Tìm hiểu về bí mật nhà nước? Quy định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước? Tổng hợp danh mục bí mật nhà nước trong tất các lĩnh vực?
Bí mật nhà nước giữ vai trò quan trọng đối với Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung. Bí mật nhà nước được hiểu cơ bản chính là thông tin mà những thông tin đó có nội dung quan trọng do chủ thể là người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của pháp luật. Các bí mật này đều chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu về bí mật nhà nước:
Bí mật nhà nước về cơ bản chính là những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích của quốc gia, dân tộc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, cụ thể:
– Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chủ trương, kế hoạch, phương án phòng thủ đất nước; kế hoạch động viên, đối phó với chiến tranh.
– Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia; giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ.
– Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối nội, đối ngoại và các vấn đề phải giữ bí mật theo cam kết với nước ngoài.
– Các vấn đề liên quan đến các quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế và xã hội của đất nước chưa công bố.
– Các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia.
– Các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu.
– Các chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội; y tế; giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông và các lĩnh vực khác chưa công bố.
Việc bảo vệ bí mật nhà nước có vai trò quan trọng. Đây thực chất chính là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để nhằm mục đích phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước.
Như vậy, ta nhận thấy, những thông tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói hoặc các dạng khác có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, an ninh – quốc phòng, đối ngoại, kinh tế, khoa học – công nghệ và các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố chính là các bí mật nhà nước. Bí mật nhà nước khi bị tiết lộ, công khai rất có thể gây nguy hại cho Nhà nước, tổ chức.
2. Quy định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước:
Quy định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước được quy định cụ thể như sau:
– Căn cứ vào quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước.
– Chủ thể là những người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước bao gồm:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.
+ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng.
+ Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị – xã hội.
+ Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
+ Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước.
+ Chánh án
– Chủ thể là người lập danh mục bí mật nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật bảo vệ bí mật nhà nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật bảo vệ bí mật nhà nước.
Hồ sơ gửi Bộ Công an bao gồm văn bản trình Thủ tướng Chính phủ; dự thảo quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước; báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bản sao ý kiến tham gia.
Văn bản thẩm định của Bộ Công an phải gửi đến người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Công an, người lập danh mục bí mật nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật bảo vệ bí mật nhà nước có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước.
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
Trong giai đoạn hiện nay, có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng và quan tâm đến công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Chính phủ, Bộ Công an, Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn để việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đi vào nền nếp, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với nguy cơ lộ, lọt, mất bí mật nhà nước.
Công tác bảo vệ bí mật nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, có quan hệ trực tiếp đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc. Hiện nay, quan hệ cạnh tranh giữa các quốc gia về kinh tế thương mại diễn ra vô cùng khốc liệt, nếu chỉ để lộ, mất một vài điều bí mật là có thể dẫn đến khủng hoảng của cả một nền kinh tế lớn. Việc quy định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
3. Tổng hợp danh mục bí mật nhà nước trong tất các lĩnh vực:
Luật Bảo vệ Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 15/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc. Để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ Bảo vệ bí mật nhà nước, căn cứ quy định tại Điều 9, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 32 Danh mục bí mật nhà nước trong các lĩnh vực, cụ thể như sau:
STT | Văn bản | Lĩnh vực | Ngày ban hành | Ngày có hiệu lực |
1 | Quyết định 774/QĐ-TTg | Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng | 05/6/2020 | 01/7/2020 |
2 | Quyết định 808/QĐ-TTg | Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh | 18/6/2020 | 01/7/2020 |
3 | Quyết định 809/QĐ-TTg | Giáo dục và Đào tạo | 10/6/2020 | 01/7/2020 |
4 | Quyết định 872/QĐ-TTg | Hội Cựu chiến binh Việt Nam | 19/6/2020 | 01/7/2020 |
5 | Quyết định 960/QĐ-TTg | Nội vụ | 07/7/2020 | 07/7/2020 |
6 | Quyết định 969/QĐ-TTg | Giao thông vận tải | 07/7/2020 | 07/7/2020 |
7 | Quyết định 970/QĐ-TTg | Tòa án nhân dân | 07/7/2020 | 07/7/2020 |
8 | Quyết định 971/QĐ-TTg | Công tác dân tộc | 07/7/2020 | 07/7/2020 |
9 | Quyết định 988/QĐ-TTg | Nông nghiệp và phát triển nông thôn | 09/7/2020 | 09/7/2020 |
10 | Quyết định 1178/QĐ-TTg | Đối ngoại và hội nhập quốc tế | 04/8/2020 | 04/8/2020 |
11 | Quyết định 1180/QĐ-TTg | Viện kiểm sát nhân dân tối cao | 04/8/2020 | 04/8/2020 |
12 | Quyết định 1192/QĐ-TTg | Văn hóa, thể thao | 05/8/2020 | 05/8/2020 |
13 | Quyết định 1222/QĐ-TTg | Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam | 11/8/2020 | 11/8/2020 |
14 | Quyết định 1294/QĐ-TTg | Khoa học và công nghệ | 24/8/2020 | 24/8/2020 |
15 | Quyết định 1295/QĐ-TTg | Y tế | 24/8/2020 | 24/8/2020 |
16 | Quyết định 1306/QĐ-TTg | Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội | 26/8/2020 | 26/8/2020 |
17 | Quyết định 1369/QĐ-TTg | Công nghiệp và Thương mại | 03/9/2020 | 03/9/2020 |
18 | Quyết định 1441/QĐ-TTg | Kế hoạch, đầu tư và thống kê | 23/9/2020 | 23/9/2020 |
19 | Quyết định 1451/QĐ-TTg | Lao động và xã hội | 24/9/2020 | 24/9/2020 |
20 | Quyết định 1494/QĐ-TTg | Xây dựng | 02/10/2020 | 02/10/2020 |
21 | Quyết định 1660/QĐ-TTg | Tài nguyên và môi trường | 26/10/2020 | 26/10/2020 |
22 | Quyết định 1663/QĐ-TTg | Kiểm toán nhà nước | 26/10/2020 | 26/10/2020 |
23 | Quyết định 1722/QĐ-TTg | Đảng | 03/11/2020 | 03/11/2020 |
24 | Quyết định 1765/QĐ-TTg | Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước | 09/11/2020 | 09/11/2020 |
25 | Quyết định 1923/QĐ-TTg | Tài chính, ngân sách | 25/11/2020 | 25/11/2020 |
26 | Quyết định 2182/QĐ-TTg | Ngân hàng | 21/12/2020 | 21/12/2020 |
27 | Quyết định 2238/QĐ-TTg | Thông tin và truyền thông | 29/12/2020 | 29/12/2020 |
28 | Quyết định 2288/QĐ-TTg | Công đoàn Việt Nam | 31/12/2020 | 31/12/2020 |
29 | Quyết định 39/QĐ-TTg | Hội Nông dân Việt Nam | 12/01/2021 | 12/01/2021 |
30 | Quyết định 211/QĐ-TTg | Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ | 17/02/2021 | 17/02/2021 |
31 | Quyết định 277/QĐ-TTg | Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp | 26/02/2021 | 26/02/2021 |
32 | Quyết định 741/QĐ-TTg | Xây dựng pháp luật, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi thường nhà nước, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế | 20/5/2021 | 20/5/2021 |
Cho đến nay, công tác bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh tổ quốc.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước ngày càng quan trọng và cấp bách, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước ngày càng được tăng cường. Hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước cũng đã từng bước được hoàn thiện.