Trách nhiệm hành chính khi vi phạm giao thông. Xử phạt vi phạm hành chính khi có lỗi tham gia giao thông.
Trách nhiệm hành chính khi vi phạm giao thông. Xử phạt vi phạm hành chính khi có lỗi tham gia giao thông.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có xảy ra va chạm với một người đi xem máy khác trên đường và bị tai nạn giao thông. Tôi bị thương phải nhập viện, người kia không bị thương. Công an hiện đang tạm giữ hai xe máy của 2 bên và xác định đây là lỗi của tôi. Sau đó, tôi đến nhà người kia thương lượng về bồi thường thiệt hại về việc sửa chữa xe của người đó. Nhưng người đó không làm giấy bãi nại nên công an không cho lấy xe. Nếu tôi bỏ xe lại đó thì có được không và bên kia có lấy xe của họ được không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, tại nạn giao thông xảy ra được xác định là lỗi do bạn. Vì thiệt hại trong trường hợp này chỉ ở mức nhẹ, chưa đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên trước hết bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với nạn nhân và chịu xử phạt vi phạm hành chính tương ứng với hành vi vi phạm.
Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Trong trường hợp của bạn chỉ có thiệt hại về chiếc xe máy của bên kia phải sửa chữa, nên bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại các chi phí do 2 bên thỏa thuận để sửa chữa chiếc xe cho người đó.
Về xử phạt vi phạm hành chính, tùy thuộc vào hành vi vi phạm của bạn mà cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính tương ứng theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Bạn có nghĩa vụ thi hành quyết định xử phạt này.
Trường hợp bạn bỏ chiếc xe lại thì trách nhiệm nộp phạt của bạn vẫn tồn tại cho tới khi bạn hoàn thiện nghĩa vụ hành chính này.
Điều 5 Thông tư 153/2013/TT-BTC thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính quy định:
Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt.
Như vậy, nếu nộp phạt quá thời hạn thì khoản tiền phạt xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của bạn sẽ tăng lên, mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền chưa nộp.
Điều 17 Nghị định 115/2013 NĐ-CP quy định:
Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất hai lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Do đó, nếu bạn không tiến hành nộp phạt và để chiếc xe của mình lại, nếu quá thời hạn tạm giữ mà bạn không đến nhận thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất hai lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ trong thời hạn 30 ngày.
Quá 30 ngày mà bạn không đến nhận xe thì quyết định tịch thu xe máy của bạn để xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, chiếc xe sẽ được bán đấu giá để nộp các khoản chi phí cần phải nộp như: chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, phí bán đấu giá và chi phí khác phù hợp với quy định của pháp luật, số tiền còn lại được nộp vào Ngân sách nhà nước.
Do đó, trường hợp này, lỗi là do bạn, bạn nên sửa sai, khắc phục hậu quả, thực hiện nghĩa vụ nộp phạt hành chính để nhận lại xe của mình.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Trách nhiệm dân sự khi gây tai nạn giao thông
– Quy định về quảng cáo trên phương tiện giao thông
– Khi nào được nộp phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông?
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật giao thông đường bộ miễn phí