Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi công nhân xảy ra tai nạn lao động, chủ thầu phải chịu trách nhiệm bồi thường tùy theo mức độ và từng trường hợp.
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm của chủ thầu khi công nhân tai nạn lao động:
1.1. Tai nạn lao động là gì?
Để hiểu khái niệm tai nạn lao động là gì thì ta căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Theo quy định này thì ta xác định được tai nạn lao động là tai nạn xảy ra đối với người lao động trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Đó có thể là những tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động.
1.2. Trách nhiệm của chủ thầu khi công nhân tai nạn lao động như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể xác định chủ thầu cũng được xem là người sử dụng lao động. Do đó, căn cứ Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động thì ta xác định được khi người lao động bị tai nạn lao động thì chủ thầu có những trách nhiệm cụ thể như là:
Thứ nhất, khi công nhân bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động chủ thầu có trách nhiệm phải trả đủ tiền lương cho họ
Thứ hai, đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa thì chủ thầu còn phải trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động cho công nhân bị tai nạn đó.
Thứ ba, khi xảy ra tai nạn lao động, chủ thầu phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho công nhân bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho công nhân đó. Theo quy định này, có thể hiểu rằng nếu công nhân làm việc tại công trình có tham gia bảo hiểm y tế chủ thầu phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả. Còn đối với những công nhân không tham gia bảo hiểm y tế chủ thầu phải thanh toán toàn bộ chi phí y tế.
Thứ tư, chủ thầu phải bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động đối với những trường hợp công nhân bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Đồng thời pháp luật cũng quy định rõ ràng trong trường hợp nếu công nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%thì cứ tăng 1% công nhân bị tai nạn sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương. Còn nếu công nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc công nhân bị tai nạn đó chết do tai nạn lao động thì được nhà thầu bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương.
Thứ năm, chủ thầu có trách nhiệm hỗ trợ một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định như trên khi công nhân bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra
Thứ sáu, chủ thầu có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
Thứ bảy, trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người thì chủ thầu có trách nhiệm thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với công nhân bị tai nạn lao động
Thứ tám, chủ thầu có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với công nhân bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc
Thứ chín, chủ thầu có trách nhiệm giới thiệu để công nhân bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
2. Trường hợp nào công nhân bị tai nạn lao động không được hưởng chế độ tai nạn lao động từ chủ thầu?
Tai nạn lao động là điều mà công nhân hay chủ thầu đều không ai mong muốn xảy ra. Trên thực tế mọi người thường nghĩ nếu xảy ra tai nạn lao động thì chủ thầu luôn luôn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công nhân. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không phải tất cả các trường hợp bị tai nạn lao động thì chủ thầu đều phải có trách nhiệm bồi thường.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này ta căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015. Theo quy định này thì ta có thể hiểu rằng nếu công nhân bị tai nạn mà do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động Hoặc do công nhân cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân hoặc do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật thì trong các trường hợp này công nhân sẽ không được nhận bồi thường từ chủ thầu.
Tóm lại, nếu công nhân bị tai nạn lao động xảy ra do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi tai nạn lao động xảy ra do công nhân cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân hoặc tai nạn lao động xảy ra do công nhân sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác thì công nhân sẽ không được hưởng chế độ tai nạn từ chủ thầu.
3. Quy định về trách nhiệm của người lao động, chủ thầu trong việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường:
3.1. Trách nhiệm của chủ thầu trong việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường:
Để không xảy ra tai nạn lao động trong khi thi công thì chủ thầu và người lao động cần phải có những trách nhiệm nhất định trong việc đảm bảo an toàn lao động. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm đảm bảo an toàn lao động của chủ thầu. Theo đó, ta căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì xác định được như sau:
Thứ nhất, chủ thầu có trách nhiệm phải hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường
Thứ hai, chủ thầu phải phối hợp với các bên liên quan thường xuyên rà soát kế hoạch tổng hợp về an toàn, biện pháp đảm bảo an toàn và đề xuất điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế thi công xây dựng;
Thứ ba, để đảm bảo an toàn lao động thì chủ thầu có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã được chủ đầu tư chấp thuận
Thứ tư, chủ thầu phải yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc;
Thứ năm, chủ thầu cần phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động;
Thứ sáu, Chủ thầu phải thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động của người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường;
Thứ bảy, tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.
Thứ tám, đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường hoặc giám đốc dự án;
3.2. Trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường?
Căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định thì ta xác định được trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động trên công trường như sau:
Thứ nhất, người lao động phải thực hiện các trách nhiệm của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ hai, phải báo cáo với người có thẩm quyền khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng.
Thứ ba, khi thấy không đảm bảo an toàn lao động hoặc không được cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định thì người lao động phải từ chối thực hiện các công việc được giao
Thứ tư, người lao động chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ năm, người lao động có trách nhiệm tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.
– Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng