Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi khai khống chứng từ. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai khống chứng từ chiếm đoạt tài sản.
Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi khai khống chứng từ. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai khống chứng từ chiếm đoạt tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có tình huống này xin được tư vấn anh A làm kế toán cho HTX (HTX này hoạt động theo nguồn ngân sách nhà nước). Từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 8 năm 2015 để được duyệt quyết toán B (chủ nhiệm HTX) cùng với A đã khai khống chứng từ một số hạng mục để chi tiêu cho hoạt động của htx, số tiền khai khống là hơn 100 triệu. tuy nhiên htx vẫn chưa rút hết số tiền được quyết toàn, còn hơn 100 triệu.Vậy hỏi:
1. anh A và B có bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật
2. B là chủ tài khoản bị xử lý như thế nào, có bị truy cứ TNHS không?
3. Trường hợp bị cơ quan công an điều tra và yêu cầu nộp phạt thì có đúng không/?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì A và B đã có hành vi lập hóa đơn chứng từ khống, theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định thì:
10. Hóa đơn lập khống là hóa đơn được lập nhưng nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
Hành vi này rơi vào trường hợp sử dụng bất hợp pháp hóa đơn theo quy định tại Điều 23 Thông tư 39/2014/TT-BTC như sau:
Điều 23. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn
1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
– Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
– Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
– Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy việc làm của A và B có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 9 Điều 33 Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ Nghị định 51/2010/NĐ-CP:
9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn khống.
Ngoài việc phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này còn phải hủy hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng.
Ở đây chủ thể là cả hai người đã thực hiện cùng nhau nên họ sẽ cùng phải chịu trách nhiệm như nhau hoặc có thể nặng hơn là khi hành vi bị phát hiện và bị điều tra mà thấy có dấu hiệu của việc khai khống hóa đơn chứng từ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì hành vi này còn bị quy vào hành vi tham ô, phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 278 Bộ Luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung 2009.
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”