Thuế trong kinh doanh chứng khoán là các khoản thu mang tính chất bắt buộc mà các chủ thể khi tham gia hoạt động kinh doanh chứng khoán phải nộp cho nhà nước; là công cụ để nhà nước giải quyết các vấn đề tăng nguồn thu ngân sách, thu hút hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm thuế trong kinh doanh chứng khoán:
1.1. Tổng quan chung về thuế:
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau về thuế. Các nhà kinh tế có nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau để đưa ra định nghĩa về thuế. Theo C.Mác thì chính sách thuế được hiểu là: “Để duy trì quyền lực công cộng, cần phải có đóng góp của những người công dân của nhà nước đó là thuế khóa,..”. Thuế theo định nghĩa của C.Mác là được hiểu là một biện pháp đặc biệt mà Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công, nhằm thực hiện chức năng kinh tế – xã hội của nhà nước. Như vậy, thuế được hiểu là công vụ để duy trì quyền lực nhà nước. Thuế là khoản đóng góp bắt buộc để duy trì quyền lực của giai cấp thống trị. Đối với giai cấp không phải là tầng lớp thống trị sẽ coi thuế không phải là nghĩa vụ của họ và sẽ tìm cách để trốn thuế, tránh thuế. Quan điểm này hỗ trợ cho các nhà kinh tế có góc nhìn xã hội trong củng cố, đấu tranh giai cấp.
Theo từ điển kinh tế của hai tác giả người Anh là Chrisopher Pass và Bryan Lowes định nghĩa: “Thuế là một biện pháp của Chính phủ đánh trên thu nhập của cải và vốn nhận được của các cá nhân hay doanh nghiệp (thuế trực thu), trên việc chi tiêu về hàng hóa và dịch vụ thuế gián thu) và trên tài sản”.
Theo từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển học (năm 1998) định nghĩa thuế là khoản tiền hay hiện vật mà người dân hoặc các tổ chức kinh doanh, tùy theo tài sản, thu nhập, nghề nghiệp,... buộc phải nộp cho nhà nước theo quy định.
Mặc dù có các quan điểm khác nhau về thuế, tuy nhiên, các định nghĩa về thuế đều có chung các khía cạnh:
Thứ nhất, nội dung kinh tế của thuế đặc trưng bởi quan hệ tiền tệ giữa nhà nước với các thể nhân, pháp nhân, không mang tính hoàn trả trực tiếp.
Thứ hai, những quan hệ dưới dạng tiền tệ này được nảy sinh một cách khách quan, có ý nghĩa xã hội đặc biệt – việc chuyển giao thu nhập có tính chất bắt buộc của nhà nước.
Thứ ba, các pháp nhân, thể nhân chỉ nộp các khoản thuế cho nhà nước nếu pháp luật quy định. Tiền thuế được sử dụng vào mục đích chung.
Như vậy, có thể hiểu thuế là khoản đóng góp mang tính chất bắt buộc của các chủ thể trong xã hội cho nhà nước theo mức độ, thời hạn đã được pháp luật quy định, nhằm sử dụng cho các lợi ích chung.
1.2. Tổng quan chung về thuế trong kinh doanh chứng khoán:
Thuế trong kinh doanh chứng khoán là các khoản thu mang tính chất bắt buộc mà các chủ thể khi tham gia hoạt động kinh doanh chứng khoán phải nộp cho nhà nước. Thuế được cụ thể hóa thông qua những chính sách thuế của nhà nước. Các chính sách thuế là các quan điểm, định hướng, công cụ của nhà nước để giải quyết các vấn đề như tăng nguồn thu ngân sách, thu hút hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán.
Thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán có phạm vi điều tiết rộng. Thuế sau khi được thiết lập chứa đựng các công cụ điều tiết làm thay đổi khối lượng giao dịch chứng khoán trong từng thời kỳ theo định hướng của nhà nước. Bên cạnh đó, chính sách thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán có tác động khuyến khích, hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư. Thuế có phạm vi điều tiết rất rộng và tác động đến thu nhập của các chủ thể khi tham gia thị trường chứng khoán nói chung và hoạt động kinh doanh chứng khoán nói riêng.
Thứ hai, thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán được thể hiện thông qua các chính sách đa dạng. Hoạt động kinh doanh chứng khoán ngày càng đa dạng với các dịch vụ
chứng khoán khác nhau được hình thành, nhiều loại chứng khoán khác nhau được bổ sung và nhiều hình thức đầu tư, kinh doanh chứng khoán khác nhau. Chính sự đa dạng đó là cơ sở phát sinh các sắc thuế khác nhau, hình thành nhiều hình thức thuế khác nhau trong hoạt động kinh doanh chứng khoán .
Thứ ba, thuế trong hoạt động kinh doanh chứng khoán thể hiện mục tiêu của nhà nước trong chính sách tài chính quốc gia. Thuế gắn liền với các mục tiêu kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ, góp phần tái cấu trúc thị trường chứng khoán , góp phần thực hiện các mục tiêu công bằng, phát triển ổn định, hiệu quả của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Thứ tư, thuế nhạy cảm với lạm phát. Lạm phát ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và hoạt động kinh doanh chứng khoán . Khi lạm phát tăng, nhà nước điều chỉnh chính sách thuế, đẩy thu nhập chịu thuế của người nộp thuế vào khung thuế suất cao hơn, tác động trực tiếp vào thu nhập của họ. Do đó, có thể ảnh hưởng đến tâm lý chung của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh chứng khoán và làm vỡ cấu trúc thuế đang được áp dụng sẵn trên thị trường này.
2. Pháp luật thuế trong kinh doanh chứng khoán:
2.1. Thuế trực thu trong hoạt động kinh doanh chứng khoán:
Thuế trực thu trong hoạt động kinh doanh chứng khoán là khoản thuế đánh trực tiếp vào thu nhập của tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh chứng khoán như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ,... Thuế này đánh vào doanh thu từ hoạt động tự doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn, lưu ký, bảo lãnh phát hành chứng khoán,...
Thuế trực thu có đặc điểm thu nhập của người nộp thuế càng cao thì phải nộp thuế càng nhiều. Do đó, thuế trực thu mang tính chất công bằng. Tuy nhiên, đặc điểm này đem lại tác động tiêu cực, làm hạn chế phần nào sự cố gắng tăng thu nhập của các chủ thể, gây ra cảm giác gánh nặng tâm lý về thuế và có thể dẫn tới các hành vi trốn thuế, lậu thuế.
Thuế trực thu trong hoạt động kinh doanh chứng khoán là thuế TNDN của các tổ chức tham gia vào hoạt động kinh doanh chứng khoán . Thu nhập chịu thuế được xác định là thu nhập sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý tạo ra thu nhập. Các chi phí này phải đạt những điều kiện chặt chẽ để tránh tình trạng khai khống chi phí.
Khi áp dụng, xây dựng chính sách về thuế TNDN sẽ thường gặp một số tình trạng như:
Chuyển giá: Gồm có chuyển giá nội địa và chuyển giá quốc tế. Các chủ thể thực hiện hành vi này nhằm mục đích khai báo chuyển nhượng khác với thực tế để điều chuyển doanh thu, chi phí theo hướng có lợi về thuế. Đây là hành vi để giảm thuế hoặc né tránh nộp thuế;
Đánh thuế trùng: Là hiện tượng đánh thuế nhiều lần trên một khoản thu nhập phát sinh đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán có yếu tố nước ngoài. Tình trạng này thường xảy ra do sự khác biệt về nguyên tắc, phương pháp tính thuế giữa các quốc gia. Hiện nay, các quốc gia ký kết thỏa thuận, hiệp định đánh thuế 2 lần để khắc phục tình trạng này.
“Vốn mỏng”: Là tình trạng duy trì vốn vay hoặc vốn của chủ sở hữu lớn để hưởng lợi về thuế. Điều này làm biến dạng thuế có lợi cho vay nợ thay vì góp vốn đầu tư khiến đòn bẩy tài chính dư thừa. Để hạn chế tình trạng này, nhiều quốc gia áp dụng các quy định riêng để hạn chế khấu trừ lãi suất dưới ngưỡng nhất định hoặc quy định tỷ lệ tối đa vốn chủ sở hữu.
Thuế TNDN trong hoạt động kinh doanh chứng khoán có đặc điểm sau:
Thứ nhất, chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế là các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán . Có thể phân loại doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế TNDN là doanh nghiệp thường trú và doanh nghiệp không thường trú. Doanh nghiệp thường trú là doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở tại Việt Nam. Doanh nghiệp không thường trú là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật nước ngoài và có tiến hành một số hoạt động phát sinh thu nhập chịu thuế tại Việt Nam.
Thứ hai, thuế TNDN là thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh chứng khoán . Thu nhập chịu thuế được xác định bằng chênh lệch giữa tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và các loại chi phí phát sinh để tạo ra thu nhập. Doanh nghiệp thường trú kinh doanh chứng khoán phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh ở Việt Nam và ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thường trú hoạt ở Việt Nam chỉ nột thuế thu nhập phát sinh thông qua các hoạt động kinh doanh chứng khoán của cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Thứ ba, mức động viên thuế TNDN phụ thuộc vào năng lực chịu thuế. Thuế suất thuế TNDN được quy định phù hợp với khả năng đóng thuế của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán nói riêng. Thuế TNDN được điều chỉnh phù hợp trong từng giai đoạn lịch sử nhằm bảo vệ lợi thế cạnh tranh và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư. Dưới góc độ kinh tế, thuế suất thuế TNDN là công cụ điều tiết thu nhập doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế, miễn giảm thuế góp phần khuyến khích hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN trong một số hoạt động của kinh doanh chứng khoán giúp bảo vệ doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều tiết thị trường khi có biến động.
2.2. Thuế gián thu trong hoạt động kinh doanh chứng khoán:
Thuế gián thu là loại thuế không đánh trực tiếp vào thu nhập, tài sản của người nộp thuế. Thuế gián thu được tính thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ là người chịu thuế là người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó. Thuế này dễ thu hơn thuế trực thu vì tránh được quan hệ trực tiếp giữa người chịu thuế và cơ quan nhà nước. Thuế gián thu trong hoạt động kinh doanh chứng khoán điển hình là thuế GTGT. Hiện nay, thuế gián thu được coi trọng vì đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, không tốn kém chi phí quản lý để thu thuế, dễ thu, dễ điều chỉnh và không gây áp lực cho người chịu thuế. Tuy nhiên, mức độ áp lực của người chịu thuế có giới hạn nhất định. Khả năng thu thuế tối đa cho ngân sách nhà nước trên thị trường chứng khoán là các khoản thu nhập nhà đầu tư sẵn sàng dành ra để trả thuế mà không làm thay đổi hành vi đầu tư kinh doanh vốn có của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán . Nếu áp thuế ở mức cao, các nhà đầu tư sẽ không tham gia thị trường, ảnh hưởng nhiều đến tính thanh khoản, khối lượng giao dịch chứng khoán trên thị trường, và số thuế thu được của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán. Thuế gián thu áp dụng cho mọi đối tượng khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp. Trong hoạt động kinh doanh chứng khoán , thuế gián thu là GTGT. Thuế này không đánh trực tiếp vào tài sản, thu nhập của nhà đầu tư mà đánh gián tiếp thông qua các dịch vụ cung cấp trên thị trường chứng khoán . Hiện nay, chỉ có duy nhất hoạt động tư vấn tài chính trong kinh doanh chứng khoán phải chịu thuế GTGT. Hoạt động kinh doanh tài chính nói chung và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác nói riêng không thuộc đối tượng của thuế GTGT với nhiều lý do như:
– Khó xác định GTGT của hoạt động chứng khoán. Việc sử dụng giá trị thị trường của các giao dịch kinh doanh chứng khoán để xác định GTGT cũng khó thực hiện. Đánh thuế GTGT nếu không tính toán kỹ sẽ làm bóp méo bản chất của hoạt động kinh tế. Do đó, nhiều quốc gia không đánh thuế GTGT mà đánh thuế thu nhập trong hoạt động kinh doanh chứng khoán .
– Đối tượng đánh thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đăng ký kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
– Đánh thuế GTGT trong hoạt động kinh doanh chứng khoán làm tăng chi phí sử dụng vốn, việc tiếp cận vốn khó khăn hơn, việc huy động vốn trong xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh ít hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.
– Vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể luân chuyển giữa các quốc gia khác nhau khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và khi nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hoạt động này diễn ra liên tục, phức tạp khiến hoạt động quản lý, thu thuế trở lên khó khăn hơn.