Khái quát về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng? Trách nhiệm khi chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự?
Mối quan hệ giữa các bên trong hợp đồng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối ứng, trong đó, nghĩa vụ là điều mà người có nghĩa vụ phải thực hiện nhằm đảm bảo quyền cho bên còn lại và bên có quyền phải tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể sẽ buộc bên có quyền phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Trên cơ sở nắm bắt được cơ bản tình hình thực tiễn, dựa trên quy định của pháp luật, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích cụ thể về “Trách nhiệm khi chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự”.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng?
Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại. Theo định nghĩa này, trách nhiệm dân sự được gắn với việc có vi phạm pháp luật, tức là trách nhiệm dân sự được đặt ra nếu có sự vi phạm pháp luật dân sự.
Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng thực chất là một dạng của trách nhiệm dân sự nói chung. Nó mang những đặc điểm chung của trách nhiệm dân sự, ngoài ra còn có những đặc điểm riêng biệt không giống các hình thức trách nhiệm dân sự khác. Một trong những đặc trưng cơ bản của trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, đó là sự tồn tại của trách nhiệm dân sự trong hợp đồng luôn gắn liền với sự hiện diện của một hợp đồng cụ thể giữa hai bên giao kết (mà sau này là bên vi phạm hợp đồng và bên bị vi phạm) và hợp đồng đó phải có hiệu lực.
Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng chỉ phát sinh khi có sự vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đó. Khi xuất hiện các vi phạm hợp đồng, các bên có thể phải chịu các chế tài như buộc thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm. Mỗi loại hợp đồng chế tài đều nhằm mục đích buộc bên vi phạm hợp đồng phải thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng hoặc phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền nhất định nhằm phục hồi và đền bù quyền lợi cho bên bị vi phạm hợp đồng.
Nói tóm tại, trách nhiệm dân sự trong hợp đồng là những hậu quả bất lợi mang tính chất tài sản do pháp luật hoặc hợp đồng quy định áp dụng đối với bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nhằm bảo đảm quyền lợi của bên bị vi phạm và trật tựu, kỷ cương chung trong lĩnh vực hợp đồng.
2. Trách nhiệm khi chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự?
Trong quan hệ pháp luật, quyền của chủ thể này thường tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể khác. Như vậy, nếu nói việc phải thực hiện một nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ của một bên chủ thể, thì việc tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ lại là nghĩa vụ của chủ thể kia. Đặc biệt, trong quan hệ hợp đồng, các bên tự do giao kết dựa trên sự tin cậy, tự nguyện và bình đẳng.
Việc thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng cần phải có sự thiện chí và nổ lực của tất cả các bên. Bên có nghĩa vụ đã tận tình thực hiện nghĩa vụ cam kết, thì bên có quyền cũng phải thực hiện nghĩa vụ tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đã cam kết đó. Nếu bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ, thì có thể xem xét vấn đề miễn trách nhiệm cho bên có nghĩa vụ và công nhận trách nhiệm của bên có quyền.
Vì vậy, nếu đã coi việc chậm thực hiện nghĩa vụ là một trong các dạng của việc thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn từ phía bên có quyền, thì cũng cần đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người có quyền do đã không thực hiện đúng thời hạn nghĩa vụ của mình.
Chậm tiếp nhận việc thực hiện việc thực hiện nghĩa vụ dân sự được hiểu là “tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ muộn hơn thời hạn đã cam kết, thỏa thuận”. Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự là việc bên có quyền tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ muộn hơn thời hạn đã cam kết, thỏa thuận với bên có nghĩa vụ. Điều kiện đặt ra ở đây là bên có nghĩa vụ đã hoàn tất nghĩa vụ và
Khái niệm về chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng được luật hóa tại Khoản 1, Điều 355 Bộ luật dân sự, cụ thể: “Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó.”
Vấn đề về “chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự” được nhiều nhà khoa học quan tâm, trong đó các nhà khoa học pháp lý Nhật Bản cũng đưa ra các quan điểm. Quan điểm chính thống cho rằng, bên có quyền có thể được miễn mọi trách nhiệm về việc mình chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ nếu chứng minh được mình không có lỗi. Nói cách khác lỗi của bên có quyền là căn cứ để xác định trách nhiệm. Nếu bên có quyền có lỗi, thì chỉ phải trả chi phí cho việc thực hiện nghĩa vụ và bảo quan đối tượng của nghĩa vụ mà không phải bồi thường bất cứ thiệt hại nào khác.
Quan điểm khác lại cho rằng việc chậm thực hiện nghĩa vụ là một dạng của việc không thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, bên có quyền chậm tiếp nhận nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc không thực hiện nghĩa vụ của mình. Theo đó, người có nghĩa vụ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ gây ra và có quyền hủy bỏ hợp đồng sau khi đã thông báo đúng quy cách về yêu cầu tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ.
Các nhà lập pháp Việt nam có quan điểm tương đối giống với quan điểm thứ hai của các nhà khoa học Nhật Bản khi quy định: “Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác.” (Điều 359 Bộ luật dân sự). Khi xem xét vấn đề trách nhiệm của các bên trong việc chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ, cần lưu ý một số điểm như sau:
– Trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ có thể gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản hoặc áp dụng biện pháp cần thiết khác để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý. Trường hợp tài sản được gửi giữ thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền. (Khoản 2, Điều 355)
– Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và phải thông báo ngay cho bên có quyền, trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó. (Khoản 3, Điều 355). Bên có nghĩa vụ không phải chờ sự đồng ý của bên có quyền về việc bán tài sản của mình.
– Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ chỉ phải bồi thường thiệt hại cho bên có nghĩa vụ nếu việc chậm tiếp nhật đó làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ.
Như vậy, trách nhiệm mà bên có quyền phải gánh chịu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại- là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại.
Trong các hình thức trách nhiệm dân sự trong hợp đồng, bồi thường thiệt hại là một hình thức trách nhiệm thông dụng nhất. Do đó, cần lưu ý rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh từ một hợp đồng hợp pháp và có hiệu lực pháp luật, Khi xác định và tính toán thiệt hại để bồi thường, người tắc bồi thương thiệt hại là bồi thường toàn bộ và kịp thời, bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại thực tế mà không phụ thuộc vào giá trị của hợp đồng.
Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chậm tiếp nhận việc tiếp nhận nghĩa vụ dân sự:
– Có hành vi vi phạm hợp đồng: bản chất của việc chậm tiếp nhân việc thực hiện nghĩa vụ được llà một trong các dạng của việc thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn từ phía bên có quyền, điều này được xem là hành vi vi phạm hợp đồng đã được các bên thỏa thuận trước đó.
– Có thiệt hại xảy ra trong thực tế: Thiệt hại này thông thường là thiệt hại về vật chất, việc xác định có thiệt hại hay không, thiệt hại bao nhiêu là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vì ý nghĩa của vấn đề gánh chịu trách nhiệm là việc khắc phục hậu quả và bù đắp tổn thất về tài sản do việc vi phạm nghĩa vụ của mình gây ra.
– Có mối quan hệ nhận quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
– Có lỗi của bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Yếu tố lỗi không phải là yếu cốt lõi trong vấn đề bồi thường thiệt hại, bởi trong dân sự vấn đề thiệt hại là vấn đề được đặt lên hàng đầu.