiện theo đúng trình tự đã quy định, đồng thời, nội dung các văn bản này phải thể hiện sự toàn diện, hợp lý và chi tiết nhất có thể.
– Xây dựng, tổ chức thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch trong hoạt động kiến trúc. (Khoản 2)
Hoạt động kiến trúc là hoạt động phát triển lâu dài, đi cùng với cuộc sống, đi cùng với quá trình phát triển đất nước. Do đó, để phát triển kiến trúc phải có những kế hoạch phát triển lâu dài, thể hiện tầm nhìn rộng trong tương lai, cũng như có định hướng phát triển phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Việc định hướng phát triển kiến trúc sẽ vạch ra con đường đi cụ thể cho kiến trúc Việt Nam, từ đó tạo thuận lợi cho kiến trúc phát triển đúng định hướng mong muốn, cũng như tốc độ phát triển khả quan hơn so với khi không có định hướng phát triển.
– Tổ chức, thống nhất quản lý kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn; quản lý hành nghề kiến trúc. (Khoản 3)
Kiến trúc là là sự hợp nhất giữa các bộ phận khác nhau, để có một sự hài hòa trong kiến trúc thì cần phải có sự tổ chức hợp lý. Đồng thời, giữa kiến trúc đô thị và kiến trúc nông thôn cũng phải có sự kết hợp hài hòa. Các cơ quan có sự quản lý thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa kiến trúc nông thôn và kiến trúc đô thị cũng như đồng nhất trong quản lý hành nghề kiến trúc.
– Cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc. (Khoản 4)
Chứng chỉ hành nghề kiến trúc và loại chứng chỉ do cơ quan nhà nước ban hành. Nội dung này thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước về kiến trúc. Nhà nước không chỉ quản lý về tổ chức kiến trúc mà còn quản lý cả về con người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc. Các cá nhân phải đạt đủ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Và những cá nhân dù đã được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc mà vi phạm, thì theo quy định pháp luật sẽ bị thu hồi chứng chỉ đã được cấp đó.
– Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc. (Khoản 5)
Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc chính là những yêu cầu về một thiết kế kiến trúc phải đáp ứng. Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chính là những tiêu chí về kỹ thuật, mà khi thiết kế kiến trúc sư phải dựa vào đó để xây dựng, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chí này thì sản phẩm thiết kế cũng như khi thi công công trình mới đảm bảo được sự an toàn cho người thi công, người sử dụng công trình cũng như bảo đảm chất lượng, mỹ quan của công trình đó.
– Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ về kiến trúc; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động kiến trúc. (Khoản 6)
Nghiên cứu khoa học là hoạt động không thể thiếu trong bất kỳ lĩnh vực nào. Sự hiểu biết của con người đối với thế giới chỉ là hữu hạn, do đó, nghiên cứu khoa học giúp con người ta hiểu sâu sắc, chi tiết hơn về thế giới cũng từ đó có thể phát triển từ “gốc rễ” của kiến trúc. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ về kiến trúc sẽ tạo ra bước nhảy mới về kiến trúc, đẩy mạnh sự phát triển của kiến trúc theo cùng sự phát triển của xã hội. Cũng như việc ứng dụng công nghệ về kiến trúc, khi công nghệ càng phát triển thì cũng đòi hỏi con người phải phát triển theo đó, do vậy, đặt ra nhu cầu cần phải nâng cao trình độ nhân lực hoạt động của kiến trúc để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của lĩnh vực kiến trúc cũng như yêu cầu của xã hội.
– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động kiến trúc (Khoản 7). Bất cứ hoạt động nào trong cuộc sống đều phải tuân theo pháp luật, và trong hoạt động kiến trúc cũng vậy. Để các chủ thể trong xã hội tuân thủ pháp luật về hoạt động kiến trúc thì cần phải để họ biết được những quy định đó như thế nào, khi đó đặt ra vấn đề cần phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động kiến trúc. Khi các chủ thể nắm rõ được pháp luật về hoạt động kiến trúc và tuân theo pháp luật đó thì sẽ giúp cho việc quản lý nhà nước về kiến trúc được thực hiện đơn giản, có hiệu quả hơn.
– Hợp tác quốc tế về kiến trúc (Khoản 8). Toàn cầu và hội nhập đã đặt ra yêu cầu về hợp tác quốc tế trong hoạt động kiến trúc. Hợp tác quốc tế trong hoạt động kiến trúc tạo ra cơ hội lớn đề kiến trúc của Việt Nam học tập từ nước ngoài, tiếp thu những tinh hoa của kiến trúc nhân loại, và đó cũng chính là cơ hội để quảng bá kiến trúc Việt Nam ra với các quốc gia khác trên thế giới.
– Xây dựng, quản lý lưu trữ hồ sơ, cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc (Khoản 9). Hoạt động quản lý thông tin này nhằm hệ thống lại các thông tin trong hoạt động kiến trúc, giúp cho việc sử dụng các thông tin này được hiệu quả cũng như an toàn.
– Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kiến trúc; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kiến trúc (Khoản 10). Bên cạnh việc tổ chức thực hiện thì pháp luật cũng quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và xử lý kịp thời các hành vi đó, duy trì sự ổn định của hoạt động kiến trúc.
Qua nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc, có thể nhận thấy nhà nước quản lý mọi mặt về hoạt động kiến trúc thông qua nhiều mặt, nội dung chi tiết của kiến trúc. Từ các yếu tố hình thành kiến trúc, đến con người trong lĩnh vực kiến trúc. Việc quản lý kiến trúc giúp cho kiến trúc được hoạt động ổn định, tạo tiền đề cho phát triển, cũng như bảo vệ kiến trúc khỏi các hành vi xâm hại.
2. Trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc
Trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc được quy định tại Điều 37 và Điều 38 Luật Kiến trúc năm 2019. Trong hệ thống các cơ quan nhà nước, thì Chính phủ là cơ quan có quyền lực cao nhất trong quản lý nhà nước về kiến trúc, thống nhất quản lý về kiến trúc trên phạm vi toàn quốc. Giúp việc cho Chính phủ trong quản lý nhà nước về kiến trúc đó chính là Bộ Xây dựng. Đây là cơ quan thực hiện hầu hết các nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay pháp luật chỉ quy định đây là cơ quan chuyên trách trong quản lý nhà nước về kiến trúc. Các trách nhiệm của Bộ Xây dựng được quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật Kiến trúc năm 2019, các quy định này đã thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan này trong hoạt động quản lý nhà nước. Bên cạnh Bộ Xây dựng thì các Bộ, cơ quan ngang bộ khác sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng để thực hiện hoạt động quản lý về kiến trúc.
Bên cạnh việc quản lý nhà nước về kiến trúc trên phạm vi toàn quốc, thì pháp luật cũng quy định về quản lý nhà nước về kiến trúc trong phạm vi của từng địa phương. Mà chủ thể có trách nhiệm quản lý ở đây chính là Ủy ban nhân dân. Từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xuống Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã đều có trách nhiệm quản lý về kiến trúc trên địa bàn của địa phương mình. Giữa các cơ quan này có sự phân chia về trách nhiệm quản lý theo chiều dọc tương ứng với từng cấp. Hiện trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp được quy định tại Điều 38 Luật Kiến trúc năm 2019.