Tai nạn giao thông là sự việc xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ có hành vi vi phạm quy định về an ninh trật tự an toàn giao thông, gây thiệt hại đến tính mạng sức khỏe, tài sản của người khác. Vậy trách nhiệm bồi thường khi xe không chính chủ gây tai nạn được xác định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Trách nhiệm bồi thường khi xe không chính chủ gây tai nạn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định:
– Người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng sức khỏe, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại trên thực tế thì cần phải có trách nhiệm bồi thường, ngoại trừ trường hợp bộ luật dân sự hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan có quy định khác;
– Người gây ra thiệt hại sẽ không cần phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại đó xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật liên quan có quy định khác;
– Trường hợp tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản đó cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ngoại trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.
Theo đó thì có thể nói, nếu người mượn xe gây ra tai nạn giao thông thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông đó. Tuy nhiên, nếu tai nạn giao thông xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị hại thì người điều khiển phương tiện giao thông sẽ không cần phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Đồng thời, cần phải xem xét đến người cho mượn phương tiện giao thông, tức là người chủ sở hữu phương tiện giao thông hợp pháp. Căn cứ theo quy định tại Điều 601 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể như sau:
– Nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, các hệ thống đường tải điện, các hệ thống nhà máy công nghiệp đang trong quá trình hoạt động, các loại phương tiện vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, chất độc, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định cụ thể. Đồng thời, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật cần phải vận hành, bảo quản, vận chuyển, trông giữ, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật có liên quan;
– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ là chủ thể cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nếu có thiệt hại xảy ra trên thực tế, trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu và sử dụng hợp pháp thì người này cần phải có trách nhiệm bồi thường, ngoại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, người chiếm hữu và sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ còn phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi họ không có lỗi, ngoại trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra trên thực tế hoàn toàn xuất phát từ lỗi cố ý của người bị thiệt hại, hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết (ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác);
– Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu và sử dụng trái quy định pháp luật thì người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật sẽ là chủ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra trên thực tế. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu và sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu/sử dụng trái quy định của pháp luật thì cần phải có trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo đó, trong trường hợp gây tai nạn đối với phương tiện không chính chủ, trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì người được giao phương tiện đó sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại cho người khác. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì chủ sở hữu phương tiện mặc dù không trực tiếp điều khiển phương tiện nhưng cũng phải có trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây tai nạn giao thông:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây ra tai nạn giao thông được xác định như sau:
Thứ nhất, bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần bị xâm phạm. Căn cứ theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Cụ thể:
– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm sẽ bao gồm các thiệt hại sau:
+ Chi phí hợp lý phục vụ cho hoạt động cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, phục hồi chức năng bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc thu nhập bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và cũng không thể xác định được cụ thể thì sẽ áp dụng theo mức thu nhập bình quân của lao động cùng loại trên thị trường lao động;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong suốt thời gian điều trị, nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại trên thực tế sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý phục vụ cho hoạt động chăm sóc người bị thiệt hại.
– Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm sẽ phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Về mức bồi thường, mức bồi thường và bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau, trong trường hợp các bên không có thoả thuận thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm sẽ không vượt quá 50 lần mức lương cơ sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đồng thời, trường hợp bị thiệt hại dẫn tới hiện tượng mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại sẽ được xác định là một ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho một ngày chăm sóc người bị thiệt hại đó. Trong trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, thu nhập ổn định từ tiền công thì sẽ được xác định theo mức tiền lương, mức tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương/tiền công của người bị thiệt hại bị mất hoặc bị giảm sút.
Theo đó, người bị thiệt hại về sức khỏe, tinh thần do tai nạn giao thông cần phải cung cấp và chứng minh những loại hóa đơn giấy tờ, chứng từ có liên quan đến việc chữa bệnh, khắc phục hậu quả, phục hồi sức khỏe, thu nhập bị giảm sút của người chăm sóc để yêu cầu người gây ra tai nạn bồi thường.
Thứ hai, bồi thường do tài sản bị xâm phạm. Căn cứ theo quy định tại Điều 589 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Theo đó:
– Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc tài sản bị hư hỏng;
– Lợi ích gắn liền với việc sử dụng tài sản, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
– Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục, hạn chế thiệt hại.
Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại sẽ là chi phí để sửa chữa và khắc phục tình trạng của tài sản đó trước khi bị hư hỏng, xét được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trong trường hợp tài sản bị hư hỏng dẫn đến hiện tượng không thể sửa chữa và khôi phục thì thiệt hại sẽ được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng/tiêu chuẩn kĩ thuật, có cùng tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại vào thời điểm giải quyết chế độ bồi thường.
Theo đó, người gây ra tai nạn giao thông cần phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe tinh thần của người bị thiệt hại phải bồi thường và khắc phục hư hỏng về tài sản bị thiệt hại như quán bán hàng, xe máy, xe ô tô …
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Khung hình phạt được xác định cụ thể như sau:
+ Khung cơ bản: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
+ Khung thứ hai: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm;
+ Khung thứ ba: Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Theo đó thì có thể nói, người gây ra tai nạn giao thông ngoài việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 theo như phân tích nêu trên thì còn có thể phải chịu hình phạt tù, tức là chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến khách thể do bộ luật hình sự bảo vệ, nếu hành vi đó có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ căn cứ tại Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
THAM KHẢO THÊM: