Thực tập sinh là những người tham gia làm việc thực tế tại các công ty để học hỏi thêm kinh nghiệm về ngành nghề mà mình đã được đào tạo. Dưới đây là quy định của pháp luật về trách nhiệm pháp lý khi thực tập sinh chấm dứt hợp đồng.
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm pháp lý khi thực tập sinh chấm dứt hợp đồng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của
– Hợp đồng lao động là sự thoả thuận của các bên, trong đó có người lao động và người sử dụng lao động về một việc làm có trả công, tiền lương và điều kiện lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên phát sinh trong quan hệ lao động;
– Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận với nhau bằng một tên gọi khác tuy nhiên vẫn có nội dung thể hiện một công việc có trả công, tiền lương, đặt dưới sự quản lý điều hành và giám sát của bên còn lại thì vẫn sẽ được coi là hợp đồng lao động;
– Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Theo đó thì có thể nói, được ký kết hợp đồng lao động với thực tập sinh là hành vi không bị pháp luật về lao động hạn chế. Vì vậy cho nên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục ký kết hợp đồng lao động với thực tập sinh khi nhận thực tập sinh đó vào làm việc tại doanh nghiệp mình. Pháp luật hiện nay cũng đã có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý khi thực tập sinh chấm dứt hợp đồng lao động. Căn cứ theo quy định tại Điều 45 và Điều 48 của Bộ luật lao động năm 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm như sau:
– Phải thực hiện nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động, ngoại trừ các trường hợp người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau khoảng thời hạn 15 ngày được tính kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động có hành vi tự tiện bỏ việc mà không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của người sử dụng lao động trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
– Trong thời hạn 14 ngày làm việc được tính kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động. Trong những trường hợp sau đây thì sẽ được kéo dài thời hạn thanh toán, tuy nhiên sẽ không được kéo dài quá 30 ngày. Cụ thể như sau:
+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động trên thực tế;
+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu công nghệ, vì lý do kinh tế;
+ Có hành vi chia tách, hợp nhất, sáp nhập, mua bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, có hành vi chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển nhượng quyền sử dụng của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;
+ Xuất phát từ sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
– Người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm hoàn thành đầy đủ các thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đóng bảo hiểm thất nghiệp, trả lại các loại giấy tờ nếu như đã giữ của người lao động theo yêu cầu của người lao động;
– Có trách nhiệm cung cấp các loại bản sao giấy tờ tài liệu có liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu như người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động chi trả.
Như vậy có thể nói, khi chấm dứt hợp đồng lao động với thực tập sinh thì người sử dụng lao động sẽ cần phải tuân thủ đầy đủ trách nhiệm pháp lý nêu trên.
Bên cạnh đó, quyền lợi của người lao động cũng được quy định cụ thể khi chấm dứt hợp đồng lao động. Căn cứ theo quy định tại Điều 46 và Điều 47 của Bộ luật lao động năm 2019 có quy định, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi như sau:
– Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm chi trả các khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp đó với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một nửa (1/2) tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người lao động được xác định là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị trục xuất theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
+ Người lao động bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải;
+ Giấy phép lao động đã hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ của Việt Nam theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp thỏa thuận nội dung từ việc trong hợp đồng lao động và thử việc không đạt yêu cầu vật một bên yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận thử việc;
+ Đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Người lao động tự tiện bỏ việc mà không có lý do chính đáng trong khoảng thời gian từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
+ Người lao động thôi việc thuộc đối tượng được doanh nghiệp chi trả trợ cấp mất việc làm.
– Thời gian làm việc được dùng để tính trợ cấp thôi việc được xác định là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động, sau khi đã trừ đi thời gian người lao động tham gia chế độ bảo hiểm thất nghiệp, và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm;
– Tiền lương được sử dụng để tính trợ cấp thôi việc được xác định là khoản tiền lương bình quân trong 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động đó thôi việc;
– Khi người lao động thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, khi chia tách/sáp nhập/hợp nhất/mua bán/cho thuê/chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng của doanh nghiệp hợp tác xã, người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm chi trả khoản trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp 01 tháng tiền lương, tuy nhiên ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thực tập sinh có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 428 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Cụ thể như sau:
– Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại khi bên còn lại vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo cho bên còn lại biết được việc chấm dứt hợp đồng đó, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường;
– Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện, thì hợp đồng đó sẽ chấm dứt kể từ thời điểm bên còn lại nhận được thông báo. Các bên sẽ không phải tiếp tục thực hiện hợp đồng, trừ các thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Các bên đã thực hiện nghĩa vụ sẽ có quyền yêu cầu bên còn lại thanh toán phần nghĩa vụ mà mình đã thực hiện.
Theo đó thì có thể nói, thực tập sinh có quyền chấm dứt hợp đồng thực tập và không cần phải báo trước cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đó vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp thực tập sinh tự tiện dừng việc thực tập mà không thông báo thì cần phải xem xét và đọc kỹ hợp đồng thực tập, trường hợp dùng hợp đồng thực tập có gây ra hậu quả và gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì thực tập sinh sẽ phải có trách nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp có những trách nhiệm gì đối với thực tập sinh?
Căn cứ theo quy định tại Điều 93 của Luật giáo dục năm 2019 có quy định về trách nhiệm của xã hội. Theo đó, các cơ quan tổ chức và cá nhân sẽ phải có trách nhiệm như sau:
– Hỗ trợ và hợp tác với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà giáo và người học tham gia hoạt động trải nghiệm, thực tập, nghiên cứu khoa học trên thực tế;
– Tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh, lành mạnh, ngăn ngừa các hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học;
– Tạo điều kiện thuận lợi để công dân trong độ tuổi quy định của pháp luật thực hiện nghĩa vụ học tập, thực hiện hoạt động giáo dục phổ cập, hoàn thành giáo dục bắt buộc để người học được quyền vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao lành mạnh.,
– Hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục theo khả năng của mình.
Bên cạnh đó, mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ phải có trách nhiệm động viên toàn dân chăm lo và phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp với nhà trường trong vấn đề giáo dục và vận động thanh niên, thiếu niên và nhi đồng gương mẫu học tập, rèn luyện và phát triển sự nghiệp giáo dục.
Như vậy có thể nói, doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thực tập sinh có đầy đủ điều kiện để hoàn thành thực tập trên thực tế.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Giáo dục năm 2019;
– Bộ luật Lao động năm 2019.