Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là một lĩnh vực rất quan trọng đối với nước ta, bởi Việt Nam là một nước phát triển về nông nghiệp. Vậy trách nhiệm của cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm của cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật:
Điều 16 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Điều này quy định trách nhiệm của cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực bao gồm những trách nhiệm sau:
– Điều tra, phát hiện sinh vật gây hại;
– Xác định thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của sinh vật gây hại;
– Thông báo kịp thời tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;
– Tiếp nhận, xử lý thông tin và hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với những sinh vật gây hại do chủ thực vật, tổ chức, cá nhân thông báo;
– Xây dựng, duy trì hệ thống giám sát, cảnh báo sinh vật gây hại, biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
– Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;
– Tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật và người sản xuất;
– Tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước để chỉ đạo và tổ chức việc phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;
– Kiểm tra, xác minh tình hình sinh vật gây hại để đề xuất công bố dịch và công bố hết dịch hại thực vật;
– Đề xuất cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia, chính sách hỗ trợ chống dịch và khôi phục, phát triển sản xuất;
– Đánh giá, xác định thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra và đề xuất mức hỗ trợ, các biện pháp khắc phục;
– Thông tin và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;
– Hướng dẫn các biện pháp chống dịch, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả chống dịch;
– Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất công tác bảo vệ thực vật, kết quả chống dịch khi có công bố dịch hại thực vật ở các địa phương với cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp trên.
2. Hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật:
Điều 9 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 quy định hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện. Điều 3
– Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương trực thuộc ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng là tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và thực hiện tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật và quản lý về thuốc bảo vệ thực vật trên toàn quốc.
– Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các chức năng quản lý nhà nước và thực hiện tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật nội địa và thực hiện quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phải chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương.
– Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp huyện trực thuộc cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh sẽ thực hiện nhiệm vụ được giao ở trên địa bàn cấp huyện và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước ở trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật nội địa và thực hiện quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cấp huyện.
– Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương hoạt động theo các hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ và Ủy ban nhân dân các cấp về bảo vệ và kiểm dịch thực vật:
3.1. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ về bảo vệ và kiểm dịch thực vật:
– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi cả nước.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện trong quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có trách nhiệm sau đây:
+ Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Tổ chức thực hiện công tác phát hiện, dự báo, cảnh báo sinh vật gây hại thực vật;
+ Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chỉ đạo phòng, chống dịch;
+ Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch thực vật bao gồm có phân tích nguy cơ dịch hại, kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, kiểm dịch sau nhập khẩu, kiểm dịch nội địa và xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
+ Tổ chức thực hiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật bao gồm có đăng ký thuốc, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, bảo quản, quảng cáo, bao gói và ghi nhãn, sử dụng, thu hồi, tiêu hủy, thu gom và xử lý thuốc, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
+ Quy định nội dung hướng dẫn, tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tiến hành cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
+ Quản lý và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi những loại giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Tổ chức điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Thống kê về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đề xuất việc ký kết, gia nhập những điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền
– Các bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có các trách nhiệm sau đây:
+ Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố mất an toàn thực phẩm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông sản thực phẩm;
+ Bộ Công thương chủ trì phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với những thuốc bảo vệ thực vật, thực vật thuộc diện kiểm dịch thực vật; thực hiện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;
+ Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ra quyết định việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn tiêu hủy thuốc, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc là trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về bảo tồn đa dạng sinh học liên quan đến các lĩnh vực bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp hướng dẫn trong việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
+ Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các quy định điều kiện hoàn tất thủ tục hải quan, sự phối hợp của cơ quan hải quan với các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong việc thực hiện những thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát vật thể thuộc diện phải kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu, nhập khẩu; quy định các nội dung khai báo kiểm dịch thực vật trong nội dung khai báo của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;
+ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp bảo đảm quốc phòng và an ninh.
3.2. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp về bảo vệ và kiểm dịch thực vật:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:
+ Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thực hiện xây dựng và tổ chức thực hiện vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn;
+ Quyết định phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí, huy động nguồn lực của địa phương theo các quy định của pháp luật để phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;
+ Chỉ đạo, tổ chức chống dịch, thực hiện những biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch hại thực vật; thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch gây ra ở trên địa bàn; thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;
+ Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành về pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và về ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường.
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật vô chủ tại địa phương.
+ Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.
– Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:
+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao về ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của các chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và ý thức, trách nhiệm của những người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường.
+ Quy định địa điểm thu gom, tổ chức, hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
+ Phối hợp với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trên địa bàn điều tra, giám sát, quản lý dịch hại thực vật để bảo vệ sản xuất; hướng dẫn những người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; thực hiện kiểm tra, quản lý hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương.
+ Tổ chức công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chống dịch, thống kê, đánh giá các thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra; thực hiện những chính sách hỗ trợ chống dịch cho nông dân, triển khai những biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch để giảm nhẹ thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
+ Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013;
– Nghị định 116/2014/NĐ-CP về Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018.