Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Phạm nhiều tội và bị xét xử trong cùng một lần thì hình phạt phải chịu như thế nào?
Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Phạm nhiều tội và bị xét xử trong cùng một lần thì hình phạt phải chịu như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi: Nếu anh H phạm tội trộm cắp tài sản là 49 triệu nhưng không bị phát hiện. 5 năm sau anh H lại phạm tội cướp giật tài sản nhưng vẫn không bị phát hiện. 5 năm sau nữa anh H phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó 1 năm anh H bị bắt thì án chung cho cả 3 tội của anh H phải chịu là như thế nào ạ?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009.
2. Luật sư tư vấn:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn nhất định mà khi hết thời hạn đó người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 23 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;
b) Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
c) Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.
Về hành vi trộm cắp tài sản, theo thông tin bạn cung cấp, hành vi phạm tội lần thứ nhất của H là hành vi trộm cắp tài sản với giá trị 49 triệu đồng. Với giá trị tài sản trộm cắp này (giả sử H không có thêm tình tiết định khung tăng nặng khác), H sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọnghoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Vì mức phạt tù cao nhất theo điều luật trên là 3 năm tù nên căn cứ khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999, đây là trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Do đó trong thời hạn 5 năm kể từ ngày H thực hiện hành vi trộm cắp tài sản mà H không phạm tội mới (5 năm sau H mới cướp giật tài sản) thì H không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản nữa.
Đối với hành vi cướp giật tài sản (thực hiện sau 5 năm kể từ ngày có hành vi trộm cắp). Bạn không trình bày rõ các đặc điểm của hành vi cướp giật tài sản nhưng khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự 1999 quy định:
Điều 136. Tội cướp giật tài sản
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Như vậy, ngay cả khi H bị phạm tội cướp giật tài sản theo khoản nhẹ nhất (khoản 1 Điều 136 trên) thì theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999 đây là trường hợp phạm tội nghiêm trọng, tương ứng với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm. Vì vậy tính đến thời điểm bị bắt (6 năm sau ngày thực hiện hành vi cướp giật), thời hiệu truy cứu trách nhiện hình sự vẫn còn nên H phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Giả sử H phạm tội theo khoản nhẹ nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009):
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từhai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưnggây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Căn cứ khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự 1999, đây là trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm nên tại thời điểm bị bắt (1 năm sau ngày thực hiện ngày vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản) thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn.
Như vậy, H phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội cướp giật tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự 1999, khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt từng tội sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau:
1. Đối với hình phạt chính :
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
2. Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Như vậy, bạn cần căn cứ vào mức độ vi phạm của H đối với từng hành vi phạm tội và các quy định pháp luật trên để xác định hình phạt của H khi bị xét xử.