Những cá nhân, tổ chức khi thực hiện hành vi xâm phạm đến các quy tắc quản lý nhà nước hoặc làm những việc trái với quy định trong các văn bản pháp luật hành chính sẽ phải gánh chịu trách nhiệm hành chính. Vậy trách nhiệm hành chính được hiểu như thế nào? Các quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến trách nhiệm hành chính ra sao?.
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm hành chính là gì?
Trách nhiệm hành chính là một dạng của trách nhiệm pháp lý được áp dụng trong hoạt động quản lý – hoạt động hành chính nhà nước theo quy định của luật hành chính. Đó là sự áp dụng những biện pháp cưỡng chế hành chính mang tính chất xử phạt hoặc khôi phục lại những quyền và lợi ích bị xâm hại được quy định trong những chế tài của quy phạm pháp luật hành chính bởi cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đối với những chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Do đó trách nhiệm hành chính thể hiện sự phản ứng tiêu cực của nhà nước đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính, kết quả là chủ thể đó phải gánh chịu những hậu quả bất lợi, bị thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần.
2. Đặc điểm của trách nhiệm hành chính:
Trách nhiệm hành chính chỉ đặt ra đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Truy cứu trách nhiệm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm là việc chủ thể có thẩm quyền áp dụng một trong các hình thức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức này.
Trách nhiệm hành chính là trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân vi phạm trước Nhà nước. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước và chỉ Nhà nước mới có quyền áp dụng chế tài đối với các chủ thể đó, do vậy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức phải gánh chịu trước Nhà nước.
Việc truy cứu trách nhiệm hành chính được thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật hành chính.
3. Độ tuổi chịu trách nhiệm hành chính:
– Trách nhiệm hành chính: Người dưới 14 tuổi
Những người dưới 14 tuổi được xếp vào nhóm không có năng lực trách nhiệm hành chính, tuy nhiên nếu nhận thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét để đưa ra hình phạt.
Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 90
Như vậy người chưa đủ 14 tuổi trong trường hợp thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa thì những chủ thể đó sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính là chịu giáo dục, quản lý tại nơi cư trú. Thời hạn áp dụng biện pháp này được quy định tại khoản 2 điều 89 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn là từ 03 tháng đến 06 tháng.
Ngoài ra, về chủ thể từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự thì các chủ thể này sẽ phải chịu biện pháp xử lý đưa vào trường giáo dưỡng. Thời hạn áp dụng biện pháp này được quy định tại Khoản 3 Điều 91 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là từ 06 tháng đến 12 tháng.
– Trách nhiệm hành chính: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là những người chưa thành niên, được xếp vào nhóm những người có năng lực trách nhiệm hành chính hạn chế. Những chủ thể này sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi khi thực hiện những hành vi có tính chất cố ý. Việc cố ý phạm lỗi được hiểu là chủ thể thực hiện hành vi vi phạm là người có năng lực điều khiển hành vi, nhận thức, nhận thấy hậu quả và mong muốn điều đó xảy ra.
Về trách nhiệm hành chính mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải gánh chịu khi cố ý thực hiện những hành vi vi phạm hành chính cũng có một số biện pháp tương tự với xử lý người vi phạm từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi như: Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Tuy nhiên biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp nào khác phù hợp hơn.
Ngoài ra với những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng xử lý những hình phạt chính được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cụ thể là biện pháp cảnh cáo. Khi xử phạt theo hình thức cảnh cáo thì các cán bộ, công chức có thẩm quyền phải lập biên bản đi kèm.
Lưu ý: Không áp dụng hình thức xử phạt tiền cho những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Việc này được quy định rõ ràng tại Khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đó là: “Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến duới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền”.
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, như vậy khi xem xét mức độ vi phạm và căn cứ vào các biện pháp xử lý, áp dụng trách nhiệm hành chính theo quy định thì các cơ quan có thẩm quyền xét xử có thể áp dụng biện pháp thay thế xử lý bao gồm: Nhắc nhở; quản lý tại gia đình.
Hai biện pháp này được quy định cụ thể tại Điều 139 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về nhắc nhở và Điều 140 luật này quy định về quản lý tại gia đình.
– Trách nhiệm hành chính: Người từ đủ 16 tuổi trở lên
Những người từ đủ 16 tuổi trở lên được xếp vào nhóm có năng lực trách nhiệm hành chính đầy đủ. Những chủ thể này sẽ phải gánh chịu trách nhiệm hành chính cho mọi hành vi vi phạm hành chính của mình mà không cần phải căn cứ vào ý chí chủ quan của người đó.
Trong nhóm đối tượng này được chia làm hai nhóm, là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Với những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính nhẹ hơn những người từ đủ 18 tuổi trở lên, cụ thể căn cứ theo Khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về nguyên tắc xử lý: “Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền không quá ½ mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên, trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.
4. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính:
4.1. Xử phạt vi phạm hành chính là gì:
Xử phạt vi phạm hành chính là hành vi của các chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính.
4.2. Đặc điểm của xử phạt vi phạm hành chính:
Xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật hành chính.
Xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hành chính.
Xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành theo những nguyên tắc, thủ tục được quy định trong các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Kết quả của hoạt động xử phạt vi phạm hành chính phải được thể hiện ở
4.3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính:
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp cưỡng chế hành chính khác áp dụng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
– Trục xuất.
Hình thức cảnh cáo, phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính. Các hình thức còn lại có thể được quy định là hình thức phạt bổ sung hoặc hình thức phạt chính.
Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra: Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đó là những biện pháp sau:
– Buộc khôi phục tình trạng ban đầu ;
– Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh…
Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 19 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012:
– Tạm giữ người;
– Áp giải người vi phạm;
– Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép chứng chỉ hành nghề;
– Khám người;
– Khám phương tiện vận tải, đồ vật;
– Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
– Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
– Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
– Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.
4.4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về những chủ thể sau:
Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Thẩm quyền của Công an nhân dân
Thẩm quyền của Bộ đội biên phòng
Thẩm quyền của Cảnh sát biển
Thẩm quyền của Hải quan
Thẩm quyền của Kiểm lâm
Thẩm quyền của cơ quan Thuế
Thẩm quyền của quản lý thị trường
Thẩm quyền của Thanh tra
Thẩm quyền của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân
Thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự
Thẩm quyền của Cục quản lý lao động ngoài nước
Thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
4.5. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Thủ tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức người có thẩm quyền đang thi nhà công vụ có quyền buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Có hai loại thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đó là: Xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản và thủ tục xử phạt theo thủ tục lập biên bản.
Thủ tục xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000đ đối với cá nhân, 500.000đ đối với tổ chức. Trường hợp này người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt tại chỗ.
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa đối với những trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản. Thủ tục này gồm các bước sau:
Một là, lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính;
Hai là, xem xét ra quyết định xử phạt;
Ba là, thi hành quyết định xử phạt.
Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính phải tuân theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Kết quả thu thập được bằng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản và chỉ được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính.
4.6. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Quyết định xử phạt vi phạm theo thủ tục đơn giản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt một bản. Neu trường hợp người chưa thành niên bị phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt phải giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức và phải nộp tiền vào kho bạc.
Quyết định xử phạt theo thủ tục lập biên bản phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Quyết định xử phạt được giao trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác nếu không có điều kiện thi hành thì phải chuyển quyết định xử phạt đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú đế, tổ chức đóng trụ sở để thi hành… (Điều 71 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
4.7. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Đối với vụ việc phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2, khoản 3 Điều 61 mà cần có thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn. Thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4.8. Thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp quyết định xử phạt hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
4.9. Thời hiệu trong xử phạt vi phạm hành chính
– Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, trừ các trường hợp sau: Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí… chứng khoán, sở hữu trí tuệ; xây dựng… là 02 năm (Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012)
– Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa. Trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khấc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản thì không thi hành quyết định phạt tiền nhưng vẫn thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định.
4.10. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện tự giác chấp hành quyết định xử phạt.
Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:
– Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
– Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
– Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
5. Áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác:
5.1. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Đối tượng áp dụng:
– Người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.
– Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những người theo quy định trên mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
5.2. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Đối tượng áp dụng:
– Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự.
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
– Người đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng đến 24 tháng.
Không áp dụng biện pháp này đối với người không có năng lực trách nhiệm hành chính; người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuối được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
5.3. Biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
Đối tượng áp dụng:
Đó là những người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ốn định.
Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc từ 06 tháng đến 24 tháng;
Không áp dụng biện pháp này đối với người không có năng lực trách nhiệm hành chính; người chưa đủ 18 tuổi; nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi; người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
5.4. Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Đối tượng áp dụng:
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.
Biện pháp này không áp dụng đối với người không có năng lực trách nhiệm hành chính; người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
6. Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
* Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020.