Vận chuyển hàng hoá là một dịch vụ phổ biến hiện nay bởi nhu cầu mua sắm, tặng quà,... của con người ngày một tăng cao. Theo đó, khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hoá thì bên sử dụng dịch vụ và bên vận chuyển hàng hoá phải thực hiện ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hoá. Vậy trách nhiệm của các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là hợp đồng vận chuyển hàng hoá?
Vận chuyển hàng hoá là hoạt động di chuyển hàng hoá từ địa điểm này sang địa điểm khác. Hiện nay, việc vận chuyển hàng hoá được thực hiện thông qua dịch vụ vận chuyển của đơn vị chuyên cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hoá. Do đó, khi sử dụng dịch vụ vận chuyển với bên thứ ba thì bên thuê dịch vụ vận chuyển sẽ phải cùng ký kết với đơn vị cung ứng dịch vụ Hợp đồng vận chuyển hàng hoá.
Căn cứ theo quy định tại Điều 530
Như vậy, hợp đồng vận chuyển hàng hoá là một trong những loại hợp đồng vận chuyển tài sản. Hợp đồng thể hiện sự thoả thuận của các bên trong việc vận chuyển hàng hoá. Theo đó, bên nhận dịch vụ có nghĩa vụ vận chuyển hàng hoá đến đến địa điểm đã thoả thuận và giao tận tay người nhận. Còn bên thuê dịch vụ vận chuyển có trách nhiệm thanh toán cước vận chuyển và các khoản thù lao khác cho đơn vị vận chuyển theo thoả thuận của các bên.
2. Đặc điểm của hợp đồng vận chuyển hàng hoá:
Do hợp đồng vận chuyển hàng hoá là một trong những loại hợp đồng vận chuyển tài sản nên sẽ mang những đặc điểm chung của hợp đồng vận chuyển tài sản và mang đặc điểm riêng của mình. Cụ thể, hợp đồng vận chuyển hàng hoá bao gồm các đặc điểm sau:
– Hợp đồng vận chuyển hàng hoá là hợp đồng song vụ, mang tính chất đền bù và trong một số trường hợp cụ thể thì hợp đồng này được xác định là hợp đồng ưng thuận hoặc hợp đồng thực tế;
– Hợp đồng vận chuyển hàng hoá có thể được xem là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Người thứ ba được nói đến trong đặc điểm này là người có quyền nhận hàng hoá vận chuyển. Tuy người thứ ba này không phải là chủ thể giao kết hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hoá như người thuê dịch vụ và đơn vị cung ứng dịch vụ nhưng lại là bên có quyền lợi;
– Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác theo thỏa thuận của các bên, tức là việc dịch chuyển vị trí địa lý của hàng hóa theo thỏa thuận của các bên với tính chất là một loại dịch vụ.
3. Trách nhiệm của các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa:
Trách nhiệm của các bên là điều khoản bắt buộc phải có trong Hợp đồng vận chuyển hàng hoá. Dựa vào điều khoản quy định về trách nhiệm thì các bên có thể xác định được công việc mình phải thực hiện, trách nhiệm đặt ra là gì và bên còn lại sẽ xác định được thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm khi bên kia vi phạm trách nhiệm đã đặt ra trong hợp đồng.
Dưới đây là trách nhiệm của các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá:
3.1. Trách nhiệm của đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hoá:
– Thứ nhất, bên vận chuyển có trách nhiệm nhận hàng hoá và giao hàng hoá đến tận địa điểm đã thoả thuận, đúng thời gian đã thoả thuận và giao tận tay người có quyền nhận hàng hoá:
+ Bên vận chuyển hàng hoá có trách nhiệm nhận hàng hoá tại địa điểm và đúng thời gian mà các bên đã thoả thuận. Trong trường hợp hàng hoá cần phải bảo quản để giữ chất lượng tốt nhật và bên vận chuyển nhận hàng chậm làm ảnh hưởng và phát sinh chi phí bảo quản sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả chi chí bảo quản và bồi thường thiệt hại từ việc chậm nhận hàng mà mình gây ra;
+ Bên vận chuyển có trách nhiệm giao hàng tận tay người có quyền nhận hàng, giao đúng địa điểm và thời gian đã cam kết trong hợp đồng. Nếu phát sinh thiệt hại và giao hàng không đúng theo thoả thuận thì bên vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại đó.
– Thứ hai, bên vận chuyển có trách nhiệm sắp xếp hàng hoá theo đúng quy định về xếp hàng hoá
– Thứ ba, bên vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển làm mất hàng hoá, làm hư hỏng hàng hoá.
Kể từ thời điểm bên thuê vận chuyển giao hàng hoá cho bên vận chuyển thì bên vận chuyển đã phải thực hiện trách nhiệm kiểm tra hàng hoá và có quyền nhận hàng hoá theo đúng quy định hoặc có quyền từ chối nhận vận chuyển nếu hàng hoá hư hỏng là do lỗi của bên thuê vận chuyển, hàng hoá không đúng theo thoả thuận. Theo đó, từ khi hàng hoá được bên nhận vận chuyển nhận thì trong quá trình vận chuyển đến khi giao hàng đến tận tay người nhận thì bên vận chuyển có trách nhiệm bảo quản hàng hoá, không để mất hàng hoá hoặc làm hư hỏng hàng hoá.
Như vậy, nếu trong quá trình vận chuyển mà bên vận chuyển làm mất hàng hoá hoặc làm hư hỏng hàng hoá thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với trị giá của hàng hoá bị mất, bị hư hỏng.
3.2. Trách nhiệm của bên thuê vận chuyển hàng hoá:
– Thứ nhất, bên thuê vận chuyển có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá cho bên nhận vận chuyển:
Bên thuê vận chuyển có trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hoá như: số lượng, chất liệu, cân nặng,… và cung cấp thông tin của bên có quyền nhận hàng hoá như: họ và tên, thông tin liên hệ.
Việc cung cấp đầy đủ thông tin giúp cho bên nhận vận chuyển xác định được sẽ vận chuyển loại hàng hoá nào và vận chuyển đến cho ai. Từ đó giúp việc vận chuyển trở nên nhanh chóng và dễ dnagf hơn.
– Thứ hai, bên thuê vận chuyển hàng hoá có trách nhiệm bảo quản hàng hoá trước khi giao cho bên vận chuyển và giao hàng hoá cho bên vận chuyển:
Bên thuê vận chuyển có trách nhiệm kiểm tra hàng hoá và bảo quản hàng hoá theo đúng quy định trước khi bàn giao hàng hoá cho bên vận chuyển. Nếu chất lượng hàng hoá không đảm bảo trước thời hạn giao hàng cho bên vận chuyển thì bên thuê vận chuyển phải có trách nhiệm đối với hàng hoá này.
Bên cạnh đó, bên thuê vận chuyển phải có trách nhiệm giao đúng mặt hàng đã thoả thuận với bên vận chuyển theo đúng thời gian và địa điểm đã thoả thuận. Nếu giao hàng không đúng mặt hàng đã cao kết thì bên nhận vận chuyển có quyền từ chối vận chuyển hàng hoá này. Nếu phát sinh thiệt hại thì bên thuê vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại đã xảy ra.
– Thứ ba, bên thuê vận chuyển có trách nhiệm thanh toán cước phí vận chuyển và những chi phí có liên quan theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng.
Thanh toán cước phí vận chuyển là nghĩa vụ cơ bản và thiết yếu của bên thuê vận chuyển. Tiền cước phí và các chi phí khác có liên quan sẽ do các bên thoả thuận cụ thể trong hợp đồng. Ngoài cước phí vận chuyển theo giá niêm yết của đơn vị vận chuyển thì người thuê vận chuyển còn phải chịu các chi phí như tiền lưu kho, tiền lưu bãi, tiền cước hoàn (nếu có),…
– Thứ tư, nếu các bên có thoả thuận để cho bên thuê vận chuyển trông coi hàng hoá trong quá trình vận chuyển thì bên thuê vận chuyển phải có trách nhiệm trông coi và sẽ không được bồi thường về hàng hoá bị mất hoặc bị hư hỏng.
4. Nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vận chuyển hàng hoá:
Căn cứ theo quy định tại Điều 541 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vận chuyển hàng hoá được xác định theo nguyên tắc sau:
– Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để mất hoặc làm hư hỏng tài sản trong quá trình vận chuyển hàng hoá;
– Bên thuê vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nhận vận chuyển và người thứ ba có quyền nhận hàng hoá về những thiệt hại do hàng hoá vận chuyển gây ra nếu hàng hoá đó là hàng hoá nguy hiểm, độc hại mà không sử dụng biện pháp đóng gói và bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển hàng hoá;
– Trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng mà dẫn đến mất hoặc hư hỏng hàng hoá vận chuyển thì bên nhận vận chuyển sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra đối với thiệt hại của hàng hoá đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Chẳng hạn như trong quá trình vận chuyển mà xe vận chuyển chẳng may gặp nạn gây thiệt hại về hàng hoá mà không thể lường trước được thì xem là sự kiện bất khả kháng.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Dân sự năm 2015.