Người hành nghề chứng khoán là ai? Điều kiện để cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán? Trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán?
Thị trường chứng khoán mặc dù là thị trường mới ở nước ta, tuy nhiên, tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán rất nhanh, ngày càng sôi động, phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường khó, cần phải có những hiểu biết nhất định thì mới có thể hiểu và hoạt động trong thị trường này được. Và các cá nhân hành nghề chứng khoán có những trách nhiệm nhất định khi thực hiện hành nghề. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giới thiệu về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán.
Luật sư
1. Người hành nghề chứng khoán là ai?
Luật Chứng khoán năm 2019 quy định như sau:
“Người hành nghề chứng khoán là người được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán và làm việc tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam), công ty đầu tư chứng khoán.” (Khoản 47 Điều 4)
Như vậy, người hành nghề chứng khoán là các cá nhân đã được cơ quan có thẩm cấp chứng chỉ hành nghề và làm việc tại các công ty thuộc lĩnh vực chứng khoán như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài, công ty đầu tư chứng khoán.
Hiện nay, chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm các loại chứng chỉ sau: chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán; Chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính; Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ. (Khoản 1 Điều 97 Luật Chứng khoán năm 2019
2. Điều kiện để cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán
Tại Khoản 2 Điều 97 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định về các điều hiện để cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán đó chính là:
“2. Chứng chỉ hành nghề chứng khoán được cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật;
b) Có trình độ từ đại học trở lên;
c) Có trình độ chuyên môn về chứng khoán;
d) Đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp. Người nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán hoặc những người đã hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài phải đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Việt Nam.”
Như vậy, cá nhân phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đồng thời không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị cấm hành nghề chứng khoán, đây là điều kiện tiên quyết để cá nhân được cấp chứng chỉ, đảm bảo khả năng nhận thức, điều khiển hành vi cũng như khả năng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó là điều kiện đó là cá nhân là người có trình độ từ đại học trở lên, và có trình độ chuyên môn về chứng khoán, điều kiện này nhằm đảm bảo về trình độ chuyên môn của cá nhân, vì lĩnh vực chứng khoán là lĩnh vực rất khó, phải có những hiểu biết nhất định về chứng khoán. Cuối cùng là điều kiện là cá nhân đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
Ngoài đảm bảo những điều kiện chung nói trên, thì các cá nhân còn phải đảm bảo các điều kiện khác đối với từng loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Các điều kiện này được quy định tại Điều 213 Nghị định 155/2020/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Đối với chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán được cấp cho cá nhân phải đáp ứng thêm điều kiện đó là có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán đó chính là họ phải có chứng chỉ những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, có chứng chỉ pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chứng chỉ phân tích và đầu tư chứng khoán, và đặc biệt là cá nhân phải có chứng chỉ môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán hoặc chứng chỉ tương đương thì mới được hành nghề môi giới chứng khoán.
Còn để được cấp chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính, thì các cá nhân phải đáp ứng các điều kiện có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán giống như các chứng chỉ yêu cầu đối với chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán, bên cạnh đó thì các cá nhân phải đã được cấp thêm các các chứng chỉ chuyên môn khác bao gồm: chứng chỉ tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán và chứng chỉ phân tích
Cá nhân đáp ứng các điều kiện để cấp Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ được là cá nhân đáp ứng được các điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính đồng thời họ có chứng chỉ chuyên môn quản lý quỹ và tài sản; và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm tại các bộ phận nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư, tài chính, kế toán trong các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực tài chính,…
3. Trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán
Luật Chứng khoán năm 2019 quy định về trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán như sau:
“Điều 98. Trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán
1. Người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được hành nghề chứng khoán với tư cách đại diện cho công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam hoặc công ty đầu tư chứng khoán.
2. Người hành nghề chứng khoán không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Đồng thời làm việc cho từ 02 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trở lên;
b) Mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi mình không làm việc, trừ trường hợp công ty chứng khoán nơi mình đang làm việc không có nghiệp vụ môi giới chứng khoán;
c) Thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán nơi mình đang làm việc.
3. Người hành nghề chứng khoán phải tham gia các khóa tập huấn về pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, hệ thống giao dịch, loại chứng khoán mới do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tổ chức.
4. Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán chịu trách nhiệm về hoạt động nghiệp vụ của người hành nghề chứng khoán.”
Như vậy, so với quy định của
Tương tự như luật cũ, thì trong Luật chứng khoán năm 2019 cũng quy định người hành nghề chứng khoán không được đồng thời làm việc cho từ 02 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trở lên. Điều này nhằm đảm bảo tính minh bạch khi thực hiện nghiệp vụ của người hành nghề chứng khoán.
Bên cạnh đó, người hành nghề chứng khoán cũng không được mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi mình không làm việc, trừ trường hợp công ty chứng khoán nơi mình đang làm việc không có nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Quy định này nhằm tránh gian lận thị trường, thao túng thị trường chứng khoán.
Và người hành nghề chứng khoán cũng không được thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của do công ty nơi mình đang làm việc ủy quyền cho họ trên cơ sở hợp đồng. Vì bản chất họ là đại diện của công ty trên cơ sở hợp đồng, nên họ có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ của mình trong phạm vi mà họ đã thỏa thuận với công ty.
Người hành nghề chứng khoán bắt buộc phải tham gia các khóa tập huấn về pháp luật về chứng khoán và các khóa học, khóa huấn luyện về thị trường chứng khoán, hệ thống giao dịch, loại chứng khoán mới do các chủ thể chuyên nghiệp, các tổ chức đầu ngành về chứng khoán như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hay Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con hoặc do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tổ chức. Hoạt động nâng cao trình độ là hoạt động không thể thiếu trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng khoán là một lĩnh vực hoạt động với nhiều sự thay đổi liên tục, luôn luôn chuyển mình, cũng như dễ có rất nhiều gian lận,… Người hành nghề chứng khoán cần không ngừng trau dồi những kiến thức về thị trường này để thực hiện nghiệp vụ của mình một cách tốt nhất.
Và các công ty mà người hành nghề chứng khoán làm việc phải chịu trách nhiệm về hoạt động hành nghề của người hành nghề chứng khoán. Vì bản thân các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán là nơi trực tiếp quản lý các cá nhân hành nghề chứng khoán, nên họ dễ dàng phát hiện ra các cá nhân hành nghề chứng khoán có hành vi sai phạm và kịp thời xử lý những sai phạm đó.
Như vậy Luật chứng khoán đã quy định tương đối cụ thể về yêu cầu người hành nghề chứng khoán cần có những trách nhiệm cơ bản khi thực hiện hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán. Vì vậy, khi tham gia hành nghề chứng khoán những cá nhân hành nghề cần tuân thủ nghiêm minh quy định của pháp luật, các cá nhân hành nghề chứng khoán phải chịu những trách nhiệm pháp lý nhất định nếu thực hiện sai những trách nhiệm của mình.