Trách nhiệm của Đoàn thanh tra chuyên ngành. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với công chức thanh tra chuyên ngành.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi là công chức thanh tra chuyên ngành ở tỉnh Tiền Giang. Tôi có thắc mắc vài chuyện xin tư vấn dùm, chân thành cảm ơn.
1. Đoàn thanh tra chuyên ngành có thực hiện theo quy trình của cuộc thanh tra chuyên ngành không và có đuợc quyền xử phạt vi phạm hành chính không?
2. Đoàn thanh tra đột xuất chuyên ngành có thực hiện đúng theo quy trình của cuộc thanh tra chuyên ngành không? (
3. Đối với Đoàn thanh tra chuyên ngành có nhiều đối tượng thanh tra (Có khi đối tượng không rõ ràng cụ thể: các phương tiện khai thác thuỷ sản, phương tiện sử dụng điện…) thì trong quyết định thanh tra chỗ mục đối tượng thanh tra ghi: các tổ chức, cá nhân, tàu cá hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản. Ghi như vậy có sai không? (Đối tượng không cụ thể).
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
1. Đoàn thanh tra chuyên ngành có thực hiện theo quy trình của cuộc thanh tra chuyên ngành không và có đuợc quyền xử phạt vi phạm hành chính không?
– Căn cứ Điều 3 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành như sau:
“Điều 3. Nguyên tắc tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành
1. Hoạt động thanh tra chuyên ngành do Đoàn thanh tra chuyên ngành, Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện.
2. Hoạt động thanh tra chuyên ngành phải được tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.”
– Trình tự, thủ tục của hoạt động thanh tra chuyên ngành được quy định tại Thông tư 05/2014/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Theo đó, căn cứ Điều 2 Thông tư 05/2014/TT-TTCP quy định về đối tượng áp dụng như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.”
Như vậy, hoạt động thanh tra chuyên ngành của đoàn thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy trình của cuộc thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Mục II Thông tư 05/2014/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
– Căn cứ Điều 53 Luật thanh tra năm 2010 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành như sau:
“Điều 53. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành
1. Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra;
b) Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra quy định tại Điều 55 của Luật này để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
c) Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;
d) Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;
đ) Kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra;
e) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
g) Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;
h) Quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật;
i) Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
k) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra;
l) Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản;
m) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
n) Báo cáo với người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó.
2. Khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp quy định tại các điểm g, h, i, k và l khoản 1 Điều này thì Trưởng đoàn thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ ngay việc áp dụng biện pháp đó.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này, Trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.“
Căn cứ Điểm m Khoản 1 Điều 53 Luật thanh tra năm 2010, Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành có quyền lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm hành chính của đối tượng thanh tra.
>>> Luật sư
2. Đoàn thanh tra đột xuất chuyên ngành có thực hiện đúng theo quy trình của cuộc thanh tra chuyên ngành không?
– Căn cứ Điều 15 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành như sau:
“Điều 15. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất
1. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc phòng, chống tham nhũng hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh Thanh tra bộ, Giám đốc sở, Chánh Thanh tra sở.
2. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra và gửi quyết định thanh tra đột xuất để báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở thì quyết định thanh tra đột xuất được gửi để báo cáo Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở.
3. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra.”
– Đối với thanh tra đột xuất, trình tự tiến hành theo quy định của cuộc thanh tra chuyên ngành chung, tuy nhiên thời gian xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra rút ngắn hơn theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành như sau:
“Điều 18. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra
1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra. Kế hoạch tiến hành thanh tra gồm: mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra; phương pháp tiến hành thanh tra, tiến độ thực hiện, chế độ thông tin, báo cáo, phương tiện, thiết bị, kinh phí và những điều kiện vật chất cần thiết khác phục vụ hoạt động của Đoàn thanh tra; tổ chức thực hiện kế hoạch tiến hành thanh tra.
2. Trưởng đoàn thanh tra trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra.
3. Thời gian xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra do người ra quyết định thanh tra quyết định, nhưng không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Trường hợp thanh tra đột xuất thì thời gian không quá 03 ngày làm việc.”
Trong trường hợp thanh tra đột xuất thì thời gian xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra là 03 ngày làm việc.
3. Đối với Đoàn thanh tra chuyên ngành có nhiều đối tượng thanh tra (Có khi đối tượng không rõ ràng cụ thể: các phương tiện khai thác thuỷ sản, phương tiện sử dụng điện…) thì trong QĐ thanh tra chỗ mục đối tượng thanh tra ghi: các tổ chức, cá nhân, tàu cá hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản. Ghi như vậy có sai không? (Đối tượng không cụ thể)
Đối với vấn đề ra quyết định thanh tra chuyên ngành đối với đối tượng không cụ thể, pháp luật hiện hành không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Cách trình bày đối tượng thanh tra trong quyết định thanh tra phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể trong các lĩnh vực chuyên ngành.