Trách nhiệm của nhà thầu đối với công trình sau thời gian bảo hành. Thực hiện bảo hành công trình xây dựng.
Trách nhiệm của nhà thầu đối với công trình sau thời gian bảo hành. Thực hiện bảo hành công trình xây dựng.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa luật sư. Tôi có câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp. Cách đây hơn 5 năm, Công ty chúng tôi trúng thầu xây dựng công trình: Cổng, hàng rào của một Bệnh viện (vốn ngân sách nhà nước). Chúng tôi đã hoàn thành và nghiệm thu ngày 26/1/2011. Tính đến nay đã gần 6 năm. Móng hàng rào được thiết kế rất cao (từ 2,5 – 3,5m) xây đá hộc trên địa hình chênh cao rất lớn (cốt sân phía trong khuôn viên cao hơn phía ngoài đường khoảng 3m). Ở đây vào mùa mưa lượng nước dồn về phía chân hàng rào là rất lớn, cách đây hơn 2 tháng, sau một trận mưa to, gió lớn thì một đoạn móng của hàng rào bị đổ sập (không gây thiệt hại khác về người và tài sản). Chủ đầu tư đã thuê Trung tâm kiểm định của Sở xây dựng kiểm tra thì có kết luận rằng:
1. Do thiết kế chưa đủ khả năng chịu áp lực ngang.
2. Do đơn vị thi công thi công chưa đạt yêu cầu (mác vữa chưa đủ thiết kế, không chèn đá dăm), kích thước hình học vẫn đạt yêu cầu thiết kế.
Chủ đầu tư đã báo cáo lên UBND tỉnh và UBND tỉnh giao Sở xây dựng tham mưu để truy xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tôi muốn xin hỏi luật sư mấy vấn đề sau: Với công trình đã thi công sau gần 6 năm thì trách nhiệm của đơn vị thi công với công trình như thế nào? (thời gian bảo hành 1 năm). Với yêu cầu của UBND tỉnh như vậy thì liệu trách nhiệm của Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, đơn vị thi công sẽ như thế nào? (chi phí xây dựng lại toàn bộ phần hàng rào theo phương án mới khoảng 2 tỷ đồng). Liệu có bị truy trách nhiệm hình sự với các tổ chức, cá nhân liên quan không? Xin chân thành cảm ơn. Xin sớm được hồi đáp!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Căn cứ Điều 36 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về thực hiện bảo hành công trình xây dựng có quy định trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầy cung ứng thiết bị, nhà thầu khảo sát xây dựng trong thời gian bảo hành và sau thời gian bảo hành như sau:
"1. Trong thời gian bảo hành công trình xây dựng, khi phát hiện hư hỏng, khiếm khuyết của công trình thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thông báo cho chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành.
2. Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành phân công việc do mình thực hiện sau khi nhận được thông báo yêu cầu bảo hành của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đối với các hư hỏng phát sinh trong thời gian bảo hành và phải chịu mọi chi phí liên quan đến thực hiện bảo hành.
3. Nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị có quyền từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng; Trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh do lỗi của nhà thầu mà nhà thầu không thực hiện bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện bảo hành. Chủ đầu tư hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định về vận hành, bảo trì công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.
4. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị.
5. Xác nhận hoàn thành việc bảo hành công trình xây dựng:
a) Khi kết thúc thời gian bảo hành, nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị lập báo cáo hoàn thành công tác bảo hành gửi chủ đầu tư. Chủ đầu tư có tránh nhiệm xác nhận hoàn thành bảo hành công trình xây dựng cho nhà thầu bằng văn bản;
b) Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tham gia xác nhận hoàn thành bảo hành công trình xây dựng cho nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị khi có yêu cầu của Chủ đầu tư.
6. Nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình và các nhà thầu khác có liên quan chịu trách nhiệm về chất lượng đối với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành."
Bạn có nêu thời gian bảo hành công trình là 1 năm và đến thời điểm hiện nay đã gần 6 năm kể từ ngày nghiệm thu công trình, tuy nhiên pháp luật có quy định nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình…chịu trách nhiệm về chất lượng đối với phần công việc do mình thực hiện kể cả thời sau thời bảo hành.
Trong kết luận của Trung tâm kiểm định thuộc Sở xây dựng thì có nêu lý do móng của hàng rào đổ sập là "Do thiết kế chưa đủ khả năng chịu áp lực ngang và Do đơn vị thi công thi công chưa đạt yêu cầu (mác vữa chưa đủ thiết kế, không chèn đá dăm), kích thước hình học vẫn đạt yêu cầu thiết kế". Như vậy, trong vụ việc này trách nhiệm sẽ thuộc về bên nhà thầu thiết kế xây dựng công trình đối với phần thiết kế và bên nhà thầu thi công đối với phần mác vữa chưa đủ thiết kế, không chèn đá dăm.
Điều 229, Bộ luật hình sự 1999 có quy định về tội vi phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật xử phạt hành vi xây dựng trái phép: 1900.6568
“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Như vậy, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm về xâu dựng mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác. Theo như bạn trình bày thì không có thiệt hại về người và tài sản do đó sẽ không đặt ra trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.
Tuy nhiên, đối với đơn vị thi công công trình sẽ bị xử phạt hành chính về vi phạm quy định về nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán công trình xây dựng đối với công trình sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Điều 18 Nghị định 121/2013/NĐ-CP như sau:
" …
7. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
b) Công trình đã nghiệm thu nhưng không đảm bảo về chất lượng theo hồ sơ thiết kế và hồ sơ hoàn thành công trình.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
…
c) Buộc khắc phục chất lượng công trình phù hợp với hồ sơ thiết kế đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều này;
d) Buộc thu hồi số tiền đã nghiệm thu và thanh toán sai đối với hành vi quy định tại Khoản 7 Điều này.”