Chủ thể có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước? Quy định của pháp luật về Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước?
Nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc của mọi công dân tuy nhiên có nhiều trường hợp do có một số sự thay đổi về cả chủ quan và khách quan tác động đến các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế này như một doanh nghiệp bất ngờ phá sản, một người đột nhiên chết và mất tích,… mà trước đó họ chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì chủ thế nào sẽ có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thay họ?
Câu hỏi này đã được pháp luật về thuế trả lời thông qua các quy định pháp luật một cách rõ ràng và cụ thể. Vậy những quy định này đã quy định như nào về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế? Tất cả sẽ được làm rõ dưới bài viết dưới đây của chúng tôi.
Luật sư
Căn cứ pháp lý: Luật quản lý thuế 2019
Mục lục bài viết
- 1 1. Chủ thể có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước:
- 2 2. Quy định của pháp luật về Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước:
- 2.1 2.1. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh:
- 2.2 2.2. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động
- 2.3 2.3. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp:
- 2.4 2.4. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự:
1. Chủ thể có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước:
Nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc mà mọi công dân đều phải thực hiện. Đây sẽ là động lực, nguồn thu lớn để gia tăng ngân sách nhà nước; với một nguồn ngân sách vững mạnh sẽ là cơ sở để hình thành và hiện đại các cơ sở hạ tầng, đổi mới khoa học – công nghệ, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân lao động hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh. Đồng thời với việc thực hiện nghĩa vụ thì người nộp thuế sẽ phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này và gánh chịu mọi hậu quả pháp lý có thể xảy ra nếu nếu vi phạm nghĩa vụ nộp thuế.
Theo khoản 1 Điều 2 các chủ thể sau có trách nhiệm nộp thuế bao gồm:
Một là, Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
Hai là, Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước;
Ba là, Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế.
2. Quy định của pháp luật về Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước:
Các quy định về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước được quy định tại Chương VII từ Điều 66 cho đến điều 69 của Luật Quản lý thuế 2019 trong đó bao gồm các trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế như:
Thứ nhất, Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh
Thứ hai, Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động
Thứ ba, Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp
Thứ tư, Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế là người đã chết, người bị
2.1. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý thuế 2019 một người muốn ra nước ngoài thì phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nếu dơi vào các trường hợp sau đây:
Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là trường hợp cá nhân là: Chủ doanh nghiệp tư nhân; thành viên của công ty hợp danh; Chủ tịch công ty TNHH một thành viên; Chủ tịch, hội đồng thành viên, giám đốc, tổng giám đốc được chỉ định là người đại điện hợp pháp của công ty TNHH hai thành viên trở lên; Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được chỉ định là đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần muốn ra nước ngoài nhưng doanh nghiệp mà mình làm đại diện theo pháp luật đang bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế nên bị hoãn xuất cảnh.
Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là trường hợp một người là công dân mang quốc tịch Việt Nam có mong muốn ra nước ngoài sinh sống, làm ăn và định cư tại nước ngoài nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước nên bị hoãn xuất cảnh.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là trường hợp một người là công dân mang quốc tịch Việt Nam những có một khoảng thời gian dài sinh sống, làm việc và định cư tại nước ngoài trở về nước rồi tiếp tục muốn ra nước ngoài định cư nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nên bị hoãn xuất cảnh
Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là trường hợp một người không có quốc tịch là công dân Việt Nam nhưng đã có một khoảng thời gian sinh sống, làm việc và thụ hưởng tài nguyên xã hội tại Việt Nam muốn trở về đất nước của mình nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam nên bị cơ quan có thẩm quyền hoãn xuất cảnh.
Tóm lại, những đối tượng trên muốn xuất cảnh trước hết phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho các cơ quan thuế thì mới có đủ điều kiện để xuất cảnh. Khi chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về nộp thuế thì không thể xuất cảnh.
2.2. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động
Theo Điều 67 một người có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động phải có trách nhiệm:
Trong trường hợp doanh nghiệp muốn tiến hành giải thể thì trước hết các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa về thuế cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế các doanh nghiệp sẽ được cấp giấy xác nhận của cơ quan quản lý thuế rằng đã hoàn thành các nghĩa vụ nộp thuế. khi đã có giấy xác nhận đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế kèm theo hồ sơ giải thể công ty nộp lên sở kế hoạch và đầu tư tại tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp và sẽ đủ điều kiện để được chấp nhận giải thể và ngược lại khi chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trước khi giải thể thì doanh nghiệp sẽ không thể tiến hành giải thể.
Trình tự và thủ tục hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp này sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Luật Phá sản.
Trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh và bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh những vẫn chưa thực hiện hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật thì người đại diện hợp pháp theo pháp luật của doanh nghiệp đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nộp thuế căn cứ vào loại hình doanh nghiệp của mình theo quy định của pháp luật. Bởi vì bản chất của doanh nghiệp là pháp nhân thương mại, một tổ chức nên không thể tự mình chịu trách nhiệm về các hoạt động của doanh nghiệp mà thay vào đó mọi hoạt động liên quan đến pháp lý sẽ do trực tiếp người đại diện theo pháp luật thực hiện.
Trong trường hợp đối tượng chấm dứt hoạt động kinh doanh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế là chủ hộ và cá nhân với lý do chủ hộ và cá nhân của hai loại mô hình kinh doanh này có nhân thân gắn liền với nhau nên mọi trách nhiệm pháp lý liên quan đến hai loại mô hình kinh doanh này sẽ do chủ hộ và cá nhân chịu trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trường hợp đối tượng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là các chi nhánh, đơn vị đã chấm dứt hoạt động mà trước đó vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì người chủ các chi nhanh, đơn vị kế thừa các khoản nợ của chi nhánh, đơn vị phụ thuộc có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
2.3. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp:
Theo Điều 68 Luật Quản lý thuế 2019 các trường hợp chia, tách, hợp nhất và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì các chủ thể sau có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế:
Trong trường hợp doanh nghiệp chuẩn bị tiến hành chia doanh nghiệp thành nhiều doanh nghiệp nhỏ mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp chia có trách nhiệm trước khi chia phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Trường hợp doanh nghiệp đã chia thành nhiều doanh nghiệp nhỏ thì các doanh nghiệp mới được thành lập từ doanh nghiệp bị chia có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trường hợp doanh nghiệp bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi tách, hợp nhất, sáp nhập; trường hợp đã bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập thì các doanh nghiệp được tách, doanh nghiệp hợp nhất, doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp này phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển đổi; trường hợp đã chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp đã chuyển đổi có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Việc tổ chức lại doanh nghiệp không làm thay đổi thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp được tổ chức lại. Trường hợp doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc các doanh nghiệp thành lập mới không nộp thuế đầy đủ theo thời hạn nộp thuế đã quy định thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
2.4. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự:
Theo Điều 69 Luật Quản lý thuế 2019 trong các trường hợp người bị chết, mất tích, bị Tòa án tuyên bố là đã chết hoặc người bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước đó thì các chủ thể sau đây sẽ có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế:
Trong trường hợp có người thừa kế tài sản của những người đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người mà họ đã nhận thừa kế trong phạm vi tài sản của người mà họ thừa kế hoặc phần tài sản mà họ đã được chia tại thời điểm nhận thừa kế;
Trong trường hợp không có người thừa kế hoặc tất cả những người thừa kế từ chối nhận di sản thừa kế thì việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Trong trường hợp đối với người bị Tòa án tuyên bố mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sẽ do người quản lý tài sản của người mất tích hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện trong phần tài sản của người đó.
Trường hợp Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì số nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã xóa theo quy định tại Điều 85 của Luật Quản lý thuế 2019 sẽ được phục hồi lại, nhưng không bị tính tiền chậm nộp cho thời gian bị tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Trên đây, là toàn bộ nội dung về những quy định pháp luật về “Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước”, hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn giúp bản trả lời những câu hỏi liên quan đến thuế mà bản thân vẫn còn chưa rõ, mọi thắc mắc bạn có thể liên hệ với Luật Dương Gia theo thông tin liên lạc phía trên chúng tôi với đội ngũ nhân viên và luật sư giàu kinh nghiệm sẽ tư vấn, giúp bạn giải đáp những thắc mắc.