Trách nhiệm bồi thường khi xe khách gây tai nạn. Tài xế xe khách được thuê và nhận lương hàng tháng gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?
Tóm tắt câu hỏi:
Chồng tôi là tài xế xe khách chạy thuê lấy tiền công hàng tháng. Vừa qua anh chạy xe tránh xe khác và va quẹt vào 1 em trai 14 tuổi. Ngay sau đó chồng tôi đưa em đi bệnh viện cấp cứu và điều trị. Em bị nứt sọ. tụ máu bầm trong não và đã điều trị khỏi nhưng thần kinh của em có vấn đề. Bác sĩ bệnh viện tâm thân cho hay em có khả năng bị tâm thần. Hiện tại gia đình tôi đang lo chạy chữa cho em. và đã đưa cho gia đình em 15 triệu. Tôi không biết là gia đình chúng tôi phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hay là chủ sở hữu phương tiện vì chồng tôi chỉ là người làm công ăn lương. Mong quý luật sư tận tình giúp đỡ.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Điều 623 “Bộ luật dân sự 2015” có quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:
“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
>>> Luật sư
Trường hợp của chồng bạn, như bạn có nói chồng bạn kí hợp đồng với lao động với chủ sở hữu chiếc xe, chồng bạn làm thuê cho người đó. Trong trường hợp, hợp đồng giữa chồng bạn và chủ sở hữ có thỏa thuận về vấn đề chịu trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra thì sẽ thực hiện theo điều khoản trong hợp đồng đó. Nếu hợp đồng không có điều khoản này thì việc xác định trách nhiệm sẽ tuân thủ quy định tại Điều 623 “Bộ luật dân sự 2015”. Theo quy định tại Điều luật này thì chồng bạn và chủ sở hữu chiếc xe không phải chịu trách nhiệm khì:
– Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu thiệt hại của đứa bé không thuộc trường hợp ngoại trừ trách nhiệm nêu trên thì chồng bạn và chủ sở hữu chiếc xe sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành vi gây tai nạn. Ở đây, việc chồng bạn có lỗi hay không có lỗi nếu không thuộc các trường hợp ngoại lệ nêu tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự thì chồng bạn vẫn phải chịu trách nhiệm. Việc chồng bạn đã đưa đứa bé vào viện, thăm hỏi và bồi thường cho đứa bé chỉ là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét có khởi kiện hình sự bạn theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự hay không. Chủ sở hữu xe là chủ sở hữu của xe, là người sử dụng lao động trong trường hợp này vì thế chủ sở hữu xe đó cũng phải cùng chồng bạn chịu trách nhiệm đối với đứa bé kia.