Trong đời sống hằng ngày, việc cho người thân, bạn bè mượn xe để đi học, đi làm hay đi chơi là tình trạng thường xuyên xảy ra. Thực tế, việc đó đã dẫn đến tình trạng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy trong trường hợp người mượn xe điều khiển phương tiện gây ra tai nạn thì chủ xe có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm của chủ phương tiện khi cho mượn xe gây tai nạn:
Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình; hay được hiểu là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm làm đúng đắn, nếu sai trái thì phải chịu phần hậu quả.
Trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ xe khi cho mượn xe gây tai nạn được hiểu là sự ràng buộc đối với hành vi cho người khác mượn xe gây ra ra tai nạn.
Chủ sở hữu xe, phương tiện khi cho người khác mượn phương tiện của mình rồi gây tai nạn giao thông có thể phải chịu các trách nhiệm sau đây:
– Trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 264
– Trách nhiệm dân sự: Bồi thường thiệt hại
2. Quy định về trách nhiệm dân sự khi chủ xe cho mượn xe gây tai nạn:
Căn cứ quy định tại khoản 1 – Điều 601 Bộ luật Dân sự, phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó, chủ sở hữu phương tiện giao thông phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định.
Trường hợp phương tiện đang đi trên đường mà gây ra sự cố như nổ lốp, mất phanh,… gây ra tai nạn thì thiệt hại được xác định do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trường hợp này, chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
“Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác”
Như vậy, trường hợp này được xác định là do lỗi kỹ thuật của xe máy gây tai nạn nên người mượn xe gây tai nạn thì người này sẽ phải bồi thường thiệt hại do gây ra tai nạn còn chủ xe máy sẽ không phải bồi thường.
3. Trách nhiệm hình sự khi chủ phương tiện cho mượn xe gây tai nạn:
Nếu không thuộc trường hợp do lỗi kỹ thuật của chiếc xe mà hoàn toàn là do ý thức cũng như việc vận hành chiếc xe của người mượn thì trách nhiệm sẽ được xác định như sau:
– Trường hợp chủ sở hữu chiếc xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện xe cơ giới mượn xe mà gây tai nạn, chủ xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ quy định tại điều 264 Bộ luật Hình sự.
Tại trường hợp này người giao xe cho người khác mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe cũng như không đủ điều kiện lái xe do sử dụng các chất kích thích mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, sử dụng chất ma túy hay các chất khác mà dẫn đến gây thiệt hại cho người khác sẽ bị áp dụng các hình phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
+ Phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% – 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100 – dưới 500 triệu đồng.
– Phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% – 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu – dưới 1,5 tỷ đồng.
– Phạt tù từ 02 – 07 năm: Nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, chủ xe còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng.
– Trường hợp nữa là người mượn xe là người điều khiển xe vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây ra tai nạn thì bản thân người mượn xe phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình
Chính vì những điều này mà khi cho người khác mượn xe, chủ sở hữu xe cần cân nhắc kỹ về giấy phép lái xe, tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích khác của người mượn xe để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra mà chính bản thân chủ xe phải chịu trách nhiệm.
4. Trường hợp chủ xe phải bồi thường thiệt hại khi khi cho mượn xe gây tai nạn:
Trước tiên, cần phải xác định thiệt hại do nguồn nguy hiểm nào gây ra, nếu là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ phương tiện, chủ xe có thể phải chịu trách nhiệm liên đới.
4.1. Xác định nguồn nguy hiểm cao độ:
a) Khi có phương tiện giao thông, công trình, vật chất hoặc loại thú nào đó gây ra thiệt hại, để có căn cứ áp dụng các khoản 2, 3 và 4 Điều 623 BLDS xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải xác định nguồn gây ra thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không.
b) Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 623 BLDS và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó. Ví dụ: Để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định tại .điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
4.1. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
a) Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ.
b) Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thỏa thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường.
Ví dụ: Các thỏa thuận sau đây là không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường:
– Thỏa thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
– Thỏa thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường;
– Ai có điều kiện về kinh tế hơn thì người đó thực hiện việc bồi thường thiệt hại trước.
Trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sỡ hữu phải bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe ô tô, nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
c) Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
– Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.
– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
d) Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật).
Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
đ) Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:
– Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A phải bồi thường thiệt hại.
– Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp; do đó, B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó; do đó, C phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu xe gây tai nạn là xe đi mượn, đi thuê mà người điều khiển có đủ điều kiện tham gia giao thông, chủ xe vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cùng với người điều khiển xe trong trường hợp chủ xe và người lái xe có thỏa thuận trước về việc cả hai cùng bồi thường nếu tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 03 ngày 8/7/2016, người nào thuê xe của người khác gây tai nạn, người thuê xe phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.