Trong quá trình sử dụng dịch vụ, có trường hợp người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi bởi các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Trong quá trình sử dụng dịch vụ, có trường hợp người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi bởi các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, vấn đề đặt ra là khi bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng có buộc phải chứng minh lỗi hay không.
Theo quy định tại Điều 42 LBVQLNTD 2010 về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
“1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.
3. Tòa án quyết định bên có lỗi trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
Để bảo vệ quyền lợi của mình, hơn ai hết, chính những người tiêu dùng phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, đó có thể là các đồ vật, tài liệu nhằm chứng minh các vấn đề về hành vi vi phạm, thiệt hại xảy ra, quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại mà bản thân người tiêu dùng đã bị thiệt hại từ việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó. Với quy định này, người tiêu dùng có thể chủ động bảo vệ chính mình khi tham gia các quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với những chủ thể sản xuất, kinh doanh. Thực tế, quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm khá phổ biến, việc mua nhầm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra thường xuyên nhưng số người tiêu dùng đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình không nhiều. Theo thống kê, cả nước có đến 87 triệu dân, nhưng mỗi năm các cơ quan chức năng chỉ nhận được chưa tới 1.500 vụ khiếu nại từ người tiêu dùng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Nguyên nhân là do người tiêu dùng vẫn còn e ngại, sợ phiền hà hoặc sợ mất thời gian, chưa có thói quen khiếu kiện khi bị xâm hại quyền lợi. Hơn thế nữa, theo quy định trước đây, người tiêu dùng buộc phải chứng minh sản phẩm đó không đúng với công bố về sản phẩm mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đưa ra. Khắc phục tồn tại này, LBVQLNTD 2010 đã quy định về nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà không buộc người tiêu dùng phải chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Quy định này đảm bảo cho cả lợi ích của tổ chức, cá nhân kinh doanh được quyền bảo vệ mình trước sự “buộc tội” của người tiêu dùng vì họ là người hiểu sản phẩm của mình hơn bất cứ ai. Họ biết rõ về tính năng, công dụng cũng như những rủi ro, nguy hại có thể xảy ra đối với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm nên dễ dàng hơn trong việc biện hộ cho mình. Tuy nhiên, nếu chủ thể này không thể chứng minh được rằng mình không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại đối với người tiêu dùng thì sẽ phải bồi thường. Điều này cũng xuất phát từ vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Bởi trong hầu hết các vụ vi phạm, người tiêu dùng hầu như không thể chứng minh được lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ do thiếu kiến thức, phương tiện, năng lực tài chính điển hình như trong những vụ việc xảy ra gần đây: vụ xăng pha aceton, sữa nhiễm melamine… . So với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này, người tiêu dùng khó có thể am hiểu tường tận về các kiến thức chuyên ngành nên nếu đặt ra yêu cầu người tiêu dùng phải chứng minh được các chất hóa học có hại trong sản phẩm để chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là bất khả thi.