Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị? Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định của các văn bản pháp luật khác? Địa vị pháp lý của người đứng đầu?
Hiện nay, khái niệm về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được định nghĩa cụ thể trong các sách từ điển, nhưng thông qua các văn kiện của Đảng, Nhà nước và qua sách báo chính thống có thể hiểu: người đứng đầu cơ quan, đơn vị là những người có địa vị pháp lý cao nhất trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị của hệ thống chính trị; thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; và người đứng đầu có nhiệm vụ và quyền hạn cao nhất đối với những hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời phải chịu trách nhiệm chính về những hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị do chính mình quản lý, lãnh đạo. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc quy định về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định số 157/2007/NĐ-CP
– Luật Cán bộ, công chức năm 2008
1. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Theo quy định của Nghị định 04/2015/NĐ-CP thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được thể hiện trong việc thực hiện dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị và thể hiện trong việc thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.
1.1. Dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị
Mỗi một cơ quan, đơn vị đều sẽ cần có một người được bổ nhiệm, bầu cử đứng đầu lãnh đạo để đưa cơ quan, đơn vị mình đi lên. Chính vì vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần có trách nhiệm trong nội bộ cơ quan, đơn vị do mình quản lý, trách nhiệm đó được quy định tại Nghị định 04/2015/NĐ-CP như sau:
– Thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện các chế độ, chính sách đối với các cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị do mình là người đứng đầu.
– Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, hàng tháng, hàng quý và 6 tháng một lần để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần phải thực hiện trong thời gian tới của cơ quan, đơn vị thuộc sự quản lý của mình. Cuối năm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tổ chức đánh giá tổng kết hoạt động của cơ quan, đơn vị tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm đối với các cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
– Lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức thuộc sự quản lý của mình. Khi cán bộ, công chức, viên chức đăng ký được gặp và có nội dung, lý do cụ thể thì người đứng đầu phải bố trí thời gian thích hợp để gặp và trao đổi.
– Thông báo công khai để cán bộ, công chức, viên chức thuộc sự quản lý của mình biết những việc được quy định tại Điều 7 Nghị định 04/2015/NĐ-CP.
– Ban hành quy chế quản lý trang thiết bị làm việc trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý nhằm bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; sử dụng tiết kiệm kinh phí được cấp; thực hiện các quy định về công khai tài chính. Việc mua sắm thiết bị, phương tiện và các tài sản của cơ quan, đơn vị mà mình là người đứng đầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng; xử lý và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý; nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mà mình là người đứng đầu thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
– Chỉ đạo việc cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, tài liệu, cách thức tổ chức thực hiện, trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình những nội dung công việc trong cơ quan, đơn vị thuộc sự quản lý của mình theo quy định tại Điều 7, Điều 9 của Nghị định 04/2015/NĐ-CP, trừ những tài liệu mật theo quy định của pháp luật.
– Xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị do mình quản lý; kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
– Kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị do mình quản lý và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mỗi năm một lần vào cuối năm.
1.2. Dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 04/2015/NĐ-CP thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan được quy định như sau:
– Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc niêm yết công khai tại trụ sở làm việc do mình là người đứng đầu và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để công dân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là công dân, tổ chức) biết các nội dung về: bộ phận chịu trách nhiệm giải quyết công việc có liên quan; nội dung về thủ tục hành chính giải quyết công việc; mẫu đơn từ, hồ sơ cho từng loại công việc; phí, lệ phí theo quy định và nội dung về thời gian giải quyết từng loại công việc.
– Chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức; từ đó kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức thuộc sự quản lý của mình.
– Chỉ đạo việc bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý; chỉ đạo người phụ trách công tác hành chính của cơ quan, đơn vị do mình quản lý cùng đại diện Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị hàng tuần mở hòm thư góp ý, nghiên cứu và đề xuất giải quyết các ý kiến góp ý được gửi đến, báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đề ra những biện pháp hợp lý nhằm tiếp thu và giải quyết các ý kiến góp ý của công dân.
– Thông báo để công dân, tổ chức của địa phương biết và tham gia đóng góp ý kiến đối với những chương trình, dự án do cơ quan, đơn vị mình quản lý xây dựng hoặc tổ chức thực hiện có liên quan đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đó.
– Cử người có trách nhiệm tiến hành gặp và giải quyết công việc có liên quan khi công dân, tổ chức có yêu cầu theo quy định của pháp luật; những kiến nghị, phản ánh, phê bình của công dân, tổ chức phải được nghiên cứu và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, thực hiện chỉ đạo và kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức, chỉ đạo việc bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hòm thư góp ý và có trách nhiệm thông báo để công dân, tổ chức của địa phương biết và tham gia đóng góp ý kiến đối với những chương trình, dự án do cơ quan, đơn vị và có trách nhiệm cử người có trách nhiệm tiến hành gặp và giải quyết công việc có liên quan khi công dân, tổ chức có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định của các văn bản pháp luật khác
Tại Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước như sau: người đứng đầu cơ quan, đơn vị của Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc sự quản lý của mình; thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ công chức; thực hiện tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiến hành xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ công chức thuộc quyền quản lý của mình có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân; thực hiện giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn được quy định tại Điều 7 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, như sau: người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; người đứng đầu phải gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; thực hiện tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; người đứng đầu có quyết định chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó theo quy định của pháp luật…
Như vậy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước còn có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thực hiện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ công chức; thực hiện tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng; giải quyết kiến nghị của cá nhân, tổ chức hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng có trách nhiệm thực hiện tổ chức, điều hành cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao theo quy định.
3. Địa vị pháp lý của người đứng đầu
Về vị trí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật thì: Họ hoàn toàn có địa vị pháp lý, bởi họ đều được bầu cử hoặc được bổ nhiệm theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của tổ chức được Nhà nước công nhận. Hoạt động của người đứng đầu được nhân danh Nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc nhân danh cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện. Người đứng đầu và hoạt động của họ phần lớn đều chịu sự chi phối theo dạng quan hệ “thứ bậc” cấp trên, cấp dưới. Người đứng đầu có vai trò lãnh đạo, quản lý đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị mà họ là người đứng đầu quản lý.
Như vậy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vừa có nghĩa vụ, vừa có quyền hạn và vừa phải chịu trách nhiệm về công việc của mình và của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình đứng đầu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, tại Điều 10 lại mới chỉ quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu theo quy định của pháp luật. Và
Trong nền hành chính Việt Nam hiện nay, vai trò của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước có tính thống nhất, vừa là người lãnh đạo về mặt chính trị, vừa là người điều hành về mặt hành chính, và không có sự tách biệt giữa hai vai trò này. Chính vì thế, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước được coi là người thực hiện đồng thời vai trò “lãnh đạo” và vai trò “quản lý” đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, đồng thời gắn bó chặt chẽ và toàn diện với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mà mình đứng đầu.